Điều kiện đầu tiên của hài hước phải là thú vị, “thú vị” ở đây không là sự chọc cười, nực cười, mà là sự thú vị khiến người ta phải suy ngẫm do đã chỉ ra mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, hiện tượng và bản chất, nguyện vọng và kết quả, đó là một tiếng cười tao nhã.
Trong cuộc sống, rất nhiều người khi nói đùa thường không chú ý tới mức độ, từ đó khiến người khác không vui, ảnh hưởng tới tình cảm của đôi bên, mang lại những phiền não không cần thiết cho bản thân. Bởi vậy, khi đùa với người khác, hãy biết điểm dừng đúng lúc.
Hài hước không phải là nói những lời đùa cợt vô nghĩa, cũng không phải là châm biếm, đả kích một cách ác ý, mà là khiến người khác suy ngẫm về nhiều điều trong cuộc sống sau những tiếng cười thoải mái.
Hài hước là hiện thân sức mạnh và khả năng lan truyền cảm xúc của ngôn ngữ, cũng là một trong những nhân tố quan trọng khiến ngôn ngữ có thể mang lại sự thưởng thức cái đẹp cho con người. Bởi vậy, ngôn ngữ hài hước phải tao nhã, lịch sự.
Trong quá trình giao tiếp, con người khó tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột với người khác, nhưng nếu bạn đủ rộng lượng và nhanh trí vận dụng sự hài hước, cho dù không thể thay đổi sự công kích thì cũng có thể khiến sự công kích ấy mềm mại hơn, tránh làm mối quan hệ căng thẳng hơn.
Ví dụ như trong công việc ở quầy thu ngân, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra xung đột với khách hàng, nếu dưới sự gò bó của các chuẩn tắc xã hội, xử lí theo cách thông thường thì khó tránh khỏi thất bại, thậm chí còn có thể nói là “đại bại” trong giao tiếp. Lúc này, chúng ta có thể vận dụng sự hài hước, thông qua ngôn ngữ hài hước để giảm nhẹ mâu thuẫn và công kích. Hãy cùng xem ví dụ dưới đây:
Một đám cưới đang diễn ra rất náo nhiệt, pháo hoa bắn bên cạnh cô dâu chú rể, không ngờ một tia lửa bắn vào áo cưới khiến cô dâu hoảng sợ. Đúng lúc này có người nhanh nhẹn nói: “Chúc mừng cô dâu chú rể, tình yêu của hai người sẽ thăng hoa như những bông pháo này.” Câu này vừa thốt ra, mọi người đều vỗ tay rầm rầm. Người vừa lên tiếng trong lúc bối rối đã rất nhanh trí vận dụng sự hài hước để hóa giải tâm trạng không vui của cô dâu, thực là đáng khen ngợi.
Ngôn ngữ hài hước thường khiến người ta không kìm nén được mà bật cười, nhưng không phải tất cả mọi ngôn ngữ khiến người ta cười đều là hài hước, bởi vì hài hước cũng có đặc điểm riêng của nó.
Sự hài hước tao nhã, lịch sự nằm ở chỗ luôn ẩn chứa chân lí trong những câu nói hóm hỉnh, thể hiện sức mạnh của chân – thiện – mĩ. Bởi hài hước là biểu hiện của người có tâm lí lạc quan, lành mạnh, tao nhã và lịch sự.
Hài hước tuy rằng có chứa yếu tố gây cười, nhưng nó không phải là dùng những lời đầu môi chót lưỡi để gây ra tiếng cười nhất thời. Hài hước đến từ những người có kiến thức, am hiểu văn hóa và tu
dưỡng đạo đức tốt; còn những người thiếu các tố chất trên thì khó có thể có được sự hài hước, có chăng chỉ là biết kể vài câu chuyện cười nông cạn, thô thiển để đổi lấy tiếng cười thông cảm của mọi người.
Hài hước thực sự cần phải dựa trên lời nói tao nhã, lành mạnh, tâm trạng người nói cần thoải mái, vui vẻ để vạch ra đạo lí sâu sắc, nghiêm túc và trừu tượng, khiến sự hóm hỉnh và triết lí hòa làm một với nhau.
Bộ Bách khoa toàn thư nước Anh trong mấy bản in đầu tiên có chủ đề “Tình yêu” với độ dài năm trang, nội dung rất cụ thể. Nhưng tới bản in lần thứ 14 thì mục này bị xóa đi, mà thay vào đó là chủ đề “Đạn nguyên tử” cũng chiếm số trang tương đương.
Vì việc này mà một độc giả cảm thấy vô cùng nuối tiếc và đã gửi thư trách ban biên tập coi nhẹ tình cảm tốt đẹp nhất của con người, cổ vũ loại vũ khí giết người.
Trước sự phản đối này, Tổng biên tập đã rất hài hước trả lời rằng: “Đối với tình yêu, đọc Bách khoa toàn thư nước Anh không bằng tự mình trải nghiệm; còn đối với đạn nguyên tử, tự mình trải nghiệm không bằng đọc Bách khoa toàn thư nước Anh.”
Câu trả lời của vị Tổng biên tập này thật vô cùng hài hước. Quan trọng nhất là nó ẩn chứa triết lí rất sâu xa, so sánh tình yêu với đạn nguyên tử, vừa trả lời được chất vấn của độc giả, lại thể hiện được rằng ông cũng như độc giả, khát khao thứ tình cảm tốt đẹp nhất của nhân loại, cũng như thực lòng không muốn đạn nguyên tử trở thành “hung thủ giết người”.
Hài hước đa phần được hình thành bởi dăm ba câu miêu tả rất ngắn gọn, nó không giống như tiểu thuyết, có một kết cấu hoàn chỉnh và các tình tiết kịch tính; nó cũng không như hài kịch, có những mâu thuẫn xung đột gay gắt.
Hài hước có một sức xuyên thấu rất đặc biệt, nó có một sức mạnh vô cùng to lớn, và có thể trải rộng ra khắp nơi.
Ví dụ như câu trả lời của vị Tổng biên tập ở trên, tuy rằng chỉ có hai câu ngắn ngủi nhưng sự hài hước trong đó đã thể hiện được hàm ý vừa sâu vừa rộng.
Cũng chính nhờ đặc điểm này của hài hước mà khi sử dụng kĩ năng này trong giao tiếp, chúng ta nên dùng ngôn ngữ đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để biểu đạt ý của mình, tuyệt đối không nên dài dòng. Ba phạm nhân mắt lác đứng trước một vị quan tòa mắt lác. Quan tòa lườm phạm nhân thứ nhất, hỏi: “Cậu tên là gì?” Phạm nhân thứ hai tưởng là đang hỏi mình, bèn đáp: “Eli”. “Tôi không hỏi cậu!”
Nói rồi quan tòa quay sang phạm nhân thứ hai. Lúc này, phạm nhân thứ ba lập tức đáp: “Tôi có nói gì đâu.”
Câu chuyện này được kể lại vô cùng ngắn gọn. Khi kể chuyện chúng ta nên cắt bỏ đi những tình tiết rườm rà, đặc biệt là khi giới thiệu nhân vật càng phải tuân thủ nguyên tắc ngắn gọn, đừng sử dụng quá nhiều từ ngữ phức tạp.
Ngoài ra, ngôn ngữ hài hước, hóm hỉnh còn thể hiện sự nhanh trí và tinh tế của một người. Hài hước phải biểu đạt được những điều mà người khác không nghĩ ra, hàm ý mà người khác không nghĩ đến, đó là tôn chỉ của hài hước, như thế sẽ khiến ngôn ngữ của bạn có sức thuyết phục đặc biệt, đạt được hiệu quả giao tiếp tốt hơn. Có một vị khách uống rượu trong nhà hàng, uống xong li thứ hai, anh hỏi ông chủ: “Một tuần ông bán được bao nhiêu thùng rượu?” “35 thùng”, – ông chủ dương dương tự đắc đáp.
“Thế thì”, – vị khách nói, “Tôi nghĩ ra một cách có thể giúp ông bán được 70 thùng một tuần.”
Ông chủ rất kinh ngạc, vội hỏi: “Cách gì?”
Vị khách mỉm cười nói: “Đơn giản lắm, chỉ cần ông rót đầy rượu vào mỗi li là được”.
Ý của vị khách này là trách ông chủ bán rượu cho khách chỉ rót có nửa li, nhưng anh lại lợi dụng tâm lí ham lợi nhuậncủa ông chủ, khéo léo giăng ra một cái bẫy để “khổ chủ” vô tình bước chân vào, sau đó mới bất ngờ chỉ trích hành vi của ông ta.
Có người từng nói: “Trong cuộc sống, không có triết học, người ta vẫn có thể sống được, nhưng không có sự hài hước thì chỉ những kẻ ngu ngốc mới có thể tồn tại.” Ngôn ngữ hài hước thể hiện học thức, tài năng, trí tuệ, linh cảm của một người, là “Năng lực nắm bắt những tình huống nực cười và trí tưởng tượng hóm hỉnh”. Nó vạch ra bản chất của những hiện tượng hoang đường, cực đoan, mâu thuẫn, không hợp lí trong xã hội, đồng thời miêu tả những ngôn ngữ, hành vi, tri thức bất thường.
Hài hước có thể khiến tâm lí căng thẳng và áp lực của mọi người được giải phóng, trở thành một nụ cười nhẹ nhõm. Trong giao tiếp, ngôn ngữ hài hước giống như chất bôi trơn có thể giảm bớt “tần suất mâu thuẫn” giữa người với người, hóa giải xung đột và mâu thuẫn, đồng thời khiến chúng ta dễ dàng thoát khỏi những khó khăn gặp phải trong giao tiếp.