Những thuật ngữ sử dụng trong siêu âm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu lâm sàng, phi lâm sàng, ứng dụng siêu âm chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tử cung trên chó (Trang 40 - 41)

Hình bờ: Biểu hiện ranh giới giữa hai môi trường đặc khác nhau (gan-thận phải; lách-thận trái; khối u đặc-nhu mô bình thường), giới hạn của một cấu trúc lỏng bình thường hay bệnh lý (bàng quang, túi mật, áp se).

Hồi âm tăng: Mô tả cấu trúc có mức độ xám tăng so với độ hồi âm của cấu trúc nền xung quanh hoặc so với tình trạng bình thường.

Hồi âm giảm: Mô tả cấu trúc có mức độ xám giảm so với độ hồi âm của cấu trúc nền xung quanh hoặc so với tình trạng bình thường.

Không có hồi âm: Mô tả cấu trúc không được sóng phản hồi, có độ xám rất thấp hoặc hiển thị màu đen như máu, nước tiểu, dịch mật.

Đồng nhất và không đồng nhất: Đồng nhất là mô tả độ đồng đều về mặt hồi âm của toàn bộ cấu trúc. Không đồng nhất là mô tả cấu trúc có nhiều mức độ hồi âm khác nhau.

Bóng lưng và tăng cường âm: Bóng lưng là một dải xám tối hơn môi trường xung quanh ở ngay phía sau cấu trúc. Tăng cường âm là một dải sáng hẳn lên ngay trên cấu trúc.

Hiện tượng dội lại (đa âm phản hồi): Hình ảnh xuất hiện trên màn hình siêu âm là một loạt hình ảnh giả của mặt phân cách với những khoảng cách đều nhau phía sau mặt phân cách thật với kích thước và độ hồi âm nhỏ dần.

Thứ tự hồi âm: Mức độ hồi âm phụ thuộc vào mô và vật chất của cơ thể: Mật-nước tiểu < vùng tủy thận < cơ < vùng vỏ thận< gan < mỡ dự trữ <

lách < tuyến tiền liệt < xoang thận < cấu trúc mỡ - thành mạch máu < xương-hơi- vùng rìa tổ chức.

Máu và dịch chất cho ảnh màu đen vì có độ hồi âm nhỏ. Dịch chất có độ hồi âm tăng lên là do tăng protein, tế bào sợi và mô liên kết.

Đồng hồi âm: Mô tả cấu trúc có độ hồi âm ngang bằng với độ hồi âm của cấu trúc nền xung quanh hoặc hai cấu trúc khác nhau có cùng độ hồi âm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu lâm sàng, phi lâm sàng, ứng dụng siêu âm chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tử cung trên chó (Trang 40 - 41)