Chăm sóc và dinh dưỡng cho người có H

Một phần của tài liệu Giáo trình Công tác xã hội với người có và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (Nghề Công tác xã hội) (Trang 30 - 32)

2.1.1. Một số nguyên tắc chăm sóc

Ðể phòng lây nhiễm bệnh khi sống chung với người nhiễm HIV, cần tuân thủ một số nguyên tắc đơn giản sau:

Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi thay chiếu, chăn, quần áo bẩn hoặc sau khi tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể người bệnh.

Băng kín các vết thương xuất tiết.

Nếu người bệnh bị chảy máu, cần nhanh chóng rửa sạch bằng các chất liệu tiệt trùng như nước javel, trong khi lau rửa vết máu cần phải mang găng tay (có thể là găng tay dùng trong sinh hoạt hàng ngày), nếu không có găng tay phải dùng giấy hoặc ni lông. Luôn nhớ sau đó phải rửa tay sạch bằng xà phòng.

Mang găng hoặc lót bằng giấy, túi ni lông khi mang các đồ bẩn. Giữ giường, chiếu, quần áo luôn sạch sẽ.

Khi giặt quần áo hoặc ga giường có dính máu hoặc các dịch tiết khác của cơ thể cần chú ý:

Ngâm bằng nước javel trong thời gian 20 phút rồi đi găng để giặt. Giặt riêng rẽ với các quần áo của người khác trong gia đình.

Không dùng chung các vật đâm qua da, không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm răng và tất cả các vật sắc nhọn có thể gây chảy máu. 2.1.2. Về dinh dưỡng cho người có HIV

Ở người nhiễmHIV, do nhiều nguyên nhân sẽ phát sinh một số triệu chứng liên quan đến ăn uống và dinh dưỡng, gồm: giảm khẩu vị gây biếng ăn, khô miệng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói thường xuyên, nhiễm nấm miệng do candidas, thiếu máu…

Hạn chế uống trà, cà phê để hấp thu chất sắt tốt hơn.

Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp người nhiễm HIV khắc phục các triệu chứng liên quan đến dinh dưỡng khi mắc phải:

Tiêu chảy: trong giai đoạn tiêu chảy nên hạn chế sữa và chế phẩm từ sữa; hạn chế rượu, cà phê, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, bơ, thức ăn đồ uống sinh nhiều hơi (ví dụ nước đóng chai có gas hay một số rau quả như bắp cải, củ hành…).

Buồn nôn, thường xuyên nôn ói: nên hạn chế thực phẩm cay hay nhiều dầu mỡ, cà phê và rượu bia, thức ăn ngọt, tránh để bụng đói hoàn toàn vì sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn nếu bụng trống. Chỉ nên nằm sau bữa ăn 20 phút.

Giảm khẩu vị, biếng ăn: nếu có thì tránh thức ăn nặng mùi.

Nhiễm nấm miệng:tránh thực phẩm nhiều đường, muối hay thức ăn có độ dính cao, thức ăn uống chua và rượu bia vì có thể làm nấm phát triển mạnh thêm.

Thiếu máu:hạn chế uống thức uống có trà, cà phê, sữa hay coca cùng bữa ăn vì sẽ ức chế hấp thu chất sắt. Nên uống bổ sung chất sắt và folate theo chỉ định của bác sĩ.

Sốt: sử dụng thức ăn lỏng nhiều nước, uống nhiều nước.

Một số lưu ý đặc biệt

Xét về nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng, người nhiễm HIV sẽ có nhu cầu cao hơn bình thường. Nếu không đáp ứng đủ, người bệnh có thể sụt cân và suy dinh dưỡng, teo cơ; khi vào giai đoạn 3 của bệnh, người bệnh có thể sụt hơn 10% cân nặng trước đó. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao năng lượng và vitamin khoáng chất, người bệnh cần ăn đa dạng, đủ chất và thêm 1-2 bữa phụ trong ngày.

Các vitamin, khoáng chất cần thiết và tốt cho hệ miễn dịch: vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E, kẽm, selenium. Có thể đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất qua chế độ ăn hoặc bổ sung bằng thuốc.

Người nhiễm HIV vì suy yếu hệ miễn dịch rất dễ bị nhiễm trùng nên cần cẩn thận hơn về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, như đảm bảo ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng rau, thịt cá sống, ăn trái cây nên gọt vỏ, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn thức ăn sau khi nấu, nếu còn thừa nên bảo quản lạnh – tránh bảo quản ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ.

Một phần của tài liệu Giáo trình Công tác xã hội với người có và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (Nghề Công tác xã hội) (Trang 30 - 32)