Từ góc độ lịch sử, một số quy định về y đức trong pháp luật quốc tế và ở một số quốc gia khác trên thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử y học, những khái niệm và quy định về đạo đức y học được điều chỉnh và dần được hoàn thiện. Các tổ chức y tế của quốc tế và mỗi quốc gia lần lượt phê chuẩn và công bố các quy định về đạo đức trong thực hành y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đơn cử một ví dụ cho luận điểm này có thể lấy trường hợp hình thành văn kiện quốc tế đầu tiên quy định về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học là điều lệ Nuremberg. Điều lệ này được ban hành năm 1947, sau vụ xét xử các bác sỹ Đức quốc xã. Điều lệ này đưa ra 10 nguyên tắc cho các nghiên cứu được tiến hành thử nghiệm trên con người. Từ điều lệ này đến tuyên ngôn Helsinki 1964, rồi đến các hướng dẫn của WHO năm 1982, năm 2002, các quy định và hướng dẫn thực hiện đạo đức trong nghiên cứu được điều chỉnh và hoàn thiện dần. Những văn bản này nêu rõ các nguyên tắc cụ thể khi tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm trên con người, những việc cần làm trước, trong và sau các thử nghiệm nhằm đảm bảo lợi ích cho các đối tượng nghiên cứu.
Một ví dụ nữa có thể kể đến, đó là trường hợp của các văn bản quy định về đạo đức trong thực hành lâm sàng. Văn kiện đầu tiên công bố các quy định cho
người hành nghề y là tuyên ngôn Geneva được ban hành tại cuộc họp thứ hai của Hội Y học thế giới tại Thụy Sĩ năm 1948, được bổ sung lần cuối tại cuộc họp hội đồng của Hội Y học thế giới ở Thụy Điển năm 2005 và công bố năm 2006. Quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp nhận và tuyên bố vào tháng 10/1948 đề cập đến: Mọi người đều có quyền có cuộc sống phù hợp với sức khỏe, hạnh phúc của bản thân, gia đình; bao gồm: ăn, mặc, nhà ở và các dịch vụ y tế và
dịch vụ xã hội và có quyền được bảo vệ trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, tuổi già... Năm 1998, Hội đồng y đa khoa đưa ra các hướng dẫn về tìm kiếm sự đồng ý của bệnh nhân. Sự đồng ý của bệnh nhân giúp việc điều trị có hiệu quả hơn vì có sự hợp tác tích cực của bệnh nhân. Bản hướng dẫn cũng nêu rõ những trường hợp nào cần tìm kiếm sự đồng ý của người bảo trợ cũng như có một số trường hợp đặc biệt thì không cần có sự đồng ý của bệnh nhân. Năm 2000, Hội đồng y đa khoa đưa ra các hướng dẫn về bảo mật và cung cấp thông tin: Bệnh nhân có quyền được biết thông tin về các dịch vụ chăm sóc y tế dành cho họ; có quyền được biết thông tin về tình trạng bệnh tật đang làm họ đau đớn. Năm 2005, Hội Y học thế giới công bố quyền của bệnh nhân: Bệnh nhân có quyền tự quyết định, tự đưa ra quyết định của bản thân, được nhận thông tin về bản thân họ và được thông tin về sức khỏe của họ, bao gồm cả những thông tin y học chính xác về tình trạng bệnh [33].
Qua đó có thể thấy được, đạo đức con người được hình thành từ lâu đời, những quy chuẩn, quy tắc của nó được thừa nhận rộng rãi tuy nhiên lại không có tính bắt buộc thực hiện và một cách dễ dàng nó bị vi phạm. Cũng bởi vì sự ra đời và bắt đầu của những sự vi phạm nghiêm trọng về đạo đức trong quá trình thực hiện một nghề nghiệp, hay cụ thể ở đây là thực hành nghề y của người thầy thuốc đã làm phát sinh những sự việc nghiêm trọng, làm nảy sinh những vấn đề buộc xã hội phải điều chỉnh, ngăn chặn. Vì vậy, xã hội đã mang những quy định về đạo đức ấy, thể chế thành những quy định trong luật pháp nhằm bảo vệ những lợi ích của con người và xã hội như một quy định bắt buộc của pháp luật để bảo đảm những tiêu chuẩn đạo đức đó được thực hiện và bảo đảm thực hiện.
Đó cũng chính là con đường để pháp luật hình thành nên những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và thể hiện những vai trò cụ thể của mình trong xây dựng đạo đức người thầy thuốc.
Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản đề cập đến đạo đức của người cán bộ y tế như: Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân 2003; Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006; Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn
dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006; Luật bảo hiểm y tế 2008. Năm 2009, Quốc hội cũng đã thông qua Luật khám chữa bệnh quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám, chữa bệnh,..
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp nói chung đã được quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng như sau:
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp là chuẩn mực xử sự phù hợp với đặc thù của từng nghề bảo đảm sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong việc hành nghề; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên của mình theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 3, Luật Khám, chữa bệnh như sau: Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh; Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai; Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề [50, Điều 42];
Cụ thể hơn, vai trò của pháp luật trong xây dựng đạo đức người thầy thuốc được thể hiện trên những phương diện sau: