Theo Điều 32 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các vụ TCLĐ cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các TCLĐ sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ; Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ; Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với NSDLĐ; Tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối chiếu với BLTTDS năm 2004, chúng ta thấy quy định về TCLĐcá nhân bồi thường thiệt hại chỉ giữa NLĐ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì quy định tại BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định rộng hơn theo hướng những tranh chấp cá nhân liên quan đến bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở. BLTTDS năm 2015 đã tiếp thu những thành tựu của BLTTDS sửa đổi bổ sung năm 2011 và tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn các tranh chấp liên quan đến bảo hiểm mà không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở. Theo đó, quy định về các TCLĐ cá nhân được giải quyết tại Tòa án nhân dân không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở đã nhất quán với quy định tại Khoản 1, Điều 201 của BLLĐ năm 2012. Quy định này nhằm bảo vệ kịp thời lợi ích của bên chủ thể đang bị xâm phạm nghiêm trọng hoặc nhằm sớm giải quyết dứt điểm các tranh chấp mà không nhằm tiếp tục duy trì quan hệ lao động.
Nhìn chung, có thể thấy BLTTDS năm 2015 đã quy định lại TCLĐ cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ một cách cụ thể, rõ ràng và đầy đủ hơn so với BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm – một lĩnh vực nhạy cảm trong các tranh chấp hiện nay. Điều đó giúp cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp giữa các bên tranh chấp cũng như việc giải quyết các TCLĐ cá nhân được hiệu quả, khả thi hơn.
Như vậy, điểm đặc biệt của các TCLĐ cá nhân được giải quyết ở Toà án là nhìn chung chúng được giải quyết theo thủ tục tiền tố tụng, nếu không có kết quả thì mới được Toà án giải quyết theo quy định của BLTTDS (trừ một số TCLĐ cá nhân nêu trên). Chúng tôi cho rằng, những quy định này của pháp luật là phù hợp với bản chất của quan hệ lao động và mục đích của việc giải quyết TCLĐ, đồng thời, giảm nhẹ gánh nặng cho Toà án.