Để quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN, cần thiết phải phân loại nguồn vốn này. Có nhiều cách phân loại phụ thuộc vào yêu cầu, mục tiêu quản lý của từng loại nguồn vốn khác nhau. Cụ thể một số cách phân loại như sau:
Theo tính chất công việc của hoạt động XDCB: vốn được phân thành chi phí xây lắp (nay gọi là xây dựng), chi phí thiết bị và chi khác. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị chiếm tỷ trọng chủ yếu.
Căn cứ vào nguồn hình thành, tính chất vốn và mục tiêu đầu tư, người ta phân chia thành các nhóm chủ yếu sau:
Một là, nhóm vốn đầu tư XDCB tập trung của NSNN. Nhóm này lại bao gồm: vốn XDCB tập trung, vốn sự nghiệp có tích chất đầu tư xây dựng, vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu, vốn ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB.
- Vốn XDCB tập trung: là loại vốn lớn nhất về cả quy mô và tỷ trọng. Việc thiết lập cơ chế chính sách quản lý vốn đầu tư XDCB chủ yếu hình thành từ loại vốn này và sử dụng một cách rộng rãi cho nhiều loại vốn khác.
- Vốn sự nghiệp có tích chất đầu tư xây dựng: Hàng năm ngân sách có bố trí vốn để phát triển một số sự nghiệp như giao
thông, địa chất, đường sắt,.. nhưng việc sử dụng vốn này lại bố trí cho một số công trình xây dựng hoặc sửa chữa công trình nên được áp dụng cơ chế quản lý như vốn đầu tư XDCB.
- Vốn cho các chương trình mục tiêu: Hiện có 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
- Vốn ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB: loại vốn này thuộc ngân sách cấp xã với quy mô không lớn, đầu tư chủ yếu cho các công trình ở xã. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn vốn này cũng áp dụng cơ chế quản lý vốn như đối với các loại vốn XDCB tập trung khác, tuy nhiên có một số chi tiết linh hoạt và đơn giản hơn.
Hai là, nhóm vốn đầu tư XDCB từ NSNN dành cho chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình đầu tư cho xã nghèo đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); Chương trình 134 đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 5 triệu ha rừng (Chương trình 661)...
Ba là, nhóm vốn vay, bao gồm vay trong nước và vay nước ngoài. Nguồn vay vốn vay trong nước chủ yếu là trái phiếu chính phủ (vay trong nước của nhân dân để đầu tư vào giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế). Nguồn vốn vay ngoài nước chủ yếu là vay các tổ chức tài chính, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và một số nguồn vay khác.
Bốn là, nhóm vốn đầu tư theo cơ chế đặc biệt như đầu tư cho các công trình an ninh quốc phòng, công trình khẩn cấp (chống bão lũ), công trình tạm.
1.3. Những vấn đề chung về pháp luật về chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản