Pháp luật góp phần định hướng dư luận xã hội, xây dựng ý thức pháp

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của pháp luật đối với việc xây dựng đạo đức thầy thuốc, thực trạng và giải pháp (Trang 46 - 51)

pháp luật về đạo đức thầy thuốc trong đời sống pháp lý

Dư luận là một hiện tượng tinh thần trong đời sống xã hội, là sự đánh giá, phán xét, biểu thị thái độ của cá nhân, các nhóm xã hội đối với sự kiện, hiện tượng xảy ra có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của các thành viên trong xã hội. Dư luận xã hội có một số đặc điểm chính đó là tính khuynh hướng, tính lợi ích, tính lan truyền, tính bền vững tương đối và tính dễ biến đổi, tính tương đối trong khả năng phản ánh thực tế. Dư luận xã hội được nhìn nhận như là thước đo bầu không khí chính trị, xã hội; là tấm gương phản hồi đường lối, chính sách, pháp luật của Chính phủ; phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân; đánh giá năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo; có thể dựa vào dư luận xã hội để dự báo được những diễn biến sắp tới của đời sống xã hội; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, tăng cường

mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, ngăn ngừa tệ quan liêu, xa rời quần chúng,.. Dư luận xã hội không phải là tin đồn, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực thì nó cũng mang đến nhiều mặt trái khi mà trong thời đại bùng nổ thông tin từ mạng Internet toàn cầu hiện nay, người ta có thể tìm thấy bất cứ thông tin nào từ một cú nhấp chuột mà không nhiều trong số đó được kiểm chứng, bảo đảm về chất lượng và độ chính xác của thông tin. Việc nhiễu loạn nguồn thông tin có thể dẫn tới nhiều hệ lụy đối với dư luận xã hội, và có thể, nó có khả năng tạo nên những tác động to lớn khôn lường, ngoài tầm kiểm soát. Vì lẽ đó, pháp luật cần sử dụng quyền năng của mình để định hướng dư luận xã hội, thiết lập nên những quy chuẩn cho truyền thông để chuẩn mực hóa nó.

Một mặt, pháp luật định hướng dư luận xã hội bằng cách quy định những chuẩn mực, quy tắc hành vi chung và phổ biến trong toàn cộng đồng. Từ đó, pháp luật trở thành thước đo cho mọi hành vi ứng xử và đánh giá xã hội. Việc một người có hành vi trái với pháp luật, đi lệch với chuẩn mực chung mà cả xã hội tuân theo và thừa nhận thì như một quy luật, hành vi đó sẽ trở thành hành vi bị dư luận xã hội lên án. Việc mọi người đều tuân theo một quy chuẩn chung, và việc lên án hay tuyên dương của dư luận xã hội diễn ra trong thời gian dài, liên tục vô hình chung sẽ dần dần, từng bước xây dựng lên ý thức pháp luật cho mọi cá nhân trong xã hội. Mặt khác, pháp luật đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng. Giáo dục pháp luật là sự tác động chủ động của chủ thể giáo dục lên khách thể (đối tượng của giáo dục), nhằm cung cấp tri thức pháp luật, hình thành tình cảm, thái độ tích cực đối với pháp luật, tạo dựng thói quen, hành vi tuân thủ pháp luật một cách tích cực, chủ động. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng ý thức pháp luật.

Trong việc xây dựng đạo đức người thầy thuốc, việc đưa những quy định về đạo đức người thầy thuốc vào luật và giảng dạy như một môn học tại các cơ sở đào tạo y tế và phổ biến ra toàn xã hội, thứ nhất giúp cho chính những người thầy thuốc hiểu được những quy chuẩn hành vi được cả xã hội thừa nhận, nhận ra rằng việc

mình tuân thủ hay không tuân thủ những quy định đó sẽ mang đến hậu quả và phản ứng của dư luận như thế nào. Từ đó, hình thành trong họ ý thức tuân thủ pháp luật. Thứ hai, điều này còn giúp cho những người không chuyên và không có cơ hội tiếp cận sâu với nghề y có được sự hiểu biết về những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải tuân thủ. Đồng thời từ đó họ cũng có cơ sở và căn cứ để bảo vệ mình trước sự vi phạm về y đức của những người hành nghề y thuật.

Có thể hiểu rõ hơn về quan điểm này từ trường hợp nghiên cứu y sinh. Nếu những quy tắc đạo đức trong nghiên cứu y học như việc tôn trọng quyền tự quyết của bệnh nhân, không được thử nghiệm các loại thuốc mới trên người bệnh chỉ là những quy chuẩn đạo đức được giảng dạy trong các trường y học, hay được phổ biến trong nội bộ ngành y thì bệnh nhân, những người là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những hành vi này khó mà có thể tiếp cận và hiểu được quyền của mình. Khi đó, người thầy thuốc có thể dễ dàng xâm phạm quyền lợi của họ bằng việc bất chấp đạo đức nghề nghiệp và lương tâm mà không gặp phải sự nghi ngờ hay phản ứng từ phía người bệnh, và hơn nữa, những vi phạm đạo đức này cũng không được xử lý về mặt pháp luật khi mà pháp luật không ghi nhận nó vào văn bản pháp luật

Bên cạnh đó, trong thời đại ngày nay, dân trí càng cao, nhu cầu tiếp nhận thông tin hàng ngày cũng tăng lên. Cùng với sự bùng nổ thông tin song hành với internet Do đó, việc định hướng dư luận, quản lý thông tin và truyền thông, xây dựng ý thức pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của pháp luật. Các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật được pháp luật tác động đến truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong xã hội, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của nhân dân trong đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật. Truyền thông cũng đã góp phần quan trọng trong việc làm tăng tính công khai, minh bạch của hệ thống cơ quan nhà nước, giám sát chặt chẽ hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của lãnh đạo các cơ quan đó.

Trong lĩnh vực xây dựng y đức, không nằm ngoài vai trò thông tin, tuyên truyền và giám sát như đã nói ở trên, pháp luật có những quy định trong việc các cơ

quan chức năng ngành y tế có trách nhiệm cung cấp thông tin cho truyền thông, kết hợp với các cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến các chính sách quy định có liên quan nhằm thông tin cho người dân biết được về quyền, nghĩa vụ của họ trong hoạt động khám chữa bệnh và quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người thầy thuốc. Từ đó, bản thân dư luận trở thành một kênh thông tin được trang bị kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình, thông tin đến xã hội về những hành vi vi phạm và giám sát những hoạt động liên quan đến y đức. Từ đó, hình thành nên ý thức pháp luật của đội ngũ thầy thuốc trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình. Những quy định của Bộ Y tế liên quan đến các đường dây nóng được niêm yết công khai ở các bệnh viện, cơ sở y tế được biết đến như là một ví dụ điển hình cho vai trò này của pháp luật.

Tiểu kết chương 1

Trong xã hội hiện đại, một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là phải phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, đẩy lùi bệnh tật, làm tăng tuổi thọ, làm cho giống nòi ngày càng tốt hơn, tạo ra lực lượng lao động có thể lực dồi dào, trí tuệ minh mẫn, đủ năng lực tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá. Như vậy ngành y có một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề là bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của nhân dân, vì thế nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc việc làm cần thiết, cấp bách. Và pháp luật, được xem như là một công cụ hữu hiệu, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đạo đức thầy thuốc trong điều kiện hiện nay.

Y đức là nội dung nhân văn quan trọng của người làm nghề y, là truyền thống cao đẹp, là trách nhiệm danh dự của cán bộ y tế, là niềm tin của Đảng và Nhà nước, là tình cảm của nhân dân với người thầy thuốc. Ngành y có vinh dự trực tiếp chăm sóc sức khoẻ cho con người, do vậy người hành nghề y ngoài việc cần trau dồi chuyên môn, trình độ còn cần phải có những phẩm chất đặc biệt được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ hết mình chăm sóc sức khoẻ người bệnh và đặc biệt người thầy thuốc phải có kiến thức pháp luật để bảo vệ nhân dân tránh mọi sự lạm dụng quyền hạn, tránh nhiệm của nghề nghiệp làm tổn thương đến sức khoẻ và nhân

phẩm của con người và cũng tự bảo vệ chính mình trước pháp luật khi có sự kiện pháp lý bất lợi xảy ra.

Ở chương này, luận văn đã trình bày một cách khá chi tiết về mặt lý luận nhằm đưa đến cái nhìn tổng quan về các khái niệm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức người thầy thuốc; làm rõ được về mối quan hệ, tác động qua lại giữa đạo đức và pháp luật đồng thời chỉ ra tầm quan trọng, ý nghĩa của đạo đức nghề nghiệp và những điểm đặc trưng cơ bản của đạo đức người thầy thuốc so với những ngành nghề khác. Từ đó làm cơ sở để đưa ra được những vai trò của pháp luật đối với việc xây dựng nên đạo đức người thầy thuốc về mặt lý luận và pháp luật.

Qua đó, pháp luật với vai trò quan trọng và thiết yếu của mình trong việc xây dựng đạo đức người thầy thuốc đã được nhìn nhận từ nhiều góc độ với sự phân tích dựa trên cả mặt lý luận và quy định pháp luật thực tế. Đây là cơ sở nền tảng quan trọng làm tiền đề cho việc đi sâu vào đánh giá thực trạng vai trò của pháp luật đối với việc xây dựng đạo đức người thầy thuốc hiện nay và đưa ra được những kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao vai trò này của pháp luật ở những chương tiếp theo của bài nghiên cứu.

Chương 2

THỰC TRẠNG VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC THẦY THUỐC

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của pháp luật đối với việc xây dựng đạo đức thầy thuốc, thực trạng và giải pháp (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)