gây thiệt hại cho khách hàng
Hành vi ấn định giá bán lại hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng là hành vi của bên nhượng quyền, theo đó, bên nhượng quyền đưa ra một mức giá bán lại tối thiểu buộc bên nhận quyền phải tuân theo khi bán lại sản phẩm trên thị trường. Hành vi này thường xảy ra trong quan hệ nhượng quyền phân phối, nghĩa là, bên nhận quyền mua hàng hóa của bên nhượng quyền để bán lại cho khách hàng. Đối tượng tác động trực tiếp của hành vi chính là giá bán hàng hóa của bên nhận quyền cho khách hàng. Khác với hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý (mức giá bị tác động là giá bán hàng hóa của bên nhượng quyền cho bên nhận quyền), hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu lại tác động trực tiếp lên giá bán hàng hóa của bên nhận quyền cho khách hàng, khi hàng hóa đó được mua từ bên nhượng quyền để bán lại. Khi thực hiện hành vi này, bên nhượng quyền thường hướng tới mục đích nhằm hạn chế cạnh tranh trong hệ thống nhượng quyền cũng như hạn chế khả năng cạnh tranh của bên
nhận quyền đối với bên nhượng quyền, bởi lẽ trong trường hợp này cả hai bên đều bán các sản phẩm cùng loại, cũng có thể bên nhượng quyền hướng tới bảo vệ uy tín và đẳng cấp của sản phẩm trong “con mắt” người tiêu dùng.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 9 năm 2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh (sau đây gọi tắt là Nghị định 116/2005/NĐ-CP), hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng là việc khống chế không cho phép các nhà phân phối, các nhà bán lẻ bán lại hàng hóa thấp hơn mức giá đã quy định trước. Hành vi này bị kiểm soát vì gây thiệt hại cho khách hàng trong điều kiện khách hàng ít có khả năng lựa chọn một nhà cung cấp khác thay thế do bên áp đặt giá bán lại tối thiểu là bên có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường.
Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, bên ấn định giá bán lại tối thiểu chính là bên nhượng quyền. Lý do chính yếu của sự tồn tại hành vi ấn định giá bán lại trong quan hệ nhượng quyền thương mại chính là nhằm hướng tới loại bỏ cạnh tranh về giá trong hệ thống nhượng quyền, thông qua đó, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của toàn bộ hệ thống nhượng quyền. Bởi lẽ, đặc trưng của hệ thống nhượng quyền chính là tính đồng bộ, sự đồng bộ này phải được đảm bảo từ mọi khía cạnh như cung cách phục vụ, chất lượng sản phẩm cho đến giá cả sản phẩm... Nếu bên nhận quyền không tuân thủ, chẳng hạn, giảm giá sản phẩm để thu hút khách hàng, điều này sẽ tạo ra sự không đồng nhất về giá cả trong hệ thống, tạo ra sự cạnh tranh trong nội bộ hệ thống, thậm chí có thể làm cho danh tiếng của sản phẩm trong lòng người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Khi đó, tính đồng bộ trong hệ thống có khả năng bị phá vỡ và có nguy cơ làm sụp đổ cả hệ thống nhượng quyền. Điều này được thể hiện rất rõ trong các hệ thống nhượng quyền đồng giá (chẳng hạn Tập đoàn Siêu thị đồng giá số 1 tại Nhật Bản
được thành lập tại Nhật Bản từ năm 1972, đã sử dụng phương thức nhượng quyền thương mại để vào thị trường Việt Nam. Theo đó, năm 2008, Công ty CP Đầu Tư Thương Mại Đại Sơn được Tập đoàn DAISO-JAPAN nhượng quyền, vận hành và phát triển 1 chuỗi Siêu thị đồng giá theo phong cách Nhật Bản 100% tại Việt Nam, gồm: (1) Siêu thị Đồng giá Daiso tại Siêu Thị Miễn Thuế FUSO, K21-22 khu TM Hiệp Thành, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh; (2) Siêu thị Đồng giá Daiso tại Trung Tâm Thương Mại Intimex, số 31 Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Mê Thuột, Daklak;
(3) Siêu thị Đồng giá Daiso tại D2 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; (4) Siêu thị Đồng giá Daiso tại Tầng trệt ST BigC, Khu Sân Bay Cát Bi, thành phố Hải Phòng; (5) Siêu thị Đồng giá Daiso tại Tầng 1, 2 và 3 TTTM DAISO JAPAN số 37 Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; (6) Siêu thị Đồng giá Daiso tại Tầng trệt tòa nhà DAISO JAPAN số 573 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, TPHCM. Toàn bộ hệ thống Siêu thị đồng giá Daiso Nhật Bản bán sản phẩm đồng giá 39.500đ) [38]. Trong trường hợp này, bản thân tên thương mại của hệ thống nhượng quyền đã ghi rõ sự thống nhất về giá sản phẩm, nghĩa là, giá sản phẩm là một trong những yếu tố đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền Siêu thị đồng giá Daiso, và vì vậy, các bên trong hệ thống buộc phải áp dụng một mức giá thống nhất. Có thể nói, hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu trước hết giúp cho bên nhượng quyền có khả năng kiểm soát về giá sản phẩm trong hệ thống, thông qua đó, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền; sau đó là giúp bên nhượng quyền kiểm soát được hành vi cạnh tranh của chính bên nhận quyền trong hệ thống.
Dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, hành vi của bên nhượng quyền trong việc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng sẽ tác động trực tiếp đến quyền tự do xác định giá bán của bên nhận quyền. Bên cạnh đó, hành vi này sẽ gián tiếp làm mất đi cơ hội được lựa chọn và sử
dụng hàng hóa/dịch vụ với mức giá hợp lý của người tiêu dùng. Hậu quả là, hạn chế khả năng cạnh tranh về giá của bên nhận quyền đối với bên nhượng quyền và sự cạnh tranh giữa các bên nhận quyền với nhau trong cùng hệ thống nhượng quyền và xa hơn nữa là hạn chế khả năng cạnh tranh của các hệ thống nhượng quyền.
Chẳng hạn, trong hệ thống nhượng quyền bán lẻ mỹ phẩm và sản phẩm trang điểm The Body Shop, nếu bên nhượng quyền ấn định giá bán lại tối thiểu một chai sữa tắm Olive Bath & Shower Gel là 509.000đ thì việc cạnh tranh về giá của bên nhận quyền đối với bên nhượng quyền nói riêng và giữa bên nhận quyền với các thành viên còn lại trong hệ thống nhượng quyền của The Body Shop nói chung hầu như bị triệt tiêu. Hậu quả của hành vi này sẽ “ấn tượng” hơn, nếu sự ấn định về giá bán tối thiểu được áp dụng chung trong toàn bộ hệ thống nhượng quyền, khi đó, ngoài việc các bên nhận quyền trong hệ thống bị hạn chế cạnh tranh về giá với nhau thì bản thân các bên nhận quyền cũng mất quyền tự do cạnh tranh về giá với các đối thủ cạnh tranh khác ngoài hệ thống, bởi lẽ, họ không được giảm giá bán lại sản phẩm dưới mức tối thiểu mà bên nhượng quyền đã ấn định. Điều đó có nghĩa là, nếu đối thủ cạnh tranh khác ngoài hệ thống bán một chai sữa tắm có số lượng, chất lượng, sự nổi tiếng và tính năng tương tự là 400.000đ thì khả năng bị mất khách hàng rất có thể xảy ra do bên nhận quyền không thể giảm giá bán sản phẩm để giữ lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cạnh tranh. Một hậu quả khác có thể xảy ra là với việc áp dụng chung một mức giá bán ra thị trường, người tiêu dùng mất cơ hội được lựa chọn sản phẩm với giá cả trong điều kiện thị trường tồn tại cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh hành vi ấn định giá bán lại của bên nhượng quyền đứng trước mâu thuẫn lớn về quan điểm xử lý giữa hai hệ thống văn bản: Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh. Để điều chỉnh hành vi này, chúng ta cần xác định lợi ích nào cần được ưu tiên bảo vệ. Bảo vệ
cạnh tranh hay ưu tiên ghi nhận những yêu cầu phát sinh từ bản chất của hoạt động nhượng quyền? Nếu khuyến khích hoạt động nhượng quyền thương mại tồn tại và phát triển thì việc ấn định giá bán lại nhằm bảo vệ tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền trong chừng mực nào là vừa đủ?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP, hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng là việc khống chế không cho phép bên nhận quyền bán lại hàng hóa thấp hơn mức giá đã quy định trước. Nếu bên nhượng quyền vi phạm quy định này, họ có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 10% tổng doanh thu của bên nhượng quyền trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, bên nhượng quyền cũng phải loại bỏ những yêu cầu trái luật trong việc ấn định giá bán lại tối thiểu nếu trong hợp đồng nhượng quyền có quy định (Khoản 1 Điều 117, Khoản 1 Điều 118 và Khoản 3(d) Điều 117 Luật Cạnh tranh 2004).
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, theo pháp luật cạnh tranh hiện hành không phải mọi hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền đều bị cấm theo quy định của pháp luật cạnh tranh, hành vi này chỉ bị coi là bất hợp pháp khi bên nhượng quyền nắm giữ ít nhất 30% thị phần trên thị trường liên quan (đạt vị trí thống lĩnh) hoặc không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà bên nhượng quyền kinh doanh trên thị trường liên quan (có vị trí độc quyền trên thị trường liên quan) (Khoản 2, Điều 13, Luật Cạnh tranh 2004 và Khoản 1, Điều 14 Luật Cạnh tranh 2004).
Về vấn đề này, theo cách tiếp cận của pháp luật Liên minh Châu Âu (EU) quy định tại Điều 4(a) của Nghị Quyết 2790/99 về áp dụng Điều 81(3) EC đối với các thỏa thuận theo chiều dọc (là các thoả thuận được thực hiện giữa các chủ thể là các chủ thể kinh tế nằm ở vị trí khác nhau của cùng một chu trình sản xuất, phân phối hoặc lưu thông hàng hóa. Ví dụ: thoả thuận giữa
nhà sản xuất với nhà phân phối) - sau đây gọi tắt là Nghị quyết 2790/99, hành vi áp đặt giá bán lại nhằm hạn chế quyền tự định giá bán của bên nhận quyền bị cấm tuyệt đối mà không có bất kỳ ngoại lệ nào và do vậy, không được miễn trừ chung. Nói cách khác, hành vi áp đặt giá bán lại được cấu thành khi bên nhận quyền bị buộc phải tuân thủ một mức giá tối thiểu hoặc một mức giá cố định áp đặt bởi bên nhượng quyền. Hành vi áp đặt giá bán lại dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị cấm tuyệt đối theo Điều 4(a) của Nghị Quyết 2790/99. Bên cạnh cách thức ấn định giá một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, Ủy ban Châu Âu cũng cho rằng các biện pháp mang ý nghĩa khuyến khích tích cực của bên nhượng quyền như việc áp dụng một hệ thống kiểm soát về giá, hay việc áp đặt nghĩa vụ buộc bên nhận quyền phải thông báo cho các bên nhận quyền khác những thay đổi về giá của mình so với mức giá chung thống nhất cũng có những ảnh hưởng tương tự như hành vi ấn định giá bán lại [24,
đoạn 47]. Mặt khác, việc ấn định giá bán một cách trực tiếp hoặc gián tiếp có thể phát huy hiệu quả khi kết hợp với các biện pháp gián tiếp khác như in trực tiếp giá khuyến cáo lên hàng hóa, hoặc buộc bên nhận quyền phải tuân thủ các điều khoản dành ưu đãi về giá cho khách hàng [24, đoạn 47]. Ủy ban Châu Âu cũng cho rằng các biện pháp mang ý nghĩa khuyến khích tích cực của bên nhượng quyền và các biện pháp gián tiếp như vừa nêu trên nếu kết hợp với việc đưa ra khuyến cáo về giá hoặc ấn định giá bán tối đa có thể dẫn đến một hành vi áp đặt giá bán lại [24, đoạn 47]. Như vậy, Nghị Quyết 2790/99 đã điều chỉnh hành vi này trên nguyên tắc vi phạm hiển nhiên (per se rule), nghĩa là mọi khuyến cáo về giá của bên nhượng quyền nếu dẫn tới sự thống nhất về giá trong toàn bộ hệ thống nhượng quyền sẽ bị coi là hành vi áp đặt giá bán vi phạm Điều 4(a) Nghị Quyết 2790/99. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản quyền của bên nhượng quyền quy định giá tối đa hoặc đưa ra khuyến cáo về giá, miễn là các khuyến cáo về giá này không dẫn đến việc áp đặt một mức giá tối thiểu hoặc một mức giá cố định [24, đoạn 47].
Quan điểm này phù hợp với quan điểm của Tòa án Tư pháp Châu Âu trong các vụ án: Pronuptia [28], Service Master [31] và Yves Rocher [36].
Như đã trình bày ở trên, sự đề xuất về giá là được phép, trong vụ Service Master, nguyên tắc này đã được xác nhận khi cho rằng: “Việc đề xuất giá bán lại đối với bên nhận quyền không hạn chế cạnh tranh nếu bên nhận quyền vẫn hoàn toàn tự do trong việc xác định giá bán của họ đối với việc cung cấp dịch vụ và sản phẩm chăm sóc nhà cửa” [31].
Bởi vì đề xuất về giá có thể không dẫn tới sự thống nhất về giá, trong vụ Pronuptia Tòa án đã cho rằng:
Mặc dù những điều khoản làm suy yếu sự tự do của bên nhận quyền trong việc xác định giá đối với hàng hóa dịch vụ là hạn chế cạnh tranh, nhưng nó không phải là trường hợp mà bên nhượng quyền đơn giản chỉ là cung cấp cho bên nhận quyền sự hướng dẫn về giá, miễn là không có sự phối hợp hành động giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, hoặc giữa các bên nhận quyền với nhau trong việc áp dụng giá đề xuất đó trên thực tế [28, mục 25].
Trong quyết định của Hội đồng Châu Âu liên quan đến vụ Yves Rocher,
Hội đồng đã cho rằng:
Việc đề xuất giá được thể hiện trên catalogues được đưa ra bởi Yves Rocher đối với bên nhận quyền là hợp pháp nếu bên nhận quyền vẫn hoàn toàn tự do trong việc xác định giá của họ và trong suốt quá trình kinh doanh, không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy có sự phối hợp hành động giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, hoặc giữa các bên nhận quyền trong việc áp dụng giá đề xuất đó trong thực tế [36, mục 51].
Như vậy, theo pháp luật EU, hành vi ấn định giá bán lại hoặc giá bán lại tối thiểu được điều chỉnh trên quan điểm: (i) Việc ấn định giá tối thiểu
hoặc ấn định giá là vi phạm Điều 81(1) của Hiệp ước EC, dù được thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp; (ii) Bên nhượng quyền có thể đề xuất giá và quy định mức giá tối đa đối với bên nhận quyền với điều kiện là sự đề xuất này không dẫn tới việc áp dụng một mức giá cụ thể trên thực tế giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền trong hệ thống.
Tóm lại:
Trên cơ sở nội dung pháp luật điều chỉnh hành vi ấn định giá bán lại hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu trong hoạt động nhượng quyền thương mại của Việt Nam và EU như đã phân tích trên, có thể chỉ ra một số khác biệt cơ bản trong pháp luật điều chỉnh hành vi này giữa hai hệ thống pháp luật như sau:
Một là, Luật Cạnh tranh Việt Nam không đề cập đến hành vi khuyến cáo về giá và vì vậy, không điều chỉnh đối với hành vi này, trong khi, pháp luật EU cho rằng không phải mọi hình thức tồn tại dưới dạng khuyến cáo về giá đều được phép. Hành vi khuyến cáo về giá của bên nhượng quyền nếu dẫn tới hậu quả là tạo ra một mức giá thống nhất trong hệ thống nhượng quyền thì cũng bị coi như hành vi ấn định giá bán lại và bị cấm không có miễn trừ.
Hai là, Luật Cạnh tranh Việt Nam quy định hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu chỉ bị kiểm soát nếu bên nhượng quyền đạt vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường, trong khi Liên mình Châu Âu cấm tuyệt đối không phụ thuộc vào thị phần của bên nhượng quyền.
Với sự khác biệt như trên, vấn đề đặt ra đối với pháp luật Việt Nam là, trong điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại, việc kiểm soát hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu trong chừng mực nào là hợp lý? Tác giả cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi một phần kinh nghiệm của EU trong việc điều chỉnh