Hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho bên nhận quyền

Một phần của tài liệu 8.-Luận-án-Pháp-luật-cạnh-tranh-trong-hoạt-động-nhượng-quyền-thương-mại-ở-Việt-Nam (Trang 102 - 106)

Hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho bên nhận quyền là hành vi của bên nhượng quyền khi đưa ra một mức giá quá cao đối với

bên nhận quyền mà mức giá đó được cho là không phù hợp với quy luật chung của thị trường.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP, Luật Cạnh tranh 2004, hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ được coi là bất hợp lý gây thiệt hại cho bên nhận quyền nếu cầu về hàng hoá, dịch vụ không tăng đột biến tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của bên nhượng quyền và thỏa mãn hai điều kiện sau đây: (i) Giá bán lẻ trung bình tại cùng thị trường liên quan trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp được đặt ra tăng một lần vượt quá 5%; hoặc tăng nhiều lần với tổng mức tăng vượt quá 5% so với giá đã bán trước khoảng thời gian tối thiểu đó; (ii) Không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ đó vượt quá 5% trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp trước khi bắt đầu tăng giá.

Nếu bên nhượng quyền vi phạm quy định này, họ có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 10% tổng doanh thu của bên nhượng quyền trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, bên nhượng quyền cũng phải loại bỏ những yêu cầu trái luật trong việc áp đặt giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho bên nhận quyền nếu trong hợp đồng nhượng quyền có quy định (Điều 117.1, Điều 117.3(d) và Điều 118.1, Luật Cạnh tranh 2004)

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng không phải mọi hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền đều bị cấm. Hành vi này chỉ bị coi là bất hợp pháp khi bên nhượng quyền đạt vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan. Nghĩa là, nếu bên nhượng quyền đạt ngưỡng thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể (Bên nhượng quyền có vị trí thống lĩnh thị trường) hoặc nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà bên nhượng quyền kinh

doanh trên thị trường liên quan (Bên nhượng quyền có vị trí độc quyền) thì việc áp đặt giá bán bất hợp lý như nêu trên mới bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh (Khoản 1 Điều 11, Điều 12, Khoản 2 Điều 13 và Khoản 1 Điều 14 Luật Cạnh tranh 2004).

Nghiên cứu pháp luật của Liên minh Châu Âu (EU) về vấn đề này, tại Điều 81(1) của Hiệp ước EC cũng quy định cấm các hành vi ấn định giá mua, giá bán một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đưa ra các điều kiện thương mại, hạn chế thương mại, can thiệp vào các hoạt động sản xuất, phân phối, phát triển công nghệ, đầu tư, phân chia thị trường hoặc nguồn cung cấp, áp dụng các điều kiện thương mại khác nhau đối với các đối tác khác nhau trong cùng một dạng giao dịch thương mại, tạo ra các lợi thế cạnh tranh đối với các đối tác này hoặc ép buộc sử dụng nguồn cung cấp được chỉ định mà không liên quan đến đối tượng của hợp đồng chính đã được giao kết. Tất cả các hành vi nói trên đều bị cấm do có ảnh hưởng đến thị trường chung, có thể ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước thành viên và hình thành hạn chế cạnh tranh hoặc ngăn cản và làm sai lệch cạnh tranh trong thị trường chung (Điều 81(1) (a) Hiệp ước EC). Do vậy, các hành vi vi phạm điều khoản trên đều đương nhiên không có hiệu lực pháp luật (Điều 81(2) Hiệp ước EC).

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá bán, giá mua hàng hoá hoặc việc đặt ra các điều kiện thương mại sẽ đương nhiên bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh của EU. Chỉ có những hành vi ảnh hưởng đến việc ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch cạnh tranh trong thị trường chung của Liên minh Châu Âu mới là những hành vi bị cấm. Về nguyên tắc, các trường hợp miễn trừ sẽ xuất hiện với điều kiện thị phần nắm giữ của nhà cung cấp không vượt quá 30% thị phần trên thị trường liên quan [16, Điều 3].

Tóm lại, theo quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam và EU, bên nhượng quyền sẽ bị cấm thực hiện hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho bên nhận quyền nếu hội đủ các điều kiện sau đây:

Một là, bên nhượng quyền có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc có vị trí độc quyền.

Hai là, việc áp đặt giá bán bất hợp lý đó gây thiệt hại cho bên nhận quyền. Với quy định này, pháp luật Việt Nam cũng như EU hầu như không

công nhận bất cứ ngoại lệ nào đối với hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, khi nghiên cứu bản chất của hoạt động nhượng quyền

thương mại, chúng tôi cho rằng cần phải cân nhắc hành vi này trong bối cảnh cụ thể của quan hệ nhượng quyền. Theo đó, bên nhận quyền một khi đã chấp nhận gia nhập hệ thống, nghĩa là phải chấp nhận mọi yêu cầu hợp lý của bên nhượng quyền nhằm đảm bảo hệ thống nhượng quyền được phát triển một cách đồng bộ, trong đó, yêu cầu buộc bên nhận quyền phải mua một tỷ lệ hàng hóa, dịch vụ nhất định trong quá trình kinh doanh từ chính bên nhượng quyền thường được sử dụng như một biện pháp hữu hiệu nhất (dưới khía cạnh pháp luật cạnh tranh, hành vi này có thể cấu thành “ràng buộc bán kèm”). Hệ quả tất yếu là, bên nhận quyền hầu như bị mất khả năng lựa chọn đối tác cung ứng hàng hóa, dịch vụ (điều mà lẽ ra là quyền cơ bản của các thương nhân trong điều kiện kinh doanh bình thường). Hiển nhiên, trong điều kiện này, bên nhượng quyền có “đặc quyền” áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ đối với bên nhận quyền và đương nhiên, để tồn tại và phát triển, bên nhận quyền không thể không mua mặc dù biết rõ hành vi áp đặt giá bán này là bất hợp lý. Rõ ràng, trong trường hợp này, mặc dù có thể bên nhượng quyền không giữ vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường liên quan, nhưng việc yêu cầu bên nhận quyền chỉ được mua hàng hóa, dịch vụ từ chính bên nhượng quyền vô hình chung đã tự tạo một vị thế độc quyền/thống lĩnh thị trường trong quan hệ với bên nhận quyền. Do vậy,

việc quy định hành vi này chỉ bị cấm trong trường hợp bên nhượng quyền giữ vị thế thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền (nghĩa là phải nắm giữ ít nhất từ 30% thị phần trên thị trường liên quan trở lên) là không thực sự hợp lý. Bởi lẽ, hành vi này có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận quyền là rất lớn, hầu như không phụ thuộc vào việc bên nhượng quyền có giữ vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền hay không. Bên cạnh đó, hành vi này còn gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của bên nhận quyền đối với các đối thủ cạnh tranh khác theo hướng giảm bớt năng lực cạnh tranh khi giá mua vào của sản phẩm bán ra cao hơn một cách bất hợp lý so với thị trường, hậu quả hạn chế cạnh tranh của hành vi này còn thể hiện rõ rệt hơn nếu việc áp đặt giá bán này của bên nhượng quyền được áp đặt đối với tất cả các bên nhận quyền trong hệ thống.

Một phần của tài liệu 8.-Luận-án-Pháp-luật-cạnh-tranh-trong-hoạt-động-nhượng-quyền-thương-mại-ở-Việt-Nam (Trang 102 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w