Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi tán thành với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Tuy nhiên, đối với những dự án luật chưa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kỳ họp này. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần phải xác định rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời đề nghị cơ quan này có báo cáo rõ cho đại biểu Quốc hội rõ về từng dự án cụ thể. Nếu thuộc về nguyên nhân chủ quan thì theo tôi cần phải xem lại trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của Bộ trưởng của bộ được phân công chủ trì soạn thảo. Bởi vì theo tôi một trong những nhiệm vụ quan trọng và cơ bản nhất của Bộ trưởng là phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội về các chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành mình. Nếu như nhiệm vụ đó không được các Bộ trưởng quan tâm, coi trọng thì tôi e rằng các dự án luật liên quan đến quốc kế dân sinh sẽ không được chuẩn bị đúng tầm, đúng thời gian và dẫn đến chất lượng sẽ bị hạn chế và chậm đi vào cuộc sống.
Tôi đề nghị Quốc hội nên có chế tài khen thưởng đối với những Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị các dự án luật có chất lượng, đảm bảo thời gian, đảm bảo quy trình. Nhưng đồng thời cũng phải xác định trách nhiệm những người đứng đầu đối với những dự án luật có sự chậm trễ, kéo dài hoặc kém chất lượng. Nếu cần thiết thì cũng phải tính đến việc áp dụng các biện pháp bỏ phiếu tín nhiệm đối với những trường hợp này.
Vấn đề thứ hai, liên quan đến Chương trình xây dựng pháp luật năm 2010. Về cơ bản, tôi nhất trí với những dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra. Tuy nhiên, cũng giống như các đại biểu khác, tôi đề nghị bổ sung vào chương trình chính thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai. Bởi vì đây là một nhu cầu rất bức thiết của người dân và những lý do này tôi không muốn phân tích thêm bởi vì các đại biểu trước tôi đã có ý kiến. Đồng thời theo tôi trong chương trình chính thức cũng không nên đưa vào Luật giáo viên. Bởi vì tôi thấy hiện nay giáo viên đã được điều chỉnh trong Luật Giáo dục bằng một chương riêng. Đồng thời trong chương trình chính thức của năm 2010 chúng ta cũng đã dự kiến đưa vào Luật viên chức. Vì vậy, theo tôi chưa cần thiết đưa Luật Giáo viên vào trong chương trình năm 2010.
Vấn đề thứ ba, để đảm bảo chất lượng của các văn bản được trình tại kỳ họp Quốc hội, theo tôi năm 2009 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội mới thông qua. Trong quy trình phải có đánh giá tác động của các văn bản, nhưng tôi thấy trong kỳ họp này mỗi cơ quan làm một kiểu, không có sự thống nhất với nhau, chủ yếu còn mang tính đối phó và sơ sài. Nhiều dự thảo văn bản đánh giá tác động gửi cho các đại biểu mới chỉ mang tính chất báo cáo, liệt kê, còn chung chung và nhiều dự thảo không có đóng dấu, không có chữ ký, nói chung là mang tính chất chưa chính thức. Đồng thời trong quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn có quy định là phải lấy ý kiến các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động của văn bản về nội dung dự thảo. Nhưng xin hỏi Quốc hội trong kỳ họp này có bao nhiêu dự án luật chúng ta đã thực hiện được quy trình này? Vì vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới Chính phủ và Quốc hội phải quán triệt thực hiện tốt hơn các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên đây tôi xin tham gia 3 ý kiến như vậy. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.