diện bế tắc.
Còn khi bạn đang ở vào trạng thái bế tắc, nếu bạn biết khéo léo vận dụng cách nói chuyện, tạm gác vấn đề tranh chấp sang một bên, từ đó thay đổi hay xoa dịu không khí đàm phán, thúc đẩy đối phương thảo luận lại vấn đề trong bầu không khí trò chuyện cởi mở, thân thiện hơn thì bạn sẽ đạt được thắng lợi cuối cùng trong trận chiến này.
Kết quả đàm phán trên thực tế đã chứng minh, có những lúc chỉ có thay đổi chủ đề mới có thể thực hiện được mục tiêu đàm phán, nhất là khi bạn không thể hoàn toàn tin tưởng đối phương.
Bởi vậy trong quá trình đàm phán, nắm bắt được kĩ năng này là vô cùng quan trọng.
5. HÀI HƯỚC LÀ NGHỆ THUẬT GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONGĐÀM PHÁN ĐÀM PHÁN
Hài hước có rất nhiều sức mạnh thần kì.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường từng hóm hỉnh nói: “Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nếu các nước đều phái danh hài đi đàm phán thì chắc chắn có thể tránh được cuộc chiến tranh này”.
Hài hước là một sức mạnh mà người khác không thể kháng cự được, hài hước là một trí tuệ, một người muốn vận dụng được nó thì cần phải có một trái tim quảng đại, một thái độ thản nhiên và một kiến thức phong phú.
Hài hước cũng là một thái độ sống, có thể nói một cách chân thực rằng, một người hài hước sẽ phù hợp làm người bán hàng hơn là một người nguyên tắc.
Tương tự, trong những cuộc đàm phán, nếu bạn có trí tuệ hài hước, hơn nữa biết vận dụng nó thì bạn sẽ dễ dàng đạt được chiến thắng hơn.
Trên bàn đàm phán, có nhiều lúc vì ngôn ngữ của đôi bên bất đồng, hoăc chủ đề trò chuyện rơi vào tình huống khiến một bên hoặc cả hai bên khó có thể đối phó được khiến không khí đột nhiên rơi vào khó xử, ngượng ngập.
Vào lúc này, nếu bạn biết vận dụng ngôn ngữ hài hước một cách thích đáng thì sẽ tránh được hoàn cảnh khó xử, hơn nữa có thể khiến bạn nắm được quyền chủ động trong đàm phán.
Ví dụ, trong những ngành nghề dịch vụ như nhà hàng, khách sạn thường xuyên có những sự việc khiến người ta khó xử hay khó có thể đối phó, mà những xung đột hoặc lớn hoặc nhỏ này rất dễ dàng khiến mối quan hệ giữa khách hàng và chủ nhà hàng trở nên căng thẳng và xảy ra tranh chấp.
Một người phụ nữ nổi giận lao vào một cửa hàng tạp hóa, quát lớn: “Vì sao lần nào con trai tôi mua mứt hoa quả ở đây cũng đều bị thiếu cân vậy?”
Nhân viên bán hàng nghe vậy không hề tỏ ra bối rối, cũng không luôn miệng phủ định hay biện hộ. Anh nghĩ ngợi một lúc rồi đoán được nguyên nhân của việc đó.
Anh lịch sự mỉm cười trả lời: “Thưa bà, vì sao bà không cân trọng lượng của cậu con trai đáng yêu của bà, xem cậu ấy có nặng hơn
trước khi đi mua mứt hoa quả không.”
Bà mẹ nghe vậy thì hơi khựng lại, sau đó vỡ lẽ ra, lửa giận tan hết. Bà bĩnh tĩnh nói với nhân viên bán hàng: “Ồ, tôi xin lỗi, xem ra tôi hiểu lầm các anh rồi”.
Rất nhiều cửa hàng gặp phải những vị khách tới tận cửa hàng mình “kiến nghị” về sản phẩm, nếu nhân viên bán hàng cũng như khách hàng, không giữ được bình tĩnh mà cãi cọ nhau thì không khí sẽ trở nên căng thẳng, một vấn đề rất nhỏ ban đầu sẽ bị xé thành to, cuối cùng đôi bên thậm chí còn đưa nhau ra tòa vì một chuyện không đâu.
Nếu cứ kéo dài như thế thì việc kinh doanh và uy tín của cửa hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không ít.
Trong câu chuyện nhỏ kể trên, người nhân viên bán hàng đã có một biện pháp giải quyết rất thông minh.
Nhân viên bán hàng này chắc chắn rằng mình không hề cân sai, bởi vậy, cuối cùng chỉ còn lại một khả năng, đó là đứa trẻ con háu ăn đã ăn vụng mứt hoa quả.
Vào lúc này, nếu nhân viên bán hàng cảm thấy “Tôi là người có lí” và phản bác lại khách hàng rằng: “Tôi không hề cân sai, chắc chắn con trai bà đã ăn vụng” hoặc nói bằng một giọng nói không thân thiện: “Sao bà không hỏi con mình mà lại chỉ trích là tôi cân sai, thật vô lí” thì chắc chắn sẽ khiến vị khách này không những không bớt giận mà còn gây ra một cuộc tranh luận lớn hơn.
Bởi vậy, khi xử lí những vấn đề phiền phức tương tự, nhân viên bán hàng nên dùng ngữ khí hài hước, uyển chuyển để lịch sự chỉ ra vấn đề mà đối phương đã bỏ qua, như thế không chỉ bảo vệ được danh dự của cửa hàng, mà đồng thời còn giữ được thể diện cho khách hàng, tránh được một cuộc tranh cãi vô nghĩa và “giữ khách” cho cửa hàng mình.
Đương nhiên, trong thực tế cuộc sống không phải mọi vấn đề đều đơn giản như vậy, đều có thể dễ dàng giải quyết bằng sự hài hước; nhưng vận dụng sự hài hước một cách thích hợp ít nhất có thể giải tỏa được hoàn cảnh khó xử, khiến đôi bên giải quyết được vấn đề khi không khí đã được xoa dịu.
Mục đích của đàm phán là để đôi bên hợp tác với nhau và thông qua sự hợp tác, đáp ứng được nhu cầu của nhau.
Do vậy, trong quá trình đàm phán, bạn không nhất thiết phải bám lấy một chi tiết nhỏ, mà nên để ý đến toàn cục, giải quyết sự việc một cách độ lượng và có sách lược.
Còn khi đàm phán rơi vào bầu không khí căng thẳng, bế tắc, đôi bên nên tích cực áp dụng biện pháp để hóa giải.
Trong số các phương pháp để hóa giải sự căng thẳng, khó xử, hài hước chính là lựa chọn tốt nhất.
Có một người tới một công ty xin việc.
Giám đốc công ty này nói: “Xin lỗi, danh sách ứng tuyển đã đủ, những người muốn tới công ty tôi làm việc quá nhiều, tôi còn chẳng ghi được hết tên cơ”.
Người này nghe thấy thế không hề nản chí bỏ về, mà lập tức tỏ ra vui vẻ, hào hứng nói: “Tuyệt quá! Tuyệt quá! Ông bận như thế thì chứng tỏ quý công ty còn cần người, vậy ông hãy để tôi làm nhân viên ghi đăng kí cho”.
Thế là người này được tuyển dụng.
Trong quá trình đàm phán này, không những phải cân nhắc ngôn ngữ của bản thân, mà còn phải cân nhắc kĩ càng ngữ khí của đối thủ để tìm ra được tiếng nói chung, sẵn sàng “tấn công” đối phương bất cứ lúc nào, từ đó đạt được mục đích của mình.
Một tỉ phú mời một họa sĩ người Do Thái tới vẽ tranh chân dung cho mình.
Nhưng khi họa sĩ người Do Thái này tỉ mỉ vẽ xong tranh chân dung cho ông ta thì ông ta lại từ chối trả khoản tiền 5.000 đô-la như đã hứa với lí do: “Người ông vẽ không phải tôi”.
Không lâu sau đó, họa sĩ người Do Thái mang bức tranh chân dung này đi triển lãm, đề tên là “Tên cướp”. Tỉ phú biết chuyện thì vô cùng phẫn nộ, gọi điện thoại cho người họa sĩ.
“Chuyện này có liên quan gì tới ông đâu?”, – người Do Thái bình tĩnh nói trong điện thoại, – “Chẳng phải ông nói người trong bức tranh không phải là ông còn gì”.
Cuối cùng, vị tỉ phú này không thể không mua bức tranh đó và đổi tên thành “Nhà từ thiện”.
Một hôm, một nhà văn người Mĩ đến tạp chí nọ lĩnh tiền nhuận bút. Bài viết của ông đã được đăng, tiền nhuận bút đáng lẽ phải trả từ sớm rồi mới phải. Nhưng khi ông yêu cầu được lĩnh tiền thì người ở tòa soạn lại nói: “Thật xin lỗi ngài. Chi phiếu đã chi ra, nhưng giám đốc vẫn chưa kí, bởi vậy không lĩnh được tiền”.
“Khoản tiền phải thanh toán từ lâu mà sao ông ta không kí?”, – nhà văn có vẻ hơi bực.
“Bởi vì ông ấy bị thương ở chân, đang nằm trên giường”.
“Ồ! Tôi hi vọng chân ông ấy sớm lành lại. Bởi vì tôi muốn xem ông ấy dùng chân nào để kí tên”.
Lời nói hài hước của nhà văn này chỉ đến đó mà thôi, chắc chắn tòa soạn báo đó sẽ không dám nợ tiền nhuận bút lâu hơn nữa.
Trong cuộc đàm phán, có nhiều lúc thực ra chỉ cần bạn hài hước một cách đúng lúc là có thể phá vỡ được sự căng thẳng và khiến cuộc đàm phán được “hồi sinh” và đạt được thành công. Từ đó có
thể thấy, hài hước chiếm một vị trí không thể thiếu trong đàm phán, nếu bạn biết vận dụng nó một cách khéo léo thì bạn có thể chuyển bại thành thắng.