Cách giới thiệu khéo léo về bản thân

Một phần của tài liệu Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ (Trang 60 - 61)

Khi chúng ta tham dự một buổi phỏng vấn xin việc, tự giới thiệu về mình là điều không thể thiếu. Lời giới thiệu hay sẽ để lại ấn tượng sâu sắc, thuyết phục được người phỏng vấn, như vậy xin việc được coi là đã thành công một nửa. Đa số mọi người đều cho rằng, tự giới thiệu về mình là một việc rất dễ, thực tế cách nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Có câu: “Nói về người thì dễ, nói về mình thì khó.” Khi phỏng vấn xin việc, tự giới thiệu về mình là điều khó nhất. Vì vậy, chúng ta nhất định phải đầu tư công sức cho phần tự giới thiệu khi tham gia phỏng vấn xin việc.

Hỏi thăm lễ phép, chủ đề rõ ràng

Khi gặp người phỏng vấn, người xin việc nên chào đối phương trước, chào hỏi là nguyên tắc ứng xử cơ bản nhất. Bạn có thể nói: “Xin chào Giám đốc, cảm ơn ông đã dành cho tôi cơ hội phỏng vấn, trước tiên tôi xin tự giới thiệu về mình…” Sau khi giới thiệu xong, nên nói cảm ơn một lần nữa. Nếu nhiều người cùng phỏng vấn, thì phải cảm ơn tất cả mọi người.

Khi tự giới thiệu về mình, còn phải chú ý tới chủ đề. Chủ đề của bạn nhất định phải rõ ràng, trực tiếp đi thẳng vào vấn đề, không nên nói những điều không cần thiết. Nếu lời bạn nói không rõ ràng thì người phỏng vấn sẽ không muốn nghe tiếp. Khi tự giới thiệu, chú ý đảm bảo đầy đủ những thông tin sau: Họ tên, tuổi, quốc tịch, học lực cùng với tính cách, kinh nghiệm, sở thích, năng lực làm việc của bạn. Đương nhiên, trước khi giới thiệu, nhất định phải phân loại hợp lí thông tin của bản thân, giới thiệu quanh một chủ đề trọng tâm. Nếu đơn vị bạn xin vào coi trọng kiến thức và học lực của ứng viên, thì khi tự giới thiệu, bạn nên bắt đầu nói kĩ từ thành tích học tập và những kiến thức có được trong quá trình học chuyên ngành, ngoài ra, khi giới thiệu, nên lấy những vấn đề này làm trọng điểm.

Thực tế chiến thắng hùng biện

Khi phỏng vấn, chúng ta không nên quá khoa trương về kinh nghiệm làm việc nhằm mục đích để lại ấn tượng sâu sắc, ví dụ: “Tôi có trình độ nghiệp vụ rất cao trong ngành ngân hàng”, “Thành tích học tập của tôi cao nhất lớp”, nếu bạn nói vậy sẽ để lại ấn tượng không tốt đối với người phỏng vấn và sẽ

không đạt hiệu quả giao tiếp. Các đơn vị doanh nghiệp trong thời buổi hiện đại không giống như trước đây, theo đà phát triển xã hội, chỉ lời nói đơn thuần không thể khiến đơn vị dùng người hiểu về năng lực của bạn, “thực tế chiến thắng hùng biện”. Mặc dù thời gian phỏng vấn là có hạn, không thể giúp bạn hoàn toàn thể hiện mình, nhưng bạn phải học cách chứng minh năng lực bằng thành tích và bằng ví dụ thực tế, để người phỏng vấn thấy được tài năng của bạn.

Hoa là sinh viên tốt nghiệp khoa Mĩ thuật của một trường đại học, sau khi ra trường, cô đến xin làm nhân viên thiết kế cho một công ty thiết kế nội thất. Khi đối diện với những người phỏng vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế nội thất, Hoa không biết phải nói gì về khả năng của mình. Thế nhưng Hoa đã chuẩn bị kĩ, cô nói với những người phỏng vấn: “Tôi là Hoa, là người Hà Nội, chuyên ngành học của tôi là mĩ thuật, mặc dù không học chuyên nghiệp về thiết kế nội thất, nhưng tôi rất có hứng thú với ngành này. Khi học ở trường, tôi đã từng làm cộng tác viên cho một công ty thiết kế, có kinh nghiệm về công việc thiết kế nội thất. Đây là bản thiết kế tôi đã làm khi đó, mời các vị hãy xem và cho ý kiến.” Hoa vừa nói vừa đưa tác phẩm của mình ra. Sau khi xem bản thiết kế, nhận thấy đây là sản phẩm có chất lượng tốt, nên nhà tuyển dụng rất hài lòng. Kết quả là Hoa đã vượt qua rất nhiều các ứng cử viên khác và được nhận vào công ty.

Chừa đường lui cho mình

Tự giới thiệu về mình trong khi phỏng vấn chính là một cách tiếp thị bản thân để người phỏng vấn thấy được ưu điểm của bạn, do đó khi tự giới thiệu phải thành thật, nhưng cũng không nên nói hết tất cả.

Khi giới thiệu về năng lực, kinh nghiệm làm việc hay suy nghĩ về công việc, không nên dùng câu khẳng định: “Tôi rất thành thạo nghiệp vụ này!”, “Tôi bảo đảm sẽ làm thay đổi diện mạo công ty!”... Những câu nói này hoàn toàn không có nội dung cụ thể mà thường chỉ được nói ra khi xúc động, dễ gây phản cảm đối với người phỏng vấn. Nếu gặp người phỏng vấn dễ tính, có thể họ sẽ không làm khó bạn. Nhưng nếu gặp phải người khó tính, họ sẽ hỏi bạn: “Vậy bạn nói xem bạn sẽ dùng cách nào?”, hoặc “Hướng phát triển mới của ngành này là gì?”... Khi đó, nhất định bạn sẽ bối rối và không nói được gì cả. Bởi vì tình hình thực tế rất cụ thể và phức tạp, nếu bạn cứng đầu tiếp tục trả lời sẽ chỉ khiến bản thân rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Tự giới thiệu chỉ là một trong nhiều nội dung của một cuộc phỏng vấn, bạn nên cố gắng thể hiện thực lực một cách khách quan, không khoa trương, không làm lộ nhược điểm, vì như vậy bạn và người phỏng vấn sẽ rất khó tiếp tục cuộc nói chuyện.

Triệu đi phỏng vấn vào một công ty du lịch quốc tế, khi tự giới thiệu, anh nói: “Tôi rất thích du lịch, biết rõ về các danh lam thắng cảnh, tôi đã tới hầu hết các khu danh thắng trên cả nước.” Người phỏng vấn rất có hứng với điều này bèn hỏi: “Vậy anh đã đến Đà Lạt chưa?” Bởi vì người phỏng vấn là người Đà Lạt nên rất hiểu về quê hương mình, muốn nhân cơ hội này để kiểm tra kiến thức của Triệu. Triệu chưa bao giờ đến Đà Lạt, nhưng trong lòng nghĩ, nếu nói mình chưa đến nơi nổi tiếng như vậy, thì lời mình vừa nói lúc trước sẽ trở thành khoác lác. Vì vậy anh ta đánh liều trả lời: “Đã đến rồi”. Người phỏng vấn lại hỏi: “Anh ở khách sạn nào?” Triệu không trả lời được nên đành nói: “Khi đó tôi ở nhờ nhà một người bạn.” Người phỏng vấn lại hỏi: “Nhà bạn anh ở chỗ nào của Đà Lạt?” Triệu không trả lời được nữa. Kết quả thế nào thì chúng ta đều có thể đoán được.

Một phần của tài liệu Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)