Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển đến giai đoạn mở cửa, tự do hóa rộng rãi. Trong thời đại hiện nay, hầu hết các nước đang cố gắng thích ứng hệ thống pháp luật của mình với tính hợp lý của thị trường thế giới trong xu thế hội nhập. Những sự tương đồng như thế trong hệ thống pháp luật của nước ta sẽ tạo những thuận lợi pháp lý nhất định cho việc hội nhập và hợp tác với các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế.
Trước đòi hỏi của tiến trình hội nhập, các quy định về QTCT một mặt phải phản ánh những điều kiện cụ thể và đáp ứng yêu cầu nội tại của nền kinh tế thị trường Việt Nam, mặt khác cần tiếp thu những giá trị tiến bộ, phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế.
Với yêu cầu thực tiễn hiện nay, trong quá trình nghiên cứu và vận hành luật pháp, các nhà nghiên cứu và các nhà thực tiễn từng bước phải đi đến đánh giá đầy đủ hơn về cách thức hệ thống pháp luật của mỗi nước ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước đó như thế nào, cũng như những yếu tố truyền thống, tập quán khác nhau của mỗi nước đã giải đáp cho những vấn đề vượt ra khỏi biên giới một quốc gia như thế nào. Điều này lại càng được thể hiện một cách rõ rệt và đặt ra nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết ở những nước đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.
Những giá trị cốt lõi của QTCT hiện nay được nhấn mạnh tới đó là: sự công bằng, thông qua các quy định cấm hành vi gian lận, giao dịch ở cấp quản lý hoặc với cổ đông kiểm soát và những hành vi giao dịch nội gián khác; sự giải trình được, thông qua việc xác định rõ vai trò và nhiệm vụ quản lý, điều hành, chủ yếu dựa vào việc giám sát ở cấp quản lý của HĐQT; sự minh bạch, thông qua các quy định bắt buộc công khai thông tin đối với cổ đông [34].