Sự phân bố tiêu dùng thuốc có sự chênh lệch lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển. Năm 1976 các nước phát triển chỉ chiếm 27% dân số thế giới
nhưng sử dụng đến 76% sản lượng thuốc trên thế giới, trong khi các nước đang phát triển chiếm 73% dân số chỉ được hưởng thụ 24% sản lượng thuốc. Mười năm sau, dân số các nước phát triển chiếm 25% nhưng sử dụng đến 79% sản lượng thuốc thế giới [48]. Mức tiêu thụ thuốc trên đầu người của các nước châu Âu và Bắc Mỹ hàng năm là 300 USD trong khi đó ở các nước đang phát triển là 5-10 USD, nhưng ở một số vùng thuộc châu Phi chỉ đạt 1 USD [125]. Do khó khăn về ngân sách và hạ tầng cơ sở kém phát triển, ở các nước đang phát triển người dân khó có điều kiện để có thuốc khi cần. Một số nước phải tư nhân hoá từng bộ phận dịch vụ y tế, trong đó có việc cung ứng dược phẩm đã ảnh hưởng đến mục tiêu cốt yếu của y tế công là đảm bảo cho các tầng lớp dân cư nghèo và khó khăn nhất có thuốc và dịch vụ y tế khi cần với giá cả người dân có thể chấp nhận được. Tại các nước đang phát triển, cho đến năm 2009, khả năng sẵn có thuốc vẫn rất thấp, chỉ 42% trong khu vực công và 64% ở khu vực tư nhân (trong nước có thông tin) thực hiện được mục tiêu này. Phần lớn người dân ở các nước đang phát triển không có khả năng chi trả cho thuốc thiết yếu. Chi phí hàng tháng cho thuốc để điều trị các bệnh mãn tính thông thường tương đương với vài ngày lương thấp nhất trả cho nhân viên Chính phủ, các biệt dược mới lại càng không có khả năng chi trả [47], [116].
Ở các nước phát triển, việc quản lý kê đơn, mua bán thuốc, quảng cáo thuốc, kiểm soát chất lượng thuốc... đã được giải quyết tốt, song vẫn có tình trạng dùng thuốc quá mức, xu hướng kê đơn có nhiều loại thuốc đang có xu hướng gia tăng.
Ngược lại, trong khi các nước nghèo được khuyến cáo nên loại ra khỏi thị trường của mình những thuốc thuộc loại không cần thiết thì nhiều loại thuốc không được phép lưu hành ở các nước phát triển, nhưng vẫn được đăng ký và được sử dụng ở những nước nghèo [48]. Thị trường dược phẩm thế giới với những biệt dược phong phú do nhiều nước sản xuất và xuất khẩu đang ngày càng trở nên phức tạp. Sự tràn ngập các loại thuốc biệt dược vào các nước đang
phát triển còn là trở ngại lớn cho việc kiểm soát chất lượng, gây nhiều khó khăn để ngăn chặn được thuốc kém phẩm chất, thậm chí thuốc giả…. Sự có mặt của thuốc giả và thuốc kém chất lượng trong thương trường đe doạ phá vỡ lòng tin trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, không những không có hiệu quả, các thuốc giả còn đe doạ tới tính mạng con người. Theo nhận định của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới thì “thầy thuốc ngày nay kê đơn các kháng sinh đắt tiền một cách không đúng có thể gây hậu quả cho người bệnh (nhiễm nấm do dùng quá nhiều Cephalosporin....)” [82], [94]. Đáng tiếc hơn nữa, ở các nước đang phát triển chính thầy thuốc lại thường bán thuốc sau khi khám bệnh. Điều này một phần do truyền thống các thầy thuốc theo y học cổ truyền phải bốc thuốc sau khi khám bệnh tạo tâm lý thói quen cho người dân là đến thầy thuốc là phải có thuốc; một phần do cơ chế và sự quản lý ở các nước đang phát triển còn lỏng lẻo. Từ đó, có thể dẫn tới việc kê đơn có quá nhiều loại thuốc và thích dùng thuốc tiêm hơn, vì như vậy thu nhập của thầy thuốc sẽ cao hơn [129], [130].
Tại một số nước, Văn phòng giao dịch chịu trách nhiệm quản lý công tác và sự tuân thủ quy định trong hợp đồng của các công ty và cơ sở cung cấp thuốc. Văn phòng giao dịch luôn phải chủ động giữ hồ sơ về thời gian nhận thông tin, vận chuyển thuốc, tuân thủ hợp đồng về giá, quy định sử dụng và đóng gói sản phẩm thuốc. Trong hệ thống phân quyền mua sắm thuốc, các quan chức Trung ương khó có thể quản lý được các hoạt động mua bán của chính quyền địa phương. Vấn đề phát sinh có thể bao gồm giá bán cao, dịch vụ và chất lượng thuốc kém, lựa chọn nhà cung cấp và sản phẩm không sáng suốt, phương thức thanh toán kém hiệu quả. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân. Do đó, quản lý chính quyền địa phương và công tác mua bán của các cơ sở cung cấp thuốc trở nên vô cùng quan trọng. Các nhà cung cấp có nhập sản phẩm theo đúng lịch trình, đúng số lượng, có đang thanh toán theo đúng quy định trong hợp đồng? Số sản phẩm nhập về có khớp với nhu cầu tiêu dùng? [131]. Ở một số quốc gia, chính phủ kết luận rằng việc tập trung
quyền lực tại Trung ương trong hệ thống mua sắm thuốc là phương pháp hiệu quả nhất để đạt được chất lượng cần thiết trong việc mua bán và cung cấp thuốc [87], [88].
Duy trì một chương trình chủ động để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi mua sắm và sau khi phân phối là rất quan trọng. Báo cáo về vấn đề từ người kê đơn, phân phát, người tiêu dùng, và nhà quản lý mua bán phải được lưu lại trong hồ sơ về sản phẩm và nhà cung cấp, và phải được xem xét như một phần của quá trình quản lý và đánh giá các nhà cung cấp, và các nhà cung cấp cần được thông báo về những vấn đề liên quan đến chất lượng của sản phẩm mà họ phân phát. Khi đi đến quá trình giám định/thử nghiệm, không nhất thiết phải thử nghiệm mọi loại thuốc từ tất cả các nhà cung cấp, nhưng những sản phẩm đã được báo cáo là trong diện nghi vấn luôn cần được kiểm tra. Việc giám định/thử nghiệm nên được thực hiện thường xuyên trên những mẫu thuốc được chọn lựa ngẫu nhiên và những loại thuốc nhập về từ các nhà cung cấp thuộc diện nghi vấn hoặc không đủ tên tuổi [55], [127].