Đặc điểm cơ bản của pháp luật về quản trị công ty đại chúng

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về quản trị công ty đại chúng ở Việt Nam (Trang 25 - 27)

Thứ nhất, phương pháp điều chỉnh đặc trưng của luật tư là phương pháp bình đẳng pháp lý. Đó là sự kết hợp các yếu tố điều chỉnh tác động lên các quan hệ tài sản giữa các thương nhân hoặc những chủ thể khác khi thực hiện các hành vi thương mại. Các thương nhân hoặc các chủ thể khác tham gia các quan hệ thương mại đều là những thực thể độc lập bình đẳng với nhau về tổ chức và tài sản, không có quan hệ phụ thuộc trên dưới. Chính yếu tố này làm cho các chủ thể phải thỏa thuận với nhau để cùng có lợi.

Thứ hai, các quy tắc của luật thương mại chủ yếu là các quy tắc giải thích có mục đính giải thích cho ý chí của các đương sự. Những quy tắc này

thường được tìm thấy trong chế định hợp đồng. Mà theo quan niệm hiện nay bản chất pháp lý của công ty là hợp đồng hay là hành vi pháp lý. Nếu các bên trong quan hệ hợp đồng không làm rõ quyền và nghĩa vụ của mình hoặc ấn định quyền và nghĩa vụ trong đó bị vô hiệu thì người ta có thể căn cứ vào luật để xác định. Chẳng hạn trong điều lệ công ty quy định không rõ hoặc không quy định thì có thể áp dụng các quy định của luật để giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó các quy tắc ấn định và các quy tắc cưỡng chế cũng xuất hiện trong luật thương mại. Quy tắc ấn định được áp dụng trong trường hợp các đương sự không ấn định rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Các quy tắc cưỡng chế xuất hiện khi nhà nước can thiệp vào các quan hệ tư để bảo vệ trật tự công cộng, đạo đức xã hội, nguyên tắc thiện chí, trung thực hoặc quyền lợi của người thứ ba.

Tuy nhiên, quy tắc ấn định và quy tắc cưỡng chế xuất hiện thường xuyên hơn trong pháp luật về quản trị CTĐC. Để bảo vệ người thứ ba, nguyên tắc tự do ý chí - nền tảng của luật tư, có thể bị hạn chế trong những trường hợp nhất định. Pháp luật quy định chặt chẽ về quản trị CTĐC, và đặc biệt chặt chẽ hơn đối với các CTĐC niêm yết, có nghĩa là nhiều khi pháp luật ấn định thay cho ý chí của các cổ đông.

Thứ ba, trong luật thương mại các bên có quyền tự do lựa chọn và định đoạt nội dung, cách thức giải quyết các tranh chấp phát sinh. Các bên có thể tự lựa chọn trọng tài hay tòa án giải quyết tranh chấp hoặc tự giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải. Nhà nước chỉ đóng vai trò trọng tài khi có yêu cầu. Pháp luật về quản trị CTĐC cũng như vậy. Các tranh chấp phát sinh trong quá trình quản trị công ty cũng được giải quyết tùy thuộc vào lựa chọn của các bên tranh chấp.

Bên cạnh đó, pháp luật về quản trị CTĐC cũng có đặc điểm riêng. Đó là pháp luật thường đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn trong việc quản trị CTĐC.

Chẳng hạn Thông tư số 121/2012/TT-BTC theo khuynh hướng các nguyên tắc của OECD. Đặc biệt Thông tư này đòi hỏi các CTĐC phải tham chiếu điều lệ mẫu do Thông tư này đưa ra để xây dựng Điều lệ của công ty. Thực chất tự do ý chí của các cổ đông bị thủ tiêu. Đây điểm đặc thù của pháp luật về quản trị CTĐC so với các loại hình công ty khác. Hệ quả là các quy định của pháp luật về quản trị CTĐC chia làm 3 loại [34]:

Thứ nhất, các quy định mang tính pháp lý: là những quy định bắt buộc phải thực hiện. Những quy định này có thể dễ dàng được nhận ra bằng những cụm từ như “phải”, “có trách nhiệm”, “không được”…

Thứ hai, các quy định về việc tuân thủ hoặc giải trình: là những quy định cần phải được tuân thủ. Các công ty phải công bố và giải trình tất cả sự khác biệt so với các quy định này. Các quy định về việc tuân thủ hoặc giải thích cho phép các công ty điều chỉnh một số quy định nào đó chỉ khi sự điều chỉnh ấy là hợp lý. Các quy định này được đánh dấu bằng việc sử dụng từ “cần”.

Thứ ba, các quy định đưa ra những đề xuất. Việc không tuân thủ những quy định này không cần phải công bố hoặc giải thích. Các quy định này sử dụng những cụm từ như “nên”, hoặc “ có thể”.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về quản trị công ty đại chúng ở Việt Nam (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)