Thẩm quyền giải quyết TCLĐ cá nhân của Tòa án theo cấp đã được quy định cụ thể tại BLTTDS. Tùy thuộc vào tính chất phức tạp của vụ tranh chấp cũng như năng lực xét xử của các cấp Tòa án mà pháp luật quy định TCLĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp nào.
Ở Việt Nam, hệ thống Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Việc phân định thẩm quyền chủ yếu dựa vào tính chất các loại việc tranh chấp.
Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Điều 35 và Điều 37 của BLTTDS năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết các TCLĐ cá nhân của Tòa án được quy định cụ thể như sau:
Theo Điều 33 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những TCLĐ cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 31 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 trừ những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài.
Kế thừa những quy định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, Điều 35 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo trình tự
sơ thẩm các tranh chấp về lao động cá nhân, trừ những vụ việc pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy định tại Điều 34 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm các TCLĐ mà pháp luật có quy định; những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài. Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những TCLĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện để giải quyết những trường hợp việc vận dụng pháp luật, chính sách có nhiều khó khăn, phức tạp; việc điều tra thu thập chứng cứ khó khăn hoặc phải giám định kỹ thuật phức tạp…Trên cơ sở của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, Điều 37 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm các TCLĐ về những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên giải quyết và những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp.
Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền phúc thẩm các bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm; Giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.Trong quá trình cải cách tư pháp nói chung cũng như cải cách cơ cấu tổ chức, vận hành của hệ thống Toà án nói riêng, Luật Tổ chức TAND năm 2014 được ban hành đã có những sự thay đổi nhất định liên quan đến thẩm quyết giải quyết TCLĐ tại Toà án. Theo Điều 29 Luật Tổ chức TAND năm 2014 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Bên cạnh đó, Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng quy định thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong việc giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.
Nhìn chung, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án theo cấp theo quy định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 và BLTTDS năm 2015 về cơ bản là giống nhau. Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ được xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và không được xét xử những vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài còn Tòa án nhân dân cấp tỉnh ngoài các vụ án thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật còn được lấy các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện lấy lên giải quyết cũng như những vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài.
Như vậy, thẩm quyền của Tòa án theo cấp trong việc giải quyết các TCLĐ cá nhân đã được BLLĐ năm 2012 và BLTTDS năm 2015 quy định một cách cụ thể, rõ ràng góp phần hạn chế việc xét xử chồng chéo, trái thẩm quyền đối với các TCLĐ cá nhân và nâng cao hiệu quả của công tác xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.