Khen, phê bình, từ chối

Một phần của tài liệu Giáo trình Kỹ năng giao tiếp (Nghề Công tác xã hội) (Trang 43 - 47)

2.1. Khen

Khen là tỏ ý tán thưởng một hành động, việc làm, lời nói hay cái đẹp nào đó của người khác. Chúng ta đều biết rằng bản chất của con người là muốn thể hiện mình, muốn được khẳng định bản thân, vì thế luôn mong muốn mọi người xung quanh đánh giá cao mọi ưu điểm, sự cố gắng và tiến bộ của mình. Điều đáng tiếc là chúng ta thường quá tiết kiệm lời khen.

Khen chính là thừa nhận người được khen. Nó có tác dụng khuyến khích to lớn trong giao tiếp và có thể cải thiện mối quan hệ. Việc vận dụng lời khen là rất cần thiết để tạo bầu không khí thân mật, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Khi khen phải chú ý: khen phải đúng, cụ thể và không chung chung lấy lệ; khen phải chân thành. Nếu không nắm vững ba lưu ý trên, nhiều người cảm thấy không thoải mái khi được khen vì có thể: khi được khen sai người ta có cảm giác là những lời nịnh hót hay lời khen đưa ra với mục đích vụ lợi. Khi được khen trực tiếp hơi quá, người được khen thấy lúng túng, xấu hổ, ngại ngùng khi tiếp nhận lời khen. Khi lời khen không chính xác, khen cái ta không có tạo cho ta cảm giác là người khen không hiểu biết về ta, thậm chí còn có cảm giác đó là sự nhạo bang. Lời khen là một công cụ của giao tiếp, người giao tiếp cần biết sử dụng công cụ này thế nào cho hiệu quả, không hà tiện nhưng cũng không lãng phí.

2.2. Phê bình

Phê bình là tỏ thái độ chê trách, không đồng tình với hành vi, sự việc, thái độ của người khác. Phê bình là một việc tế nhị, rất dễ chạm tự ái, làm người khác mếch long, nên khi phê bình phải thận trọng. Tuy nhiên, chúng ta lại thường hào phóng khi phê bình người khác. Lời phê bình cần chính xác, phê bình hành vi, sự việc nào đó chứ không phải phê bình phẩm chất của mỗi cá nhân. Lời phế bình phải được đưa ra đúng lúc, nếu để quá lâu mà ta mới phê bình hay phê bình sau khi người khác phê bình ta thì đó là sự trả đũa. Bởi phê bình nhằm giúp đối tác sửa chữa hành vi, thái độ cho đúng mới là cái đích, mục tiêu của nó. Khi phê bình sai, không trung thực thì đó lại là việc bôi nhọ người khác chứ không phải là phê bình. Không nên phê bình, đóng góp cho đối tác khi họ đang nóng giận. Phê bình thì nên phê bình trước mặt đối tượng, càng ít người có mặt càng tốt, tốt nhất là chỉ nên có hai người. Nếu phê bình vắng mặt, người ta sẽ coi đó là hành vi nói xấu nên nội

dụng phê bình sẽ không được đối tượng tiếp thi và sửa chữa. Phê bình với thái độ chân thành, lời lẽ mềm dẻo để người nghe dễ tiếp thu.

2.3. Từ chối

Không phải cuộc giao tiếp nào ta cũng đồng ý đáp ứng yêu cầu của người đối thoại, đôi khi cũng phải từ chối. Nhưng từ chối như thế nào cũng không phải dễ. Trong nhiều trường hợp giao tiếp có những câu rất khó nói ra khi muốn phủ định hoặc từ chối một điều gì đó. Để diễn đạt ý không tán thành, ta có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ “im lặng” hay có thể chủ động lái sang một vấn đề khác chứ không nên thô lỗ tỏ vẻ quyết tâm muốn cự tuyệt thẳng thừng. Trước những đòi hỏi vô lý, khăng khăng của đối tượng giao tiếp, đôi khi ta không thể bác bỏ thẳng thừng vì như thế sẽ chạm lòng tự ái của họ và dễ gặp những trở ngại về sau. Trong trường hợp này, trước tiên ta cứ thừa nhận, sau đó khéo léo chỉ ra sự vô lý hoặc những điều không thể thực hiện được. Cũng có thể cảnh tỉnh đối tác bằng việc chỉ ra những điều bất lợi, sự nguy hiểm, nếu đối tác cứ tiếp tục hành động hay đòi hỏi. Khi từ chối, không nên dùng ngôn ngữ gay gắt, tránh dùng từ “không”, nhưng ngôn từ phải có sức nặng của sự kiên quyết

3. Trò chuyện, kể chuyện

3.1. Trò chuyện

Trò chuyện là một hình thức giao tiếp phổ biến, nó đan xen với các hình thức khác, là nền của mọi cuộc giao tiếp. Hầu hết mọi người đều có nhu cầu gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với người khác. Điều quan trọng khi nói chuyện là thái độ của đối tượng giao tiếp. Trong câu chuyện họ thường vui vẻ, chủ động tham gia trả lời câu hỏi của mọi người tham dự. Những cuộc trò chuyện như vậy thường dễ dàng và vui vẻ. Nhưng cũng có khi đối tượng giao tiếp không tỏ ra nhiệt tình với câu chuyện của ta. Có thể họ đang bận tâm đến một vấn đề khác hay họ là người ít cởi mở, không ưa giao tiếp. Trong trường hợp như vậy nên tôn trọng đối tượng giao tiếp, không nài ép họ. Điều quan trọng là xác định được họ thực sự không muốn nói chuyện hay họ e dè, ngại ngùng, có ý ngờ vực, chưa hiểu biết về nhau. Những người không muốn trò chuyện thường có thái độ như: ít cười, cái nhìn lơ đãng, điệu bộ, tâm trạng căng thẳng, giọng nói thô bạo, trả lời cụt ngủn và khô khan, chỉ trả lời câu hỏi của người hỏi mà không có ý định trò chuyện để kéo dài cuộc giao tiếp.

Trong trường hợp này ta hãy xem lại thái độ của mình và của đối tác, nếu không cần thiết thì nên chấm dứt cuộc trò chuyện này càng sớm càng tốt.

Biểu hiện của những người muốn trò chuyện nhưng còn e dè thường có thái độ: nụ cười và cử chỉ lung túng, e dè, nhưng câu trả lời nồng nhiệt, có những câu trả lời và giới thiệu về bản thân mình, có thể đặt lại câu hỏi cho đối tượng giao tiếp của họ. Trong trường hợp này, việc lôi cuốn họ vào cuộc trò chuyện là tuỳ vào ý chí của ta. Hãy làm cho họ cảm thấy thoải mái, tin tưởng hơn, họ sẽ cởi mở mà trò chuyện. Trong trò chuyện không chỉ nghe và trả lời câu hỏi mà còn phải đặt câu hỏi, đưa ra những thông tin và ý kiến của cá nhân mình. Khi nắm bắt được thông tin về đối tượng giao tiếp, ta dễ dàng duy trì cuộc trò chuyện. Những thông tin trao đổi cần mang tính tương đương nhau.

Kỹ năng trò chuyện

* Mở đầu câu chuyện:

- Tự nhiên, hợp lý tạo bầu không khí thoải mái

- Nên bắt đầu bằng đề tài gần gũi, giản dị mà cả hai người cùng quan tâm

* Diễn biến cuộc trò chuyện:

- Chủ động dẫn dắt câu chuyện + Hướng tới tâm trạng người nghe : Quan sát nét mặt để phân tích tâm trạng

Quan sát trang phục, diện mạo để đoán tính cách Quan sát cách trang trí để đoán biết tính cách

+ Gợi chuyện hợp lý: Dẫn dắt câu chuyện phát triển theo mong muốn nhưng không bằng những câu hỏi mà bằng cách chèo lái, gợi mở buộc người tiếp chuyện phải nói theo ý mình một cách tình cờ, tự nguyện

*Lắng nghe và đối đáp

+ Lắng nghe người khác nói chuyện : Tiếp nhận thông tin

Tôn trọng người nói + Đối đáp khi trò chuyện

Để khích lệ người kia nói

Khi nghe, lựa chọn cơ hội để tham gia vào câu chuyện

Kết thúc câu chuyện:

- Chọn thời điểm kết thúc cuộc trò chuyện:

+ Phụ thuộc vào thời gian, không gian và nhất là trạng thái tâm lý người tiếp nhận

+Trong khi trò chuyện cần tinh ý quan sát trạng thái tâm lý người tiếp chuyện thông qua hành động, cử chỉ, nét mặt và cách đối đáp

+ Khi nhận biết đối tượng muốn kết thúc nên chủ động cảm ơn, cáo từ cho dù nội dung câu chuyện còn dang dở hay mục tiêu câu chuyện chưa đạt được

Tín hiệu chủ nhà không muốn tiếp

- Ngay trước mặt bạn mà chủ nhà nhìn xuống lau bàn, ghế, đĩa, chén… hay luôn tay làm việc khác.

- Thấy chén nước đã hết mà chủ nhà chẳng muốn rót thêm.

- Ngồi ngả đầu về phía sau, lim lim dim mắt và chỉ ừ hữ cho qua. - Mở to hay chỉnh đài, ti vi, hoặc luôn liếc nhìn đồng hồ.

Nói lời chia tay

- Hãy bình tĩnh và chủ động tìm ý hay, lời đẹp để chia tay.

- Tuỳ theo hoàn cảnh, nội dung và đối tượng người tiếp chuyện để lựa chọn lời nói thích hợp, gây được cảm tình gần gủi và để lại ấn tượng tốt đẹp cho cả hai bên.

3.2. Kể chuyện

Kể chuyện không chỉ là giao tiếp mà còn được coi là một nghệ thuật của giao tiếp. Chúng ta có thể gặp những người kể chuyện rất hấp dẫn. Họ lôi cuốn người nghe vào câu chuyện của mình. Một câu chuyện kể cần chú ý: thông tin phải rõ ràng, mạch lạc, sắp xếp câu chuyện logic, cách kể phải tự nhiên, sống động. Người kể chuyện trình bày rõ các nhân vật xuất hiện trong tình huống nào (thời gian, không gian, hoàn cảnh), biết chen vào những lời bình chính xác, hợp lý, có giọng kể truyền cảm và phù hợp với diễn biến nội dung câu chuyện. Người kể chuyện biết chọn chủ đề, thời điểm phù hợp với đối tượng, nắm chắc mỗi quan hệ giữa các tình huống, thể hiện các đoạn hội thoại nếu cần thiết. Người có khả năng và biết kể chuyện hấp dẫn là người có ưu thế lớn trong giao tiếp, dễ tiếp xúc với người khác, có thể lôi cuốn, chinh phục họ bằng những câu chuyện của mình.

Một phần của tài liệu Giáo trình Kỹ năng giao tiếp (Nghề Công tác xã hội) (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(60 trang)