Trong cuộc sống vợ chồng, hài hước thường mang lại những hiệu quả không ngờ. Nó có thể dùng nụ cười thiện ý thay cho những lời ca thán, tránh được sự tranh cãi; mang lại cho mọi người niềm vui, giải tỏa nỗi buồn, khiến mối quan hệ vợ chồng hòa thuận hơn. Không lời giáo điều nào, sự chỉ trích, khẩn cầu nào, thậm chí là sự thân mật nào có thể thay thế được hài hước, nó có tác dụng hơn cả hàng trăm nụ hôn nóng bỏng nhất, ý nghĩa hơn cả hàng nghìn câu thề thốt sâu nặng nhất. Cuộc sống chứa đựng sự hài hước sẽ khiến bánh xe cuộc sống lăn về phía trước bình yên.
Hài hước đồng nghĩa với trí tuệ, cũng là một nghệ thuật của ngôn ngữ. Đồng thời còn là biểu hiện cụ thể của cá tính, phong độ, tài năng và tư tưởng của một người. Nhắc tới sự hài hước, có người bèn nghĩ ngay tới những chính trị gia hay nhà ngoại giao. Thực ra,
nếu để sự hài hước bước chân vào gia đình, chúng ta cũng sẽ thu được những hiệu quả không ngờ.
Ngôn ngữ hài hước sẽ khiến cuộc sống của hai vợ chồng thú vị và tình cảm hơn. Khi tâm trạng của một bên sa sút hoặc đôi bên xung đột với nhau, sử dụng những lời nói công kích chẳng khác nào “thêm dầu vào lửa”; cằn nhằn cũng không đem lại lợi ích gì, chi bằng nói một, hai câu hài hước đúng lúc lại có thể khiến đôi bên nhanh chóng nguôi lửa giận, phá vỡ được sự căng thẳng tồn tại giữa hai người.
Một lần, vì một chuyện nhỏ mà Einstein nổi giận với vợ. Buổi tối, trước khi bắt tay vào viết sách, ông dặn vợ chuẩn bị một vài thứ cho mình vào hôm sau. Vợ ông không vui, nói: “Anh cần những gì?” Einstein nói: “Một cái bàn, một cái ghế, giấy và bút… À, thêm một cái thùng rác thật to nữa.”
“Sao lại cần thùng rác to?”– vợ ông hỏi.
Ông nói: “Để anh có thể vứt đi mọi hiểu lầm của anh.” Vợ ông bật cười, thế là tâm trạng hai người đã vui vẻ trở lại.
Từ đó có thể thấy, chỉ một câu nói hài hước rất đơn giản cũng có thể “biến nguy thành an”, khiến không vui trở thành vui. Thế nên khi gặp chuyện khó chịu, chúng ta cũng nên hài hước một chút. Như lời của một nhà văn nổi tiếng từng nói: “Hài hước là chiếc phao cứu sinh giữa sóng gió cuộc đời.”
Một cặp vợ chồng tranh cãi với nhau, cả hai đều rất không vui, sau đó người chồng mềm lòng trước. Khi ăn tối, anh thấy vợ giận dỗi không ăn bèn lấy một cái bánh bao đưa cho vợ, nhẹ nhàng nói: “Em yêu, em ăn hết cái bánh này thì mới có sức cãi nhau với anh chứ!” Người vợ lập tức trả lời: “Em mà ăn hết cái bánh bao này là không cãi nhau được nữa!”
Ở đây, sự mâu thuẫn trong lời nói và hành vi của họ đều là chân thành, cãi vã kết thúc, hòa hảo quay trở lại như ban đầu, đôi bên đều tha thứ cho nhau. Khéo ở chỗ người chồng rõ ràng là muốn hòa giải, nhưng lại bảo vợ ăn cơm xong rồi cãi nhau tiếp; người vợ biết rõ ăn cơm rồi sẽ không cãi được nữa và đã thể hiện ngay ý đó ra. Có thể thấy, sự hài hước là một liều thuốc tốt giữ cho gia đình hòa thuận.
Trong đời sống vợ chồng không chỉ cần có sự dịu dàng và nhiệt tình, mà còn cần tình cảm và trí tuệ để hoàn thiện, giúp đời sống tình cảm gia đình được phong phú hơn.
Có một người chồng chạy về nhà, thở hổn hển và đắc ý nói với vợ: “Anh chạy theo xe bus về nhà, tiết kiệm được bao nhiêu tiền xe.” Người vợ nói: “Thế sao anh không chạy theo xe taxi? Tiết kiệm tiền taxi có tốt hơn không?” Đây chỉ là khởi đầu của cuộc đối thoại vui vẻ giữa họ, và cả buổi tối hôm đó, hai vợ chồng đã sống trong không khí rất ngọt ngào. Sự hài hước có thể làm tăng thêm niềm vui trong cuộc sống thường nhật, nếu hai vợ chồng đều biết dùng sự hài hước để giải quyết những tranh chấp thì sẽ chẳng bao giờ xảy ra xung đột, cãi vã nữa.
Dũng và Sơn là bạn thân từ thuở thiếu thời, thi thoảng lại gặp gỡ trò chuyện và rủ nhau uống vài li cho vui. Nhưng vợ Dũng lại không thể hiểu nổi thú vui này, thế nên lần nào anh về nhà, cô cũng cằn nhằn ca thán.
Một lần, sau khi gặp nhau, Sơn đưa Dũng trở về nhà trong tình trạng chuếnh choáng men say, vừa bước vào cửa, vợ Dũng nhìn thấy đã tỏ ra không vui, sau đó thì bắt đầu mắng mỏ. Khi đưa Dũng về giường nằm xong, Sơn chào tạm biệt, nhân thể dặn dò vợ Dũng vài câu: “Mong em đừng giận. Bọn anh chỉ là bạn bè thi thoảng gặp nhau, vui nên có uống mấy chén, chỉ cần em khoan dung hơn một chút là mọi người đều thoải mái mà.”
“Nhưng trong lòng em cứ cảm thấy không thoải mái!” vợ Dũng trả lời.
“Anh biết, nhưng hai vợ chồng cũng cần phải cho nhau một không gian tự do, như thế chẳng phải tốt hơn sao?” Vợ Dũng nghe Sơn nói thế thì chẳng còn biết nói gì nữa.
Một hôm khác, hai người bạn lại gặp nhau uống rượu, sau đó ai về nhà nấy, Dũng nghĩ bụng chắc kiểu gì vợ cũng cằn nhằn mình, nhưng cũng tặc lưỡi mở cửa.
“Ồ! Lạ thật, sao hôm nay yên tĩnh thế?”
Bình thường, cứ vừa vào đến cửa là Dũng đã nghe thấy tiếng vợ cằn nhằn, nhưng không khí tối nay lại lặng lẽ như tờ, lúc còn đang ngạc nhiên thì anh thấy trên cửa tủ lạnh dán một tờ giấy:
“Ông xã, em không giỏi ăn nói, đành phải để tờ giấy lại cho anh: Nếu anh đói bụng thì trên bàn còn cái đùi gà; nếu anh muốn uống thêm vài li nữa thì trong tủ lạnh đã có chân gà nhắm; còn nếu không thì trong phòng có một con gà mái già.”
Trong cuộc sống gia đình, nếu một bên có tâm trạng không tốt hay đôi bên nảy sinh xung đột, thì những lời nói mang tính công kích chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, cho dù có người khuyên can cũng vô ích. Lúc này, một sự hài hước đúng mực lại thường khiến đối phương chuyển giận thành vui. Có lúc, mâu thuẫn có thể thành xung đột, nhưng một câu nói khéo léo cũng có thể biến “nguy hiểm” thành “bình yên”.
Theo khảo sát và đánh giá của các nhà xã hội học, các gia đình phương Đông thiếu sự hài hước hơn các gia đình phương Tây. Vì điều này mà chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình giảm sút, thậm chí là các thành viên trong gia đình không thể kết nối với nhau, khiến vợ chồng li hôn, con cái li tán.
Sở dĩ như vậy là do các gia đình phương Đông chịu ảnh hưởng khá nặng nề của quan niệm phong kiến, mối quan hệ giữa các thành viên bị gò bó bởi một công thức nhất định, thiếu sự sôi nổi, gần gũi. Mà muốn cuộc sống gia đình sôi nổi, hòa thuận hơn thì hài hước là một trong những gia vị cần thiết nhất.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc – Sa Diệp Tân là một người rất hài hước, con gái ông cũng mang trong mình năng khiếu hài hước bẩm sinh. Lớn lên, cô đi du học nước ngoài, một lần về nước thăm cha mẹ, cô và bố mẹ nói chuyện về người em trai cũng đang du học ở Mĩ, cô nói em trai đang muốn cưới một cô gái da đen. Người mẹ giật mình và phản đối.
“Sao mẹ lại kì thị chủng tộc như thế? Con gái da đen là ngọc trai đen, thân hình chuẩn, lại còn xinh đẹp nữa.”
“Bố thì không kì thị chủng tộc”, Sa Diệp Tân nói, “Bố chỉ lo sau này chúng nó đẻ cho bố một thằng cháu da đen, đưa tới bảo bố mẹ nuôi. Buổi tối mà mất điện, xung quanh tối om, không tìm thấy cháu thì lo lắm!”
Cô con gái vội vàng nói: “Không sao đâu, lúc nào mất điện, bố bảo cháu cười thật to, thế là tìm thấy rồi.”
Trong những lời đối thoại ấm áp giữa hai cha con, người bố đã chứng tỏ mình là một người có tấm lòng rộng mở, có tâm hồn trẻ trung và hài hước; còn con gái ông cũng không hề thua kém bố, câu trả lời nhanh nhẹn, cách phản đối khéo léo của cô đã tăng thêm niềm vui cho gia đình lâu ngày mới đoàn tụ.
Không phải chúng ta không có khiếu hài hước, mà là không quen với sự hài hước. Có những gia đình không khí lúc nào cũng buồn tẻ, đối thoại giữa các thành viên trong gia đình lúc nào cũng quy củ, nguyên tắc. Đương nhiên, trao đổi nghiêm túc chẳng có gì sai trái, nhưng nó như xích xe không tra dầu, dễ gây ra tiếng ồn và bào mòn xích xe – nhất là khi tâm trạng của bạn không tốt, lời bạn nói mang tính xúc phạm và sỉ nhục, sẽ khiến các thành viên khác trong gia đình cảm thấy khó chịu.
Mọi người đều hi vọng không khí gia đình bình yên, hòa thuận; mà sự bình yên thì cần có tiếng cười làm trang sức, còn những phút giây hòa thuận lại cần sự hài hước làm gia vị. Vận dụng những ngôn từ hài hước một cách phù hợp có thể khiến không khí gia đình đầm ấm hơn, cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn.
Cuộc sống gia đình rất cần sự hài hước, chúng tôi tin rằng, cho dù trong hoàn cảnh nào, một cặp vợ chồng biết dùng sự hài hước để điều hòa cuộc sống, thì sự bình yên mà họ có được chắc chắn sẽ nhiều hơn những gia đình suốt ngày cãi cọ ồn ào với nhau.
Tạp chí Psychology Today (Tâm lí học ngày nay) của Mĩ từng đưa ra kết luận: Vợ chồng có thể chọc cười nhau sẽ mãi mãi ở bên nhau. Một nghiên cứu tâm lí học cũng cho thấy: Những cặp vợ chồng cùng hài hước như nhau thì sẽ dễ dàng thương yêu và thấu hiểu cho nhau. Chọc cười người khác làm giải tỏa mệt mỏi và lo lắng, khiến không khí gia đình luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Trong tập sách Cuộc đời hài hước của Lâm Ngữ Đường có một đoạn rất đáng để chúng ta suy ngẫm, ông viết: “Khát khao kiến thức như khát khao nước sạch, thích một tư tưởng tốt cũng như thích một món thịt kho ngon lành, hướng tới một câu nói đẹp cũng như hướng tới một người phụ nữ đẹp.” Đó chính là chân lí của cuộc đời. Không có lí do gì để một người từ chối sự hài hước. Hài hước là mục tiêu theo đuổi của mọi thành viên trong gia đình. Bởi vậy, chúng ta nên nỗ lực thực hiện để hài hước trở thành “Sứ giả vui vẻ”, mang lại cho gia đình sự hạnh phúc.
Trong cuộc sống, chúng ta cần sự hài hước. Hài hước thể hiện sự khéo léo, thú vị và sức sống của bạn, có nó, bạn sẽ khiến cuộc sống trở nên yên bình hơn.