Nội dung của pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mạ

Một phần của tài liệu 8.-Luận-án-Pháp-luật-cạnh-tranh-trong-hoạt-động-nhượng-quyền-thương-mại-ở-Việt-Nam (Trang 69 - 75)

điều chỉnh của pháp luật hành chính. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà các hình thức xử phạt chính có thể được áp dụng độc lập hoặc kết hợp với các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả khác. Cụ thể, các hình thức chế tài được áp dụng để xử lý hành vi bao gồm: các hình thức xử phạt chính (Cảnh cáo, phạt tiền) ; các hình thức xử phạt bổ sung (Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề ; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh) và các biện pháp khắc phục hậu quả (Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; Chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; Cải chính công khai; Loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2.3.2. Nội dung của pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại nhượng quyền thương mại

Xuất phát từ những yêu cầu mang tính khách quan, nhượng quyền thương mại thường dẫn tới một cơ chế không cạnh tranh trong nội bộ, nghĩa là, thông qua các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các bên, yếu tố cạnh tranh dường như không còn tồn tại hoặc có khả năng bị triệt tiêu trong quan hệ nhượng quyền. Các hành vi này về nguyên tắc, đã tạo ra một cơ chế hạn chế cạnh tranh, đi ngược lại với quy luật chung của nền kinh tế. Dưới bình diện của Luật Cạnh tranh, những hành vi gây hậu quả “triệt tiêu”

cạnh tranh nói trên cần bị kiểm soát để đảm bảo thị trường vận hành đúng quy luật.

Nội dung pháp luật hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại được thể hiện ở hệ thống các quy định nhằm kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh tồn tại dưới các hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trên thị trường của các bên trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Xuất phát từ bản chất, phạm vi khởi phát của hành vi trong phạm vi hệ thống nhượng quyền, cũng như giới hạn nghiên cứu của Luận án, pháp luật hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại bao gồm hệ thống các quy phạm điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại và thường tập trung điều chỉnh các nhóm hành vi chủ yếu sau đây:

2.3.2.1. Các quy định điều chỉnh hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh Thoả thuận hạn chế cạnh tranh (Cartel) là hành vi thống nhất hành

động của một số chủ thể kinh doanh mà nội dung của những thoả thuận này nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép của cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hành động một cách độc lập giữa các đối thủ cạnh tranh, qua đó, xác lập, duy trì hoặc tiếp tục nâng cao hơn nữa vị thế của các thành viên của thoả thuận, đồng thời hạn chế cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh khác. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể là một thỏa thuận chính thức hoặc không chính thức để đạt được kết quả có lợi cho các hãng có liên quan, nhưng có thể có hại cho các bên khác [9, tr.47]. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể là thoả thuận theo chiều ngang giữa các chủ thể nằm ở cùng một cấp độ trong chu trình sản xuất hoặc phân phối (các nhà sản xuất với nhau hoặc các nhà phân phối với nhau) hoặc là thoả thuận theo chiều dọc giữa các chủ thể nằm ở vị trí khác nhau trong một chu trình sản xuất hoặc lưu thông (thoả thuận giữa nhà sản xuất và người phân phối). Dưới góc độ kinh tế, thoả thuận hạn chế cạnh tranh được hình thành tự nhiên giữa các chủ thể

kinh doanh trong một môi trường kinh doanh có cạnh tranh. Nền kinh tế thị trường với đầy đủ những điều kiện để các thoả thuận hạn chế cạnh tranh ra đời và phát triển. Ở một chừng mực nhất định, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ giúp các thương nhân nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, các thương nhân nhỏ trước sức ép cạnh tranh từ các thương nhân khác thường quy hợp lại với nhau thông qua các thỏa thuận nhằm giảm bớt cạnh tranh giữa các bên để “đối mặt” với cạnh tranh từ các thương nhân có vị thế lớn trên thị trường. Ở góc độ của các thương nhân vốn dĩ đã có thế mạnh trên thị trường, họ lại có nhu cầu duy trì quyền lực thị trường bằng cách hạn chế cơ hội cạnh tranh của các chủ thể khác, họ cũng có nhu cầu kết hợp với nhau thông qua các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh để loại trừ cạnh tranh trên thị trường, từ đó giá cả sẽ tăng cao, chất lượng sản phẩm sẽ không còn động lực để phát triển, trong khi các chủ thể trong thỏa thuận vẫn thu được lợi nhuận không phải từ nỗ lực cạnh tranh của mình. Ở trường hợp này, lợi ích do thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ không còn tồn tại nữa.

Dưới góc độ pháp luật, thoả thuận hạn chế cạnh tranh được hiểu là một dạng quan hệ pháp lý đặc biệt cần được điều chỉnh. Theo đó, pháp luật sẽ quy định cách thức nhận diện các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, xác định ranh giới mà tại đó, các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị ngăn cấm. Điều đó có nghĩa là, không phải mọi thoả thuận hạn chế cạnh tranh đều bị coi là bất hợp pháp, ở một chừng mực nhất định vẫn có những thoả thuận hạn chế cạnh tranh được cho phép, nếu thỏa thuận đó có tác động tích cực đến cạnh tranh hoặc thực hiện một chính sách trong một giai đoạn nhất định của nhà nước.

Luật mẫu về cạnh tranh của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) đưa ra những thoả thuận bị coi là thoả thuận hạn chế cạnh tranh sau đây: thoả thuận định giá hay các điều kiện bán hàng khác,

kể cả trong thương mại quốc tế; đấu thầu thông đồng; phân chia thị trường hay khách hàng; hạn chế sản xuất, hạn chế lượng bán, kể cả việc dùng hạn ngạch; từ chối mua hàng có thông đồng; từ chối cung cấp hàng có thông đồng; từ chối tập thể việc cho phép tham gia vào một số thoả thuận[37].

Luật Cạnh tranh của Việt Nam được Quốc hội khoá 10, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 9/11/2004 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2005 quy định khá chi tiết về thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Theo Luật này, thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: (i) thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp; (ii) thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá và dịch vụ; (iii) thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; (iv) thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

(v) thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các

nghĩa vụ không liên quan một cách trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; (vi) thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; (vii) thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận; (viii)

thông đồng để một bên hoặc các bên thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ.

Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường bao gồm: (i) Thỏa thuận về giá bán hàng hóa, dịch vụ;

(ii) Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Chính vì vậy, các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại sẽ bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi nói trên.

2.3.2.2. Các quy định điều chỉnh các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường là hành vi của một hoặc một số chủ thể kinh doanh nắm trong tay quyền lực thị trường trên một thị trường liên quan nhất định. Dưới góc độ kinh tế, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường tồn tại một cách khách quan. Với mong muốn duy trì và củng cố quyền lực thị trường mà mình đã dày công vun đắp, các thương nhân thường sử dụng lợi thế có sẵn để làm gia tăng lợi nhuận và ở mức độ nhất định, việc khai thác lợi thế này của các thương nhân nắm quyền lực thị trường còn có tác dụng thúc đẩy cạnh tranh phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng quyền lực thị trường này phải dừng lại ở giới hạn hợp lý. Nếu vượt qua giới hạn này, hành vi của các thương nhân nói trên sẽ trở thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cạnh tranh.

Với bản chất như vậy, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường là hành vi của bên có vị thế mạnh trên thị trường có ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh, vì vậy cần phải có sự điều tiết của Nhà nước thông qua pháp luật. Hiện nay, quy định về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam được điều tiết theo hướng cấm lạm dụng vị thế thị trường trong các trường hợp sau: (1) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; (2) áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; (3) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng; (4) áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh; (5) áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa

vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; (6) Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới.

Như vậy, Luật Cạnh tranh Việt Nam không đưa ra khái niệm chung về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh mà liệt kê những hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường bị cấm. Cách tiếp cận này cũng tương tự Luật Cạnh tranh của Canada, tuy nhiên, bên cạnh việc liệt kê các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh được coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh tại Điều 78, Luật Cạnh tranh Canada còn cho phép cơ quan có thẩm quyền (Tòa Cạnh tranh) xử lý những hành vi chưa được pháp luật liệt kê nhưng thỏa mãn ba (03) dấu hiệu cấu thành pháp lý của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh: (i) Một hoặc nhiều doanh nghiệp về cơ bản hoặc hoàn toàn kiểm soát một loại hình, một phân đoạn kinh doanh, trên toàn lãnh thổ Canada hay tại bất kỳ khu vực nào của lãnh thổ; (ii) Đã hoặc đang thực hiện hành vi phản cạnh tranh được quy định trong Luật Cạnh tranh; (iii) Hành vi đó đã, đang hoặc có thể làm cản trở, làm giảm cạnh tranh trên thị trường một cách đáng kể [1].

Qua nghiên cứu bản chất của hành vi, có thể khẳng định, trong quan hệ nhượng quyền thương mại, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường thường chủ yếu tồn tại dưới các hình thức như: (i) Hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; (ii) Hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý đối với bên nhận quyền; (iii) Hành vi buộc bên nhận quyền chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Chính vì vậy, pháp luật điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường bao gồm hệ thống các quy định kiểm soát các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên.

Một phần của tài liệu 8.-Luận-án-Pháp-luật-cạnh-tranh-trong-hoạt-động-nhượng-quyền-thương-mại-ở-Việt-Nam (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w