Hoàng Thị Bình Cao Bằng

Một phần của tài liệu BienBan0406s (Trang 30 - 31)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch. Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 do Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình và tôi xin được tham gia thảo luận theo một số gợi ý của Đoàn Chủ tịch như sau.

Trước hết chúng tôi có nhận xét là Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã có những tiến bộ rõ rệt qua các nhiệm kỳ. Theo tài liệu được cung cấp, kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, Quốc hội đã thông qua 35 dự án luật, bình quân một kì họp mới thông qua được 3,5 dự án luật, và Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 44 pháp lệnh tổng cộng Quốc hội khóa X thông qua 79 dự án luật và pháp lệnh đạt tỷ lệ 62,2%. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Quốc hội thông qua được 84 dự án luật, bình quân một kì họp thông qua được 8,4 dự án luật, 16 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Uỷ ban thuờng vụ Quốc hội thông qua được 35 pháp lệnh đạt tỷ lệ 79,2%. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là nhiệm kỳ chỉ có 4 năm. Nhưng qua 4 kì họp Quốc hội đã thông qua được 27 dự án luật, không tính kì họp thứ 1, thì bình quân mỗi kì họp của Quốc hội thông qua được gần 9 dự án luật. Và tại kì họp này dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật. Tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị xây dựng luật còn có một số hạn chế đó là: Một số dự án xin rút khỏi chương trình, một số dự án bổ sung xem xét thông qua tại kỳ họp, do đó chương trình xây dựng pháp luật phải thay đổi, một số nội dung không thực hiện được. Ví dụ tại kỳ này chắc chắn Quốc hội chúng ta không đạt được chương trình xây dựng luật như dự kiến.

Nguyên nhân không thực hiện được chương trình xây dựng luật thì có nhiều nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính:

Một, ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa IX, X hoặc đầu Khóa XI các đại biểu Quốc hội chuyên trách còn ít, trong đó quy trình thông qua luật, pháp lệnh lại chặt chẽ và quá chi tiết. Vấn đề này hiện nay đã có nhiều thay đổi.

Hai, về công tác chuẩn bị, các dự án chưa chuẩn bị kỹ, còn vội vàng, nhiều dự án mới có ý định nhưng đã đưa vào chương trình, có dự án cơ quan trình mới đề xuất được tên dự án và một số ý về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, một số quan điểm, chính sách chính. Quá trình soạn thảo nhiều vấn đề phát sinh do đó chuẩn bị không kịp hoặc có dự án trình cơ quan thẩm tra nhưng quá đơn giản phải tập trung đầu tư nhiều mới có thể trình ra Quốc hội được phải xin rút.

Ba, cơ quan thẩm tra chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có nể nang và thiếu kiên quyết.

Từ hình hình trên để thực hiện được chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tôi xin kiến nghị:

Một, các dự án luật trước khi đưa vào chương trình chính thức phải qua dự thảo một vài lần, cơ quan thẩm tra luật được tiếp cận dự án luật một đến hai lần, cơ quan thẩm tra có thể tổ chức hội thảo hoặc xin ý kiến chuyên gia.

Hai, các dự án luật dự kiến thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm, tức là vào tháng 5 hoặc tháng 6 thì chậm nhất phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3 năm đó phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Các dự án luật dự kiến thông qua hoặc lấy ý kiến đại biểu tại kỳ họp cuối năm vào tháng 10 hoặc 11 thì chậm nhất phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8 năm đó phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Có như vậy cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra mới có thời gian để hoàn chỉnh nội dung trình Quốc hội. Tất nhiên có trường hợp đặc biệt nhưng đó chỉ là những dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án.

Ba, đối với luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án luật chỉ sửa khi luật đó ban hành đã có hiệu lực từ 1 đến 2 năm, tránh tình trạng luật ban hành mới có hiệu lực được 6 tháng hoặc gần một năm thì cơ quan trình đã đề nghị sửa đổi.

Trên đây là một số ý kiến phát biểu của tôi về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Xin cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan0406s (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(52 trang)
w