liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng
Trong hoạt động nhượng quyền thương mại, hành vi buộc bên nhận quyền chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là hành vi của bên nhượng quyền, theo đó, bên nhượng quyền buộc bên nhận quyền ngoài việc việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng, bên nhận quyền còn phải mua hàng hóa, dịch vụ khác từ bên nhượng quyền hoặc từ nhà cung cấp khác được bên nhượng quyền chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng (Khoản 2, Điều 30, Nghị định 116/2005/NĐ-CP). Trong pháp luật cạnh tranh EU, hành vi này còn được gọi là “ràng buộc bán kèm” có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cạnh tranh và bị ngăn cấm. Hậu quả của hành vi này là, hình thành nên các hợp đồng mua bán kèm, theo đó, ngoài việc nhận chuyển giao phương thức kinh doanh của bên nhượng quyền (quyền thương mại), bên nhận quyền còn phải mua thêm hàng hóa, dịch vụ khác không liên quan đến việc thực hiện hợp đồng chính (hợp đồng nhượng quyền) hoặc phải thực hiện những nghĩa vụ không đương nhiên phát sinh từ hợp đồng nhượng quyền thương mại, nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng. Theo quy định tại Khoản 5, Điều 13 và Khoản 1, Điều 14, Luật Cạnh tranh 2004, hành vi này sẽ bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh nếu bên nhượng quyền đạt ngưỡng thị phần từ 30% trên thị trường liên quan. Quy định này có nghĩa là, việc buộc bên nhận quyền chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng hợp đồng không bị cấm trong mọi trường hợp. Hành vi này chỉ bị cấm khi bên nhượng quyền đạt vị trí thống lĩnh trên thị trường (30% thị phần), với vị trí đó, hành vi trên của bên nhượng quyền có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cạnh tranh trên thị trường.
Xét trên khía cạnh bản chất của quan hệ nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền và bên nhận quyền là các chủ thể pháp lý độc lập, do vậy, về nguyên tắc, bên nhận quyền có quyền lựa chọn nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ với giá cạnh tranh nhất và các điều kiện khác tốt nhất. Tuy nhiên, nếu như hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp này có chất lượng kém hoặc không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của bên nhượng quyền thì có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng cũng như tính đồng bộ của toàn bộ hệ thống nhượng quyền. Bởi vậy, nhằm bảo vệ tốt nhất sự đồng bộ và danh tiếng của hệ thống nhượng quyền, bên nhượng quyền thường đưa ra những yêu cầu mang tính áp đặt liên quan đến nguồn cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho bên nhận quyền trong quá trình kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại. Theo đó, bên nhận quyền buộc phải mua hàng hoá, dịch vụ của chính bên nhượng quyền hoặc của nhà cung cấp do bên nhượng quyền chỉ định trước. Với yêu cầu này, bên nhượng quyền có thể giám sát được chất lượng của hàng hoá, dịch vụ được cung cấp bởi bên nhận quyền đồng thời đảm bảo được tính đồng bộ và danh tiếng của toàn bộ hệ thống nhượng quyền. Chẳng hạn, khi nhượng quyền kinh doanh Cà phê Trung Nguyên, bên nhượng quyền thường yêu cầu bên nhận quyền phải mua cà phê bột từ một nguồn cung cấp nhất định nhằm bảo đảm chất lượng cà phê đồng nhất về hương vị, màu sắc… trong toàn bộ hệ thống. Hành vi này sẽ giúp bên nhượng quyền kiểm soát được chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả, tránh rủi ro từ việc cung cấp cà phê chất lượng thấp từ phía bên nhận quyền, gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm của hệ thống nhượng quyền. Chẳng hạn, nếu bên nhận quyền X ở Hà Nội cung cấp sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ có khả năng không tiếp tục lựa chọn Cà phê Trung Nguyên do họ cho rằng, chất lượng của toàn bộ hệ thống nhượng quyền cà phê Trung Nguyên là như nhau dù ở bất kỳ vị trí địa lý nào. Điều đó sẽ có khả năng
làm sụp đổ cả hệ thống nhượng quyền, gây thiệt hại không chỉ cho bên nhượng quyền mà còn cho tất cả các bên nhận quyền còn lại và đương nhiên khi nhìn xa hơn, có khả năng làm suy yếu năng lực cạnh tranh của cả hệ thống nhượng quyền.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài mục đích đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền mà bên nhượng quyền thường viện dẫn để biện hộ cho hành vi này, việc thực hiện hành vi “ràng buộc bán kèm” nêu trên của bên nhượng quyền đôi khi còn nhằm thực hiện một số mục đích ẩn giấu khác như “để tăng doanh thu”, “để thu lợi bằng cách thỏa thuận trước với nhà cung cấp về việc hưởng hoa hồng từ hợp đồng cung cấp giữa bên nhận quyền và các nhà cung cấp được bên nhượng quyền chỉ định” v.v…, bên nhượng quyền có thể buộc bên nhận quyền phải ký kết các hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ với các nhà cung cấp nhất định, mặc dù có những trường hợp, hàng hoá hoặc dịch vụ đó không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng hoặc việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó trong quá trình kinh doanh không ảnh hưởng tới tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền thương mại. Chẳng hạn, bên nhượng quyền cà phê Trung Nguyên ngoài việc buộc bên nhận quyền mua cà phê bột từ một nguồn chỉ định trước, còn yêu cầu bên nhận quyền phải mua một số hàng hóa, nguyên vật liệu khác như sử dụng điều hòa, máy tính tiền… từ một nhà cung cấp chỉ định, mặc dù, có thể những hàng hóa này không phải là hàng hóa liên quan trực tiếp đến đối tượng nhượng quyền, cũng không có ý nghĩa trong việc đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền và bên nhận quyền có thể mua sản phẩm này từ nhà cung cấp khác với cùng đặc tính, chất lượng và mẫu mã giống như sản phẩm từ nhà cung cấp do bên nhượng quyền chỉ định. Rõ ràng, ở trường hợp này, việc yêu cầu bên nhận quyền phải mua những sản phẩm này không có ý nghĩa trong việc duy trì tính đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền mà có thể bên nhượng quyền hướng tới một
đặc quyền khác trong mối quan hệ với nhà cung cấp mà bên nhượng quyền chỉ định.
Xét dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, hành vi này gây ra hậu quả như hạn chế sự tự do của bên nhận quyền trong việc lựa chọn nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ trong quá trình kinh doanh. Bởi lẽ, với việc thực hiện những yêu cầu này đồng nghĩa với việc bên nhận quyền sẽ phải tiêu dùng những sản phẩm nhất định của bên nhượng quyền hoặc của nhà cung cấp do bên nhượng chỉ định trước. Bên nhận quyền sẽ không có cơ hội tìm kiếm nguồn nguyên liệu/ sản phẩm có chất lượng tốt và phù hợp với yếu tố địa phương của chính mình. Đặc biệt nếu các hàng hóa, dịch vụ mà bên nhận quyền buộc phải mua không trực tiếp tạo ra sản phẩm chính (sản phẩm đặc trưng của hệ thống nhượng quyền), không ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của hệ thống thì việc bên nhượng quyền áp đặt ý chí của mình đối với bên nhận quyền là không cơ sở và đang tạo ra rào cản cạnh tranh đối với doanh nghiệp khác trên thị trường sản phẩm bán kèm, mặc dù thỏa thuận đó được núp dưới vỏ bọc mục đích đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống nhượng quyền. Bên cạnh đó, hành vi buộc bên nhận quyền chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng (“ràng buộc bán kèm”) cũng tạo nên hệ lụy hạn chế, thậm chí loại bỏ khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ khác trên thị trường hàng hóa, dịch vụ được “ràng buộc bán kèm”.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 13 Luật Cạnh tranh 2004 và Khoản 2, Điều 30 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, hành vi bán kèm của bên nhượng quyền sẽ vi phạm và bị cấm nếu sản phẩm được bán kèm “không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” hay “nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng”. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa giải thích cụ thể sản phẩm và dịch vụ nào thì được coi là “không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại” và “nằm ngoài
phạm vi cần thiết thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại”. Bởi trong quan hệ nhượng quyền thương mại, đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là một “gói quyền”, bao gồm nhiều yếu tố thuộc quyền sở hữu trí tuệ như tên thương mại, nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh… cũng như các yếu tố khác liên quan đến dấu hiệu nhận biết thương nhân như phương thức phục vụ, dịch vụ hậu mãi, màu sắc cửa hàng… chứ không chỉ đơn thuần là một loại hàng hóa hữu hình. Do đó, giả sử trong quan hệ nhượng quyền của thương hiệu KFC, bên nhượng quyền yêu cầu bên nhận phải mua đĩa, dĩa, khăn giấy từ những nhà cung cấp do KFC chỉ định trước, thì liệu đây có được coi là thỏa thuận “ràng buộc bán kèm”, không liên quan đến đối tượng của hợp đồng là “quyền được kinh doanh thức ăn nhanh theo phương thức và thương hiệu của KFC” hay không, khi mà những yếu tố như hình thức, chất lượng của các sản phẩm như đĩa, dĩa, khăn giấy trên đều cấu thành nên một phần hình ảnh đặc trưng của thương hiệu KFC.
Kinh nghiệm lập pháp của EU cho thấy trong quan hệ nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền có thể áp đặt cho bên nhận quyền những điều kiện mua hàng hóa, dịch vụ từ chính bên nhượng quyền hoặc từ những nguồn do bên nhượng quyền chỉ định trước nếu như điều này là cần thiết để duy trì tính đồng bộ của chất lượng sản phẩm hoặc để đảm bảo tính thống nhất và giữ gìn danh tiếng của cả hệ thống nhượng quyền thương mại. Quan điểm này được chỉ rõ qua một ví dụ cụ thể sau [16, Đoạn 201]:
Một nhà sản xuất đã phát minh ra một phương thức bán kẹo mới với các cửa hàng được bài trí vui mắt, nơi mà kẹo có thể có các màu sắc hết sức đặc biệt theo ý thích của khách hàng. Nhà sản xuất kẹo đồng thời cũng phát minh ra máy tô màu cho kẹo và chất màu. Chất lượng và độ tươi của chất màu là yếu tố quan trọng để sản xuất ra kẹo ngon. Nhà sản xuất đã thành công với loại kẹo đó cùng với hàng loạt các cửa hàng của chính nhà sản xuất này được mở ra và hoạt động dưới cùng một tên thương mại và
cùng một hình ảnh thương mại (phong cách bài trí của cửa hàng, quảng cáo cho sản phẩm...). Nhằm mở rộng việc bán hàng, nhà sản xuất bắt đầu sử dụng phương thức nhượng quyền thương mại. Các bên nhận quyền có nghĩa vụ phải mua kẹo, chất màu và máy tô màu cho kẹo từ nhà sản xuất và phải có hoạt động kinh doanh dưới một tên thương mại chung. Bởi lẽ việc mua những hàng hóa/nguyên vật liệu này từ bên nhà sản xuất (bên nhượng quyền) là yếu tố cần thiết để đảm bảo chất lượng cũng như tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống nhượng quyền.
Ở ví dụ này, việc bên nhượng quyền yêu cầu bên nhận quyền phải mua chất màu, máy tô kẹo có thể coi là một “ràng buộc bán kèm”, bởi lẽ đối tượng phải chuyển giao trong hợp đồng này chỉ là phương thức kinh doanh kẹo, chứ không phải là sản phẩm, hàng hóa cụ thể. Tuy nhiên, trong hợp đồng, bên nhận quyền vẫn buộc phải mua kẹo, chất màu, máy tô kẹo từ bên nhượng quyền - là những sản phẩm không phải là đối tượng trực tiếp của hợp đồng. Các nhà lập pháp EU cho rằng, những sản phẩm mà bên nhận quyền phải mua từ bên nhượng quyền như trên là yếu tố cần thiết để đảm bảo chất lượng cũng như tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống nhượng quyền và vì vậy, không vi phạm luật cạnh tranh EU.
Giống như khi xem xét vụ Pronuptia, Toà án đã tuyên rằng:
Một điều khoản yêu cầu bên nhận quyền chỉ mua sản phẩm được cung cấp bởi bên nhượng quyền hoặc bởi một nhà cung cấp khác do bên nhượng quyền chỉ định có thể được chấp nhận khi việc này là cần thiết để bảo vệ danh tiếng của cả hệ thống nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, nếu như điều khoản này ngăn cản bên nhận quyền mua hàng hoá tương tự từ các bên nhận quyền khác thì sẽ không được chấp nhận [28, mục 21].
Với lập luận như trên, Tòa tư pháp Châu Âu đã nhấn mạnh, “ràng buộc bán kèm” chỉ hợp pháp nếu (1) nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hệ
thống nhượng quyền và (2) không ngăn cản khả năng mua hàng hóa tương tự từ bên nhận quyền khác. Quan điểm này xuất phát từ suy luận cho rằng, những hàng hóa do bên nhận quyền khác cung cấp đã đáp ứng tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền và vì vậy, nếu bên nhượng quyền ngăn cản bên nhận quyền mua hàng hóa từ bên nhận quyền khác sẽ không lý giải được điều kiện (1) ở trên.
So sánh với quy định hiện hành trong pháp luật Việt Nam, việc bên nhận quyền buộc phải mua kẹo, chất màu, máy tô màu từ bên nhượng quyền có thể vi phạm Khoản 5, Điều 13 Luật Cạnh tranh 2004 và Khoản 2, Điều 30 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP nếu nếu bên nhượng quyền đạt ngưỡng thị phần từ 30% trên thị trường liên quan. Trong trường hợp này, khi mà khái niệm “không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” hay “nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng” pháp luật Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ thì rất có thể, các sản phẩm này sẽ bị coi là không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng hoặc nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng. Bởi lẽ, khi mà đối tượng của hợp đồng là quyền thương mại (là quyền được tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền) của bên nhượng quyền và việc thực hiện hợp đồng chỉ liên quan đến chuyển giao “phương thức kinh doanh kẹo” thì việc có mua kẹo, chất màu, máy tô màu của bên nhượng quyền hay không vẫn không ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng (chuyển giao phương thức kinh doanh kẹo) và bên nhận quyền có thể mua kẹo, chất màu, máy tô màu từ các nhà cung cấp khác để tiến hành kinh doanh theo phương thức nhượng quyền đã được chuyển giao mà không cần mua bất kỳ sản phẩm nào từ bên nhượng quyền. Với lập luận như trên, “ràng buộc bán kèm” trong trường hợp này là không được phép
theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, kể cả khi việc buộc phải mua kẹo, chất màu, máy tô màu từ bên nhượng quyền là cần thiết để duy trì tính đồng bộ, thống nhất về chất lượng trong hệ thống nhượng quyền. Như vậy, cùng một hành vi “ràng buộc bán kèm” nhưng cách thức xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam không tính đến đặc thù về tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền, và do vậy, quan điểm xử lý của pháp luật Việt Nam ngược lại với quan điểm xử lý của pháp luật EU.
Có thể nói, quan điểm điều chỉnh của pháp luật Liên minh Châu Âu là khá hợp lý, bởi lẽ, ngoài việc nghiêm cấm bên nhượng quyền thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trong việc áp đặt nghĩa vụ mua hàng hóa/nguyên vật liệu không liên quan đến đối tượng của hợp đồng đối với bên nhận quyền, các nhà làm luật của EU đã thừa nhận các ngoại lệ mang tính đặc thù trong quan hệ nhượng quyền thương mại. Đây là một trong những yếu tố giúp hoạt động nhượng quyền có khả năng phát triển trong khi