Pháp luật với vai trò xây dựng đạo đức nghề nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của pháp luật đối với việc xây dựng đạo đức thầy thuốc, thực trạng và giải pháp (Trang 31 - 35)

Như đã đề cập ở trên, đạo đức nghề nghiệp là những tiêu chuẩn, nguyên tắc trong hành nghề của một nghề nhất định. Xã hội đòi hỏi người hành nghề trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cơ bản.

Với vai trò của mình, pháp luật điều chỉnh và có tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đạo đức nghề nghiệp cũng không phải là một ngoại lệ. Về bản chất, việc pháp luật tác động đến việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp của các ngành nghề trong đời sống không nằm ngoài những chức năng cơ bản của pháp luật đó là chức năng điều chỉnh, chức năng bảo vệ và chức năng giáo dục, Vì vậy, vai trò của pháp luật đối với việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp của các nghề nghiệp khác nhau đều có điểm chung, đó chính là tác động vào việc định hướng hành vi (giáo dục), điều chỉnh hành vi, và các biện pháp chế tài trừng phạt những hành vi vi phạm (bảo vệ).

Nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, song, có một số nghề có vị trí quan trọng đặc biệt và mối quan hệ rộng rãi tới nhiều người trong xã hội như nghề

y, nghề báo, nghề luật sư, nghề cảnh sát,.. thì đạo đức nghề nghiệp được đặc biệt coi trọng và pháp luật cũng có những tác động rõ nét hơn trong việc xây dựng lên đạo đức nghề nghiệp của những ngành nghề này.Tuy nhiên, đối với mỗi nghề thì những tiêu chuẩn, nguyên tắc trong đạo đức nghề nghiệp của nghề đó lại khác nhau và có những điểm đặc trưng riêng. Vì thế, pháp luật cũng sẽ đóng những vai trò không giống nhau đối với việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp của chúng.

Có thể kể đến việc pháp luật tác động đến việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp của nghề luật sư. Đạo đức nghề nghiệp của luật sư được quy định trong một số văn bản như Luật luật sư, Điều lệ hoạt động của các đoàn luật sư, Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư do Bộ tư pháp ban hành và các quy tắc do Ban chủ nhiệm của các đoàn luật sư soạn thảo [45].

Được rút ra từ các văn bản nói trên, các quy tắc về đạo đức hành nghề luật sư ở Việt Nam bao gồm:

Về các yêu cầu chung: Luật sư phải giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp; phải độc lập, trung thực và khách quan; phải có thái độ ứng xử đúng mực và tham gia tích cực vào trợ giúp pháp lý miễn phí;

Về quan hệ với khách hàng: Luật sư chỉ nhận vụ việc phù hợp với khả năng của mình; phải bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng; không chuyển vụ việc cho luật sư khác làm thay nếu khách hàng không đồng ý; không cung cấp dịch vụ cho khách hàng khác có xung đột lợi ích với khách hàng của mình; từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phải giữ gìn bí mật thông tin của khách hàng.

Về quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng: Luật sư không được móc nối, mua chuộc, hối lộ cơ quan tiến hành tố tụng; không được cung cấp thông tin sai sự thật, tạo dựng chứng cứ giả;

Về quan hệ với đồng nghiệp: Luật sư phải tôn trọng đồng nghiệp, không xúc phạm, tìm cách hạ uy tín đồng nghiệp; không móc nối với đồng nghiệp để trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho quyền lợi của khách hàng.

Với những quy tắc đó, pháp luật đã định hướng và điều chỉnh các hành vi của người luật sư theo những chuẩn mực chung theo yêu cầu đặc trưng của nghề.

Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định những chế tài nhằm xử lý những trường hợp luật sư có hành vi vi phạm nhằm khắc chế chúng và những quy định về thẩm quyền xử lý và trình tự, thủ tục cho việc xử lý những hành vi vi phạm. Có thể kể đến một số quy định như tại Chương VIII Luật luật sư thì có 4 hình thức xử lý kỉ luật luật sư như sau: khiển trách; cảnh cáo; tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 6 đến 24 tháng; xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư. Cũng theo luật này thì các tổ chức đầu tiên có quyền hạn xem xét và đưa ra hình thức kỉ luật luật sư đều là các tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư chứ không có sự tham gia giải quyết của các cơ quan nhà nước.

Như vậy, với đặc trưng của nghề luật sư là ngành nghề liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ và sự thực hiện pháp luật, hơn nữa lại hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, chính vì vậy những tác động của pháp luật trong việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp của nghề này lại tập trung chủ yếu vào việc hình thành nên những quy định vi phạm về đạo đức nghề nghiệp mà người hành nghề luật sư không được làm, ngăn chặn các hành vi vi phạm về đạo đức có thể xâm hại những quyền lợi của những chủ thể là đối tượng hoạt động của nghề này nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng.

Ngoài ra, có thể kể đến những quy định của pháp luật trong xây dựng đạo đức nghề báo. Những quy định này lại hướng tới tập trung xây dựng đạo đức nghề ở một số điểm như: Trung thành với lý tưởng của đất nước, nhân dân và Đảng cộng sản; phản ánh chân thật, khách quan; gần dân, yêu dân; có tinh thần phê bình và tự phê bình; rèn luyện, học tập suốt đời [30]. khi nhiệm vụ của nghề này chính là truyền thông và định hướng thông tin đến công chúng vì vậy những yếu tố liên quan đến lý tưởng, sự trung thành hay sự chân thật được đặt lên hàng đầu và được thể chế thành luật nhằm bảo đảm cho một nền báo chí chính thống giữ được bản chất chân thực của thông tin và thực hiện vai trò truyền tải thông tin của mình.

Trong khi đó, với nghề y thì pháp luật trong vai trò xây dựng đạo đức của người thầy thuốc thì lại có những điểm đặc trưng và khác biệt khá rõ so với các nghề khác bởi vì nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt với sự liên hệ trực tiếp của

nghề này với cơ thể sinh học của con người tiền đề của sự sống, lao động và phát triển của xã hội loài người. Hơn nữa, mỗi người chỉ có một mạng sống và bệnh tật chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra những vụ tử vong vì vậy con người luôn coi trọng mạng sống và sức khỏe của mình. Về đặc trưng của nghề này, có hai đặc trưng cơ bản:

Thứ nhất, trong quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân. Y học xưa nay

nghiên cứu về cơ chế hoạt động của cơ thể người, cấu trúc cực kì phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải có kiến thức nhất định về chuyên môn, bỏ nhiều công sức đào sâu nghiên cứu, học hành nghiêm túc. Người bệnh luôn mong mỏi sự giúp đỡ chuyên môn của thầy thuốc, tin tưởng tuyệt đối và hầu như không có khả năng phản biện với những lời khuyên hay chỉ định của bác sĩ.

Thứ hai, trong mối quan hệ với chính mình mỗi thầy thuốc cần hiểu rằng

không có một nghề nào mà một lỗi lầm hay thiếu sót dù nhỏ nhất lại gây ra tai họa lớn tới sức khỏe va tính mạng con người như nghề y. Hơn bất cứ ngành nghề nào khác, nghề y không chấp nhận sự cẩu thả, sự bằng quan và chủ nghĩa hình thức. Những lỗi lầm trong nghề y là không thể tha thứ vì mỗi người bệnh chỉ có một mạng sống, họ không kịp tha thứ cho hoạt động của người thầy thuốc, hơn nữa, hậu quả của những sai sót ấy diễn ra ngay trước mắt, buộc thầy thuốc phải chịu trách nhiệm. Không chỉ là trách nhiệm chuyên môn, có khi thầy thuốc phải chịu những nỗi ám ảnh khó có thể vượt qua, có khi phải bỏ nghề. Người theo, sống được và thành công với nghề y nhất định phải có lòng yêu nghề có sự rèn luyện các đức tính như sự cẩn trọng, khéo léo, tư duy sáng tạo hơn những người làm nghề khác [39].

Bởi những lí do đó, những quy chuẩn đạo đức mà nghề y đòi hỏi ở một người thầy thuốc là rất đặc biệt khác so với những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp của ngành nghề khác, và cũng chính ở nghề này mà vai trò của pháp luật trong xây dựng đạo đức người thầy thuốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Qua đó thể thấy, những chuẩn mực đạo đức được pháp luật đưa vào hệ thống pháp luật thì đều được dựa trên những yêu cầu đặc trưng về đạo đức đối với người làm nghề, giúp khẳng định lại những tiêu chuẩn ứng xử, hành vi phù

hợp, đúng đắn và được thừa nhận để một người có thể đảm nhận một nghề nghiệp. Đồng thời cũng xây dựng nên những rào cản, ranh giới rõ ràng đối với những hành vi không được làm và không thể làm khi thực hiện một nghề nghiệp khi mà đạo đức không thành văn đôi khi không đủ sức để ngăn cản hay làm do dự người làm nghề vượt quá ranh giới đó.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của pháp luật đối với việc xây dựng đạo đức thầy thuốc, thực trạng và giải pháp (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)