Người xưa có câu: “Tương kính như tân” (Nghĩa là: Kính trọng nhau như khách), răn dạy giữa hai vợ chồng nên tôn trọng, khách sáo, lịch sự với nhau như cư xử với một người khách vậy.
Nhưng lại có một câu thành ngữ khác: “Tân chí như quy” (Nghĩa là: Đối xử với khách như người nhà), ngụ ý rằng khi tiếp đãi khách cần
phải nhiệt tình, chu đáo để khách tới nhà như được về nhà họ. Vậy rốt cuộc nên làm thế nào mới đúng?
Có một người đàn ông vì không chịu nổi sự cao ngạo, lạnh nhạt của vợ, nên một hôm đã trốn nhà đến ở khách sạn. Nhân viên phục vụ vừa mở cửa phòng giúp anh vừa vui vẻ nói: “Sống trong căn phòng này, quý khách sẽ cảm thấy như mình đang ở nhà.”
Người này vừa nghe thấy thế, thất kinh hét lên: “Trời ơi, mau đổi cho tôi căn phòng khác!”
Một gia đình không có sự hài hước, vợ chồng chỉ như hai người qua đường thi thoảng ghé qua, đối xử với nhau khách sáo như thể vẫn còn nghi ngờ, đề phòng đối phương thì gia đình ấy có khác gì một cái khách sạn!
Lại có người chồng gia trưởng nói với vợ: “Việc gì em cũng phải nghe theo anh.” Lúc này, nếu người vợ nói một câu chống đối như “Sao em phải nghe theo anh” thì có thể chiến tranh sẽ nổ ra.
Còn nếu người vợ trả lời một cách hài hước rằng: “Được thôi, lúc ốm em nghe theo anh, lúc không ốm anh nghe theo anh.” để “đối đáp” lại với chồng thì người chồng ngạo mạn của chị – có lẽ vì sự thân thiện, dịu dàng của vợ mà sẽ trở nên ôn hòa hơn, không khí gia đình cũng sẽ trở nên thoải mái, dễ chịu hơn.
Chỉ những người theo thời gian đã trải qua nhiều biến cố về tình cảm mới hiểu được tầm quan trọng của một gia đình hòa thuận. Bởi vậy, tương thân, tương ái, tương kính mới là nền tảng vững chắc làm nên một gia đình hạnh phúc.
Chúng ta có thể phát hiện ra, những cặp vợ chồng biết đối xử bình đẳng với nhau thì ít nhất một trong hai người đó là người rất có khiếu hài hước.
Nhà thơ Từ Quang Trung (Trung Quốc) có bốn người con gái, thêm vợ ông nữa là thành gia đình “âm thịnh dương suy”. Cũng may Từ Quang Trung đã quen với việc sống cùng năm người phụ nữ: trên
ghế lúc nào cũng bày đầy túi xách, trang phục nữ, trong phòng tắm lúc nào cũng sực nức mùi sữa tắm và nước hoa, trên bàn ăn chẳng có ai tranh uống rượu với ông. Bởi vậy, Từ Quang Trung thường tếu táo gọi nhà mình là “Kí túc xá nữ”, còn mình là “Bảo vệ kí túc xá”. Vì điện thoại cố định được đặt trong thư phòng của Từ Quang Trung nên có lúc ông bận tối tăm mặt mũi: “Bốn cô con gái, thêm vào một bà vợ, mỗi người bốn, năm cú điện thoại một tối, vậy là tiếng
chuông điện thoại đổ không dứt”. Ông cảm thấy mình giống như một người đưa tin thời hiện đại, trở thành nhân viên tổng đài cho năm người phụ nữ, nhưng nếu ông rút dây điện thoại thì sợ xâm phạm tới “nhân quyền”, ấy là chưa nói tới “nữ quyền”. Bởi vậy, trong tình thế đó, ông chỉ đành nhẫn nhịn.
Tuy nhiên, trong những lời cằn nhằn của Từ Quang Trung, chúng ta lại không nhận thấy một chút gì thất vọng, đã vậy ông còn tự trào rằng: Mình là người bảo vệ cho “kí túc xá nữ”. Dường như ông đã hoàn toàn cam tâm tình nguyện “chịu khổ” vì những người phụ nữ của mình.
Từ Quang Trung đã dùng cách nói hóm hỉnh đó để “tán tỉnh” vợ và các con gái mình. Hài hước như vậy chính là nghệ thuật thể hiện sự bình đẳng giữa hai vợ chồng, như thế có thể khiến vợ biết được nỗi vất vả của mình khi ở nhà, đồng thời cũng khiến vợ con hiểu được tình cảm ông dành cho họ.
Thực ra, cái gọi là “vợ chồng bình đẳng” không có nghĩa là hai vợ chồng phải đối xử với nhau như khách, bởi quá khách sáo, đề phòng, xa cách dĩ nhiên không phải là điều tốt.
Có thể nghĩ như thế này, khi ra ngoài xã hội, khi đi làm, chúng ta phải đảm nhiệm những vai trò khác nhau, là một nhân viên công sở, một ông chủ uy nghiêm, một nhân viên chăm chỉ, một giáo viên yêu nghề, thậm chí là một nhân viên phục vụ nhiệt tình… Ai cũng mệt nhoài sau một ngày làm việc, nếu khi về nhà, ở bên người bạn đời yêu dấu mà lại tiếp tục phải đóng vai trò một vị khách và đối xử khách sáo với một vị khách khác, thì cuộc sống còn gì là niềm vui,
còn đâu thời gian để thả lỏng tinh thần? Bởi vậy, giữa hai vợ chồng thực sự cần có sự thông cảm lẫn nhau.
Người hài hước sẽ sống rất hạnh phúc trong gia đình mình, và cũng chỉ có sự hài hước mới khiến người ta biết dùng nghệ thuật để
thuyết phục đối phương và nêu ra những bất mãn trong lòng, như thế vừa giữ được hòa khí lại vừa thắt chặt được tình cảm giữa đôi bên. Chúng ta hãy cùng xem cặp vợ chồng trẻ dưới đây đã thể hiện ý kiến của mình như thế nào.
Vợ: Ông xã ơi, người kia đẹp trai quá, em tán tỉnh anh ta được không?
Chồng: Tùy em thôi, mai anh cũng đi tán gái, nghe nói tầng dưới công ty anh có mấy em xinh lắm.
Vợ: Ông xã, anh phải thề với em, anh chỉ yêu mình em, không được nhìn những em khác.
Chồng: Sao em được đi tán trai mà anh không được nhìn gái? Vợ: Anh mà cũng tầm thường như em sao, anh không thể nhường em sao? Em biết là anh không yêu em mà!
Chồng: Được rồi, được rồi. Anh thề sau này anh sẽ không nhìn cô gái nào khác!
Vợ: Vậy thì từ giờ em yên tâm đi tán trai rồi.
Đọc xong đoạn hội thoại trên, chắc chắn có người sẽ bật cười vì sự hài hước. Cặp vợ chồng thông minh này đã vận dụng sự hài hước để thể hiện điều mình muốn nói.
Những người hài hước như thế này, chắc chắn sẽ thấy tinh thần được thoải mái, tự do tự tại trong gia đình. Mặc một bộ quần áo pijama, xỏ chân vào đôi dép lê quen thuộc, khoảng thời gian thả lỏng tinh thần thực sự bắt đầu. Con người lúc ấy sẽ không còn phải đeo chiếc mặt nạ nghiêm túc như ở ngoài nữa. Cho dù ở ngoài, bạn
là Tổng thống, hay chỉ là nhân viên quèn thì về tới nhà, bạn đều cần được trở lại là con người thật của chính mình.
Khi bạn được thoải mái thể hiện bộ mặt mà mình phải che giấu trước mặt người khác, thể hiện cái tôi chân thật nhất trước mặt bạn đời, thì đó cũng là một niềm vui trong cuộc sống. Nếu ở nhà mà bạn vẫn phải giả tạo, vẫn thể hiện mình là một người có địa vị xã hội, thì chắc chắn sẽ gây ức chế tâm lí cho bạn đời và chính bản thân bạn. Sau khi cãi nhau với chồng là Thân vương Albert, Nữ hoàng Victoria (Anh quốc) muốn làm lành nhưng chồng bà lại đóng chặt cửa,
không chịu ra khỏi phòng. Nữ hoàng quyết tâm chủ động xin lỗi, bà gõ cửa phòng chồng.
“Ai thế?” – Chồng bà hỏi.
“Em là Nữ hoàng”, – Nữ hoàng trả lời.
Cửa không mở, Nữ hoàng gõ cửa thêm mấy lần nữa, nhưng chồng bà ở bên trong vẫn chẳng có phản ứng gì. Lúc này Nữ hoàng mới hiểu ra, lập tức đổi sang giọng nói dịu dàng: “Xin lỗi, anh yêu, em là vợ của anh.” Cánh cửa lập tức mở ra.
Thực ra, mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ giao tiếp phù hợp với sự hài hước nhất, cuộc sống gia đình là nơi thích hợp nhất để gieo trồng mầm hài hước. Vợ chồng hoàn toàn có thể bình đẳng với nhau, không cần phải đề phòng nhau, cũng không cần thực hiện những lễ nghi cầu kì, giáo điều. Một người hài hước thực sự sẽ coi mỗi việc trong cuộc sống gia đình là một “nguyên liệu” phong phú để tạo nên sự hài hước, mà cuộc sống như vậy mới mang lại hạnh phúc.