Sau khi chỉ ra các nguyên nhân của thực trạng QTCT ở nước ta hiện nay, tác giả Luận văn mạnh dạn đề xuất các giải pháp hoàn thiện về pháp luật QTCT đại chúng cũng như những giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực thi QTCT đại chúng. Hai loại giải pháp này phải đi đôi với nhau trong nỗ lực nâng cao hiệu quả QTCT ở nước ta hiện nay.
3.2.1. Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản trị công ty đại chúng công ty đại chúng
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật dân sự về luật tài sản và luật hợp đồng, nhất là cần bổ sung các chế định về hợp đồng lập hội và hợp đồng điều đình để Bộ luật dân sự đóng vai trò nền tảng của luật tư, hỗ trợ cho
việc thành lập và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thực tiễn QTCT, tạo nên sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống luật tư. Luật tài sản cần rõ ràng và khái quát để bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu của các nhà đầu tư. Chẳng hạn như quy định về khái niệm tài sản không bao quát hết được các loại tài sản, nên chăng cần bỏ quy định này và định nghĩa tài sản bằng cách phân loại tài sản. Các quy định về sở hữu toàn dân rất mơ hồ và không cụ thể và cần được thay thế bằng các các quy định sở hữu rõ ràng.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định của luật phá sản để tạo điều kiện giải quyết một cách dễ dàng hơn các trường hợp công ty lâm vào tình trạng tài chính tuyệt vọng, thanh lọc thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh. Mặc dù pháp luật phá sản ở nước ta đã được ban hành từ hơn 20 năm qua, nhưng hầu như rất ít công ty có thể phá sản được theo luật phá sản, bởi vì trình tự, thủ tục phá sản còn nhiều bất cập gây cản trở quá trình phá sản của các công ty.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định của luật hình sự về tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, mà cụ thể là trong lĩnh vực công bố thông tin trên TTCK. Cụ thể hơn là bổ sung các tội phạm về công bố thông tin sai lệch, gian trá, chứng nhận báo cáo sai, kiểm toán không trung thực.Qua đó tăng cường trách nhiệm, răn đe đối với các cá nhân có thẩm quyền công bố thông tin, tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư đối với các báo cáo của CTĐC.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định của luật doanh nghiệp về thủ tục họp ĐHĐCĐ để tạo điều kiện để các cổ đông có thể tham gia dự họp và bảo vệ quyền của mình tốt nhất có thể. Cụ thể là tăng thời hạn thông báo ĐHĐCĐ từ 7 ngày lên 14 ngày, hai năm sau khi áp dụng ngưỡng này, cần tăng lên 21 ngày và 3 năm sau, ngưỡng này tăng lên 28 ngày theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần bổ sung quy định, nếu có cổ đông không phải là người Việt Nam, doanh nghiệp phải có thêm thông báo ĐHĐCĐ bằng tiếng Anh. Biên bản
ĐHĐCĐ phải được phê chuẩn và công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc ĐHĐCĐ. Biên bản họp, các nghị quyết cuối cùng đã phê duyệt và tất cả văn bản, tài liệu có liên quan phải được gửi cho tất cả cổ đông bằng đường bưu điện trước 10 ngày kể từ ngày kết thúc ĐHĐCĐ. Đối với doanh nghiệp có cổ đông nước ngoài nắm giữ trên 10% cổ phần đã phát hành, hoặc vốn điều lệ đã đăng ký, thì LDN cần buộc doanh nghiệp phải ban hành tất cả thông báo, biên bản và những văn bản, tài liệu khác cho cổ đông bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định về quyền khởi kiện của cổ đông để cổ đông có cơ chế bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại. Theo quy chế hiện nay, không phải tất cả cổ đông có quyền khởi kiện trực tiếp HĐQT, thành viên HĐQT, công ty mà theo Điều 161 khoản 1 LDN 2014 chỉ có cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có thể khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, GĐ(TGĐ). Điều này hạn chế các cơ chế bảo đảm quyền cổ đông thiểu số và các cổ đông sở hữu cổ phần trong thời hạn chưa đủ 06 tháng. Luật doanh nghiệp nên sửa đổi theo hướng quy định mở rộng hơn quyền trực tiếp khởi kiện cho cổ đông. Quyền khởi kiện trực tiếp là một công cụ hiệu quả của các cổ đông nhỏ trong trường hợp quyền lợi của họ bị xâm hại, khi bối cảnh sở hữu tập trung và tình trạng có các cổ đông kiểm soát trong các CTĐC tại nước ta là khá nhiều.
Thứ năm, hoàn thiện quy định của luật doanh nghiệp về cơ cấu sở hữu cổ phần trong công ty. Nên chăng cần hạn chế tỉ lệ sở hữu cổ phần trong các CTĐC ở một mức nào đó nhằm loại bỏ tình trạng sở hữu tập trung trong các CTĐC, hạn chế tình trạng các cổ đông nắm quyền chi phối công ty, kiểm soát công ty, qua đó xâm hại tới lợi ích của các cổ đông nhỏ trong công ty. Nhiều CTĐC hiện nay được hình thành từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và trong đó nhà nước vẫn giữ quyền chi phối đối với công ty với việc sở
hữu hơn 51% tổng số cổ phần của công ty. Nguy cơ xâm hại tới cổ đông nhỏ là rất lớn, không phân biệt quyền sở hữu và quản lý trong công ty, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường và vi phạm các quy tắc QTCT.
Thứ sáu, hoàn thiện các quy định về ủy quyền tham gia dự họp ĐHĐCĐ. Hiện nay, LDN 2014 quy định đại diện dự họp của cổ đông còn chưa rõ ràng. Không rõ người được ủy quyền có thể là pháp nhân được không. LDN 2014 tại Điều 140 chỉ cho phép một người là đại diện khi tham dự ĐHĐCĐ chứ không cho phép từ hai người là đại diện. Điều này hạn chế việc cổ đông muốn cử nhiều người làm đại diện tham dự họp để tránh trường hợp lạm quyền đại diện.
Thứ bảy, hoàn thiện các quy định về chia lợi nhuận trong doanh nghiệp, mà cụ thể là chia cổ tức trong CTĐC. Nhiều CTĐC không tiến hành chia cổ tức cho cổ đông trong một thời gian dài, gây bức xúc cho các cổ đông khi họ trông chờ vào việc hưởng cổ tức từ công ty. Nên cần có những biện pháp chế tài xử phạt đối với các CTĐC không chịu chia cổ tức cho cổ đông, hoặc tăng cường khả năng khởi kiện trực tiếp cho các cổ đông để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ tám, hoàn thiện các quy định để nâng cao hiệu quản hoạt động của BKS. Hiện nay chưa có quy định bắt buộc thành viên BKS không phải là cổ đông của công ty và không phải là người lao động trong công ty. Điều này có thể dẫn tới sự lệ thuộc của các thành viên BKS vào những người quản lý, HĐQT trong công ty, và do đó làm giảm tính khách quan trong giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý trong công ty của BKS.
Thứ chín, cần hoàn thiện các quy định còn đang bất cập của quy chế QTCT, cụ thể là thay thế Thông tư 121/2012/TTBTC về QTCT đại chúng bằng việc ban hành một văn bản mới phù hợp với LDN 2014 vì căn cứ cũ là LDN 2005 đã hết hiệu lực và sửa đổi lại các quy định của quy chế QTCT cho phù hợp. Chẳng hạn, sửa đổi quy định bắt buộc một phần ba HĐQT trong
công ty niêm yết và CTĐC quy mô lớn phải là thành viên độc lập theo hướng bãi bỏ quy định này, vì quy định này không phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta. Hai là sửa đổi quy định hạn chế thành viên HĐQT không được làm thành viên HĐQT của trên năm công ty theo hướng bãi bỏ bởi vì đây là quy định trái LDN 2014, LCK và gây khó khăn cho các CTĐC trong việc lựa chọn thành viên HĐQT trong bối cảnh thiếu hụt những thành viên HĐQT có trình độ. Ba là, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn của Trưởng BKS cho phù hợp với LDN 2014 như đã phân tích tại chương 2. Bốn là, sửa đổi lại quy định về HĐQT theo cơ cấu đã được quy định tại Điều 134 LDN theo hai mô hình. Liệu rằng nếu theo mô hình cũ thì có cần có sự xuất hiện của thành viên HĐQT độc lập hay không điều hành hay không khi mà đã có BKS đảm nhiệm trách nhiệm giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý trong công ty. Cần sửa đổi lại theo hướng nếu CTĐC theo mô hình cũ thì không cần yêu cầu cơ cấu thành phần HĐQT phải có sự xuất hiện của thành viên không điều hành hoặc thành viên độc lập vì đã có BKS đảm nhiệm vai trò giám sát. Nếu CTĐC tổ chức theo mô hình mới không có BKS, thì cần phải quy định cụ thể cơ cấu của HĐQT phù hợp với quy định của LDN 2014 theo đó ít nhất 20% thành viên HĐQT là thành viên độc lập, và cần phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của thành viên HĐQT độc lập.
Thứ mười, hoàn thiện các quy định về công bố thông tin của CTĐC theo hướng bắt buộc các CTĐC phải công bố thông tin cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này đảm bảo sự bình đẳng giữa các cổ đông, bảo vệ quyền quyền cổ đông, tăng cường tính minh bạch của thị trường. Hiện nay, LDN không bắt buộc các CTĐC phải công bố thông tin bằng tiếng Anh, và do đó rất ít CTĐC công bố thông tin bằng tiếng Anh nếu có cổ đông trong công ty là người nước ngoài. Vì vậy, cũng không đảm bảo được nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các cổ đông. Do đó, cần có áp lực từ bên ngoài mà
cụ thể là quy định của luật để buộc các CTĐC này phải công bố thông tin bằng cả tiếng Anh.