Thường ngày, bạn bè đùa giỡn nhau để giảm bớt áp lực của cuộc sống là một việc rất bình thường, nhưng nếu khi nói đùa không biết tôn trọng đối phương thì sẽ có thể làm tổn thương hòa khí giữa đôi bên.
Hài hước phải được đặt trên tiền đề là sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải là đùa một cách tùy tiện, nó là biểu hiện của một loại tri thức, thú vui, tư tưởng, trí tuệ, khi đã xác định được mức độ phù hợp thì sẽ giúp lời nói đùa đạt được hiệu quả cao nhất.
Sự tôn trọng đối với người khác được thể hiện qua việc giao tiếp với họ trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, không tỏ ra “trên cơ”, trịch thượng.
Nếu bạn không tôn trọng người khác thì cũng đừng mong sẽ nhận được sự tôn trọng của họ, ít nhất là người ta sẽ không muốn giao tiếp với bạn, mà bản thân bạn cũng không vui vì bị cô lập. Có một ví dụ rất thực tế trong cuộc sống như sau:
Ở làng nọ, có hai người nông dân, một người tên Lân, người còn lại tên Vương. Một hôm, Lân làm đồng xong, chẳng có việc gì để làm, bèn sang nhà Vương uống rượu. Hai người đang uống rượu rất vui vẻ, đột nhiên Lân làm ra vẻ úp mở, nói với Vương: “Vợ anh ngoại tình đấy, thế mà anh chẳng biết gì cả.”
Vương nghe vậy, bèn uống liền tù tì hai chén rượu rồi vào bếp lấy một con dao phay, sa sầm mặt hỏi Lân chuyện đó là thật hay giả. Lân thấy Vương giận thật thì vội vàng giải thích: “Tôi chỉ đùa với anh thôi, đừng tưởng thật.”
Vương nghe thấy thế liền quát lớn: “Ai đùa như thế bao giờ, thế chẳng phải là sỉ nhục nhân cách của người khác sao?” Nói rồi cầm con dao chém cho Lân một nhát.
Vì sự việc xảy ra quá bất ngờ nên Lân không kịp tránh, bị con dao chém đúng vào phần thắt lưng. Những người hàng xóm nghe tiếng chạy đến kéo họ ra, đưa Lân vào bệnh viện, Vương cũng phải bồi thường cho Lân một khoản viện phí rất lớn.
Bởi vậy, nói đùa không nên quá trớn, những câu bông đùa phải trên cơ sở tôn trọng người khác thì mới nhận được sự đồng tình cũng như đạt được hiệu quả hài hước.
Mục đích ban đầu của hài hước vốn là muốn làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ, nhưng không có nghĩa là lấy khiếm khuyết của người khác ra làm trò đùa – Đó là bài học mà Tuấn đã rút ra được khi trò chuyện với bạn bè.
Tuấn thường đùa giỡn với mấy người bạn, trong đó có một người tuy tuổi tác không chênh nhau là mấy, nhưng ngoại hình anh ta lại có vẻ “già” hơn cả bọn khá nhiều, hay nói dễ nghe một chút thì có thể dùng từ “chững chạc” để mô tả về anh bạn này.
Mấy người họ đều là những người trẻ tuổi, bởi vậy đề tài của họ thường xoay quanh mấy chuyện yêu đương, ví dụ: “Này, có mục tiêu chưa?”, “Hôm nay hai người có hoạt động gì không?”…
Nhưng khi người bạn có vẻ ngoài hơi “chững chạc” ấy tham gia thì cả mấy người đều hùa vào trêu chọc: “Này, ‘chú’ đừng tham gia với bọn ‘cháu’ nữa, về nhà mà bế con đi. Ha ha…”
Người bạn đó nghe thấy vậy bèn nói: “Làm ơn đừng có đem khiếm khuyết bề ngoài của người khác ra mà đùa cợt như thế, chẳng hay hớm gì đâu, hiểu chưa?” Tuấn để ý thấy người bạn đó có vẻ không vui.
Qua chuyện trên có thể thấy, khi nói những lời hài hước, đừng đem những khiếm khuyết của người khác ra giễu cợt, bởi mỗi người đều có khiếm khuyết riêng. Ai cũng có lòng tự tôn, nó sẽ bị tổn thương khi người khác nhằm vào điểm yếu để giễu cợt.
Khi lòng tự trọng bị tổn thương, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau. Có người vì không muốn chịu thua mà cố gắng phấn đấu để cho người khác thấy rằng mình không thua kém ai; có người thì lại phản ứng theo hướng tiêu cực, từng bước đi tới thất bại, đồng thời cũng vô tình làm tổn thương tình cảm bạn bè.
Trong cuộc sống, thực ra ai cũng đều có những bí mật, những chuyện riêng tư không muốn người khác biết. Cho dù mối quan hệ tốt tới đâu đi nữa, bạn cũng không nên đem bí mật của ai đó công bố cho mọi người biết, càng không được coi đó là “nguyên liệu” để gây cười. Bạn hãy nhớ kĩ chân lí: “Họa từ miệng mà ra”, chuyện gì nên nói, chuyện gì không nên nói đều phải cân nhắc kĩ trong đầu. Ông chủ một quán trà nọ lấy vợ được hai tháng thì sinh con, hàng xóm đều tới chúc mừng. Lúc này, một người bạn thân của ông chủ tên là Lâm cũng tới, mang theo cả món quà cho đứa bé là giấy và bút.
Ông chủ cảm ơn rồi ngạc nhiên hỏi: “Lâm, mang giấy và bút tặng cho đứa trẻ mới sinh có sớm quá không?”.
“Không”, Lâm nói, “Con cậu nóng tính quá. Lẽ ra phải 9 tháng sau mới được ra đời, vậy mà mới có 2 tháng nó đã đòi ra. Thêm 5 tháng
nữa chắc chắn nó sẽ đòi đi học, bởi vậy tôi phải chuẩn bị giấy và bút cho nó trước.”
Lâm vừa dứt lời thì mọi người liền bật cười, còn vợ chồng gia chủ thì thẹn quá, chẳng biết giấu mặt đi đâu.
Lấy bí mật của người khác ra để cười cợt là không nên. Trong ví dụ trên, Lâm đã nói thẳng ra rằng vợ chồng ông chủ quán trà “ăn cơm trước kẻng”, khiến mọi người đều ở vào tình huống khó xử.
Bởi vậy, nếu lấy bí mật của người khác ra để trêu đùa thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng tuy người nói vô ý nhưng người nghe lại để bụng. Họ sẽ cho rằng bạn cố tình làm bẽ mặt họ, từ đó khiến nảy sinh thù hận không đáng có giữa đôi bên.
Trên tiền đề tôn trọng đối phương, chúng ta có thể phát hiện và sáng tạo thêm nhiều sự hài hước, từ đó xua tan nỗi buồn trong cuộc sống và những bối rối trong giao tiếp, để tiếng cười luôn song hành cùng ta suốt cuộc đời!