Hài hước – nói cách khác chính là “thích đùa”, nhưng không ai bẩm sinh đã biết đùa, vậy rốt cuộc hài hước từ đâu mà có?
Trong cuộc sống, để có thể hài hước thực ra rất đơn giản, chỉ cần bạn có một trái tim hồn nhiên, ngây thơ. Có câu chuyện như sau: Một đứa trẻ hỏi người bán vé: “Cô ơi, bao nhiêu tiền một vé xem phim ạ?”
Nhân viên bán vé: “60 nghìn cháu ạ.”
Đứa trẻ nói: “Cô ơi, cháu chỉ có 30 nghìn . Cô cho cháu vào đi, cháu chỉ xem bằng một mắt thôi được không ạ?”
Lời nói hài hước và ngây thơ của đứa trẻ đã khiến cô nhân viên bán vé bật cười mà cho nó vào xem.
Bạn thấy đó, trẻ em nói chuyện một cách ngây thơ, hồn nhiên, không giả bộ, bởi vậy luôn khiến mọi người yêu quý. Hay nói cách khác, “trái tim hồn nhiên” cũng đồng nghĩa với “sự thân thiện”, một người thân thiện sẽ khiến người khác cảm thấy gần gũi, không còn cảm giác xa lạ, từ đó trở nên thân thiết hơn.
Gia đình nọ muốn chuyển vào thành phố sinh sống, bèn đi tìm nhà ở khắp nơi. Cả nhà họ có ba người, gồm hai vợ chồng và đứa con năm tuổi.
Khó khăn lắm mới tìm được một căn nhà cho thuê, họ gõ cửa, thận trọng hỏi: “Ông có thể cho chúng tôi thuê nhà được không?”
Chủ nhà nuối tiếc nói: “Ôi, thật xin lỗi, chúng tôi không muốn cho nhà có trẻ con thuê.”
Hai vợ chồng nghe thấy thế, bối rối không biết làm thế nào.
Đứa con năm tuổi của họ quay lại gõ cửa nhà chủ, dõng dạc nói: “Thưa bác, cháu xin thuê căn nhà này, cháu không có con, chỉ có hai người già.”
Ông chủ nhà bật cười lớn, thế là đứa bé thuê được nhà.
Trong cuộc sống, mỗi người đều hi vọng khi giao tiếp với người khác có thể thể hiện được trí tuệ và sự hài hước của mình. Nhưng rất nhiều người vì thiếu mất sự hồn nhiên, ngây thơ nên không bộc lộ được sự hài hước này.
Có một nữ hướng dẫn viên du lịch, tính tình có phần hướng nội, bình thường khi đưa khách đi du lịch, cô thường ít nói vì không biết kể chuyện cười cho khách để làm không khí náo nhiệt hơn. Có lần, một vị khách đùa với cô, người này hiển nhiên là không có ác ý, nhưng cô lại không biết hài hước, tỏ ra căng thẳng vô cùng, biểu cảm không tự nhiên khiến đối phương cũng bối rối, làm không khí vui vẻ ban đầu biến mất.
Giám đốc nhân sự của một doanh nghiệp nọ, công việc khiến anh thường xuyên phải giao tiếp với người khác, nhưng bản tính anh vốn nghiêm túc, không thích đùa. Có lần, bộ phận anh tổ chức họp nội bộ, cấp dưới kể một câu chuyện cười vì muốn không khí sôi nổi hơn một chút, nhưng sự nghiêm túc, thiếu hài hước của anh khiến mọi người muốn cười mà không dám cười. Dần dần, mọi người đều cho rằng anh là người cao ngạo, không thân thiện. Những điều này đều khiến anh rất phiền muộn và cảm thấy áp lực nặng nề.
Trong cuộc sống, không phải tất cả mọi người đều có thể dễ dàng nói đùa, chẳng ai sinh ra đã hài hước bẩm sinh. Hài hước cần có kĩ năng nhất định, kĩ năng ấy phải dần dần mới rèn luyện được.
Cũng như cô hướng dẫn viên du lịch và người giám đốc nhân sự trong ví dụ trên, ai cũng hi vọng mình trở thành một người hài hước, nhưng thứ họ thiếu là sự hồn nhiên.
Có một lần Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Đài Loan, phong thái ung dung tự tại, hóm hỉnh của ông lôi cuốn tất thảy cử tọa. Một phóng viên phỏng vấn Lạt Ma: “Bạch ngài, có phải trong Phật giáo có lệ là không được ăn khi đã quá giờ Ngọ đúng không ạ?”
Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Đúng vậy!”
Phóng viên nọ lại hỏi tiếp: “Nhưng khi ấy đói bụng quá thì phải làm thế nào?”
Lạt Ma đáp: “Thì vào bếp ăn vụng thôi!”
Có sự hồn nhiên thì mới có thể trở thành một người hài hước trong cuộc sống. Lincoln là vị Tổng thống hài hước nhất trong số các Tổng thống của Mĩ. Hơn nữa, có những lúc ông còn tự trào rằng, điều này có mối liên hệ mật thiết với trái tim hồn nhiên, ngây thơ của ông. Những lời đùa giỡn của Lincoln hoàn toàn không có ác ý, hơn nữa còn rất đáng yêu.
Ví dụ, có lần Lincoln đùa với Bộ trưởng Bộ Tư pháp rằng: “Ông biết vì sao râu ông trắng hết mà tóc lại chỉ hoa râm không?”.
“Vì sao?” – Bộ trưởng tò mò hỏi.
“Bởi vì ông dùng cằm nhiều hơn dùng đầu!” – Lincoln bật cười, Bộ trưởng cũng bật cười.
Grant và Hillman là hai vị tướng lĩnh kiệt xuất của liên quân, một lần Lincoln gặp mặt hai người họ, đột nhiên ông hỏi Hillman: “Ông có biết vì sao tôi đối xử với ông và tướng quân Grant khác với mọi người không?”.
Hillman giật mình trước câu hỏi của Tổng thống, vội vàng đáp: “Tôi không biết.”
“Bởi vì hai người các ông không bao giờ gây phiền phức cho tôi.” Câu trả lời của Lincoln khiến cả ba người bật cười vui vẻ. Lời nói của Lincoln vô cùng thật thà, nhưng lại hàm chứa triết lí rất sâu xa. Khi Lincoln còn ở Nhà Trắng, ông thường nhận được thư đe dọa. Có một hôm, người bạn hỏi ông nghĩ gì về việc này. Lincoln trả lời rằng, tuần nào ông cũng nhận được thư đe dọa, nên chẳng còn bực mình vì điều đó nữa rồi. Nhìn dáng vẻ kinh ngạc của bạn, ông bổ sung thêm: “Chẳng còn việc gì tốt hơn việc quen với những điều này nữa!”.
Câu nói đùa nổi tiếng nhất của Lincoln là: “Bạn có thể dùng toàn bộ thời gian để trêu chọc một người nào đó, hoặc dùng một chút thời gian để trêu chọc tất cả mọi người, nhưng bạn không thể dùng toàn bộ thời gian để trêu chọc tất cả mọi người.”
Một trái tim hồn nhiên, trong sáng không chỉ ấm áp mà còn chân thành. Bởi vì có chân thành thì mới làm nên sự hài hước. Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ – Stevenson trong suốt thời gian tranh cử, để giành được thiện cảm của nhân dân, ông đã tỏ ra rất coi trọng trẻ em. Khi diễn thuyết, ông thường hỏi: “Xin hỏi, có ai muốn làm ứng cử viên Tổng thống, hãy giơ tay?” Mọi đứa trẻ có mặt ở đó đều giơ tay lên.
Sau đó, ông lại hỏi: “Xin hỏi các bạn trẻ, trong số các ứng cử viên Tổng thống, ai là người muốn làm trẻ con nhất?” Nói xong, ông lập tức giơ tay, khiến các bậc phụ huynh có mặt ở đó đều bật cười nghiêng ngả. Tuy rằng cả hai lần tranh cử Tổng thống, Stevenson đều thất bại dưới tay của Eisenhower, nhưng sự hồn nhiên của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Mĩ.
Hài hước là ngôn ngữ của một trái tim ngây thơ, trong sáng. Không phải tất cả mọi người đều hài hước, nhưng chỉ cần bạn có sự hồn nhiên, ngây thơ như những đứa trẻ thì cũng đã đủ để làm một người hài hước rồi đó.