Kính thưa Quốc hội!
Ở đây tôi nghĩ tất cả các đại biểu Quốc hội cũng biết vấn đề xây dựng pháp luật là một trong các công việc quan trọng của tổ chức thượng tầng kiến trúc, mà pháp luật ổn định cũng góp phần ổn định vĩ mô. Lâu nay ta cứ nói ổn định vĩ mô, nhưng luật sửa đổi, bổ sung khá nhiều. Qua đây cũng thấy trách nhiệm của Quốc hội và trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội, trong vấn đề đóng góp về xây dựng pháp luật như thế nào. Vấn đề chương trình của cả một nhiệm kỳ và chương trình hàng năm cũng là nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội đã được ghi trong Luật tổ chức Quốc hội. Đó là chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mình trong xây dựng pháp luật. Theo tôi những vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng. Đi vào chương trình cụ thể của năm 2010, tôi có ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi đóng góp về vấn đề trong trình bày của chương trình nên như thế nào để đại biểu cũng hiểu và giảm đóng góp ý kiến. Đó là muốn có một dự án pháp luật thì bao giờ ta cũng phải có chương trình chuẩn bị, sau đó tổng kết, đánh giá, soạn thảo như thế nào đó, dự báo, rồi mới đưa ra được. Cho nên điều đó tùy thuộc vào công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và trình. Nếu cơ quan soạn thảo và trình mà họ chuẩn bị chưa được thì ta không thể nào ép, cần phải có cái đó, thì nó lại ra một cái khác là không ổn. Chính vì vậy cũng có một tình trạng là cái ta muốn thì chưa có, cái ta có thì chưa muốn và đóng góp ý kiến là muốn đẩy cái này lên, cái khác lên. Cho nên trong chương trình cũng nên nói rõ cái nào đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng vì vấn đề tính cấp thiết của nó chưa, còn cái nào là cơ quan chuẩn bị cái đó chưa thể nào làm được thì lùi trở lại. Đó là ý kiến thứ nhất theo tôi đề nghị trong Tờ trình.
Vấn đề thứ hai, về các luật đưa ra trong chương trình chuẩn bị chính thức các đồng chí có thể đọc thuyết minh chi tiết giữa Luật viên chức và Luật giáo viên, trong Luật viên chức, đối tượng điều chỉnh là giáo viên là chủ yếu, sau đó lại ra
Luật giáo viên mà trong nội dung chính điều chỉnh tôi thấy đọc na ná nhau cả. Nếu nói về Luật giáo viên thì cần phải quy định về chức danh, tiêu chuẩn, điều đó lại không ghi trong luật mà ghi trong chức danh tiêu chuẩn của ngạch giáo viên, đi theo chương trình điều chỉnh hàng năm và gắn với đào tạo của giáo dục. Theo tôi hai luật này chỉ là một luật thôi, Luật viên chức sẽ bao hàm toàn bộ, vì Luật viên chức đã quy định đối tượng điều chỉnh là giáo viên và bác sỹ.
Tiếp theo là Luật con nuôi, tôi không hiểu định hướng phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa của ta thì vấn đề con nuôi có phải là vấn đề khuyến khích không. Với chính sách dân số và phát triển cũng như định hướng của ta là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Về mặt đạo lý và nhân văn thì không phải đẻ con ra để cho con đi, ta cũng không có định hướng khuyến khích vấn đề này. Theo tôi nên xem xét lại các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đang còn, họ có phát triển, xây dựng định hướng xã hội chủ nghĩa mà lại đưa ra vấn đề Luật con nuôi. Công bố với toàn thế giới ta xây dựng xã hội chủ nghĩa mà lại cho con nuôi thế này thì có ổn không, về mặt nhân văn và đạo lý, theo tôi vấn đề này nên để ở dạng thấp hơn đó là pháp lệnh, điều chỉnh nội dung này bằng pháp lệnh sẽ phù hợp hơn.
Vấn đề cuối cùng là Luật thủ đô, cũng rất may là chương trình chuẩn bị, nếu là chương trình chính thức thì tôi thấy cũng khó bàn, vì trong nội dung gồm nhiều vấn đề đã được điều chỉnh. Ví dụ nội dung chính là bảo tồn, quản lý phố cũ, biệt thự cổ v.v... điều đó đã có trong luật vừa có là Luật di sản, ta có thể điều chỉnh được hay vấn đề này trùng với Luật di sản. Vấn đề quy hoạch và xây dựng phát triển cũng nằm trong Luật Quy hoạch đô thị thì ta chuẩn bị rồi. Về các cơ chế khác tôi nghĩ điều chỉnh bằng văn bản khác thì thuận lợi hơn. Cho nên những vấn đề này cần xem xét kỹ lưỡng để ta đưa ra một luật phù hợp hơn. Xin hết.