Thực trạng chó đến khám bị viêm tử cung theo lứa đẻ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu lâm sàng, phi lâm sàng, ứng dụng siêu âm chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tử cung trên chó (Trang 72 - 75)

Qua khảo sát trực tiếp 136 chó đến khám và phát hiện bị viêm tử cung, chỉ có 119 ca bệnh chúng tôi thu thập được thông tin về lứa đẻ và kết quả được trình bày ở bảng 4.4.

Qua bảng 4.4 cho thấy, những chó đẻ nhiều lứa thì ít bị viêm tử cung hơn những chó không cho sinh sản hoặc chó đẻ ít lứa (sinh sản không đều đặn). Cụ thể, chó ở lứa đẻ 0 (chưa từng sinh sản) hoặc không được sinh sản có tới 55,46% mắc viêm tử cung, chó đã đẻ 1 lứa có tỷ lệ mắc bệnh là 25,21%, chó đẻ hai lứa có

tỷ lệ mắc 14,29% và chó đã đẻ 3 và 4 lứa có tỷ lệ mắc bệnh rất thấp (3,36% và 1,68%).

Bảng 4.4. Thực trạng chó đến khám bị viêm tử cung theo lứa đẻ

Lứa đẻ 0 1 2 3 4 Tổng Chú thích: Các chữ cái trên cùng một cột khác nhau là tỷ lệ viêm tử cung khác nhau

có ý nghĩa thống kê (P<0,05)

Kết quả trên tương đương với kết quả nghiên cứu của Fukuda (2001), khi thực hiện đánh giá trên 25 chó Beagle viêm tử cung, tỷ lệ mắc bệnh đạt 60% ở chó chưa sinh sản và 40% chó đã đẻ từ 1 đến 3 lứa. Tương tự, nghiên cứu Niskanen &Thrusfield (1998) trên 953 chó mắc viêm tử cung đã báo cáo rằng chó cái chưa đẻ (925/9865 chó) có nguy cơ mắc viêm tử cung cao hơn những chó cái đã đẻ một lứa hoặc nhiều lứa (10/635 chó) (tỷ số OR khoảng 6,63). Kết quả này cho thấy nguy cơ gia tăng viêm tử cung ở những chó chưa sinh sản, gồm cả những chó đã bỏ qua nhiều lứa đầu tiên không cho sinh sản sau mới cho sinh sản lại.

Theo Smith (2006), trước đây thường định nghĩa viêm tử cung xảy ra chỉ khi tử cung bị nhiễm trùng. Nhưng thời gian gần đây, đã phát hiện ra nguyên nhân nguyên phát là do sự bất thường về hormone trên những chó không sinh sản hoặc sinh sản không đều đặn, còn nhiễm trùng chỉ là thứ phát.Viêm tử cung điển hình phát triển sau khi động dục, trong giai đoạn thể vàng, 20-70 ngày sau khi kết thúc động dục (Bigliardi & Pamigiani, 2004), và được mô tả là xảy ra ở 93% ca bệnh trong vòng 12 tuần sau khi động dục. Những thay đổi trong nội mạc tử cung thứ phát sau khi tăng sinh tuyến tử cung và thoái hóa nang trứng dẫn đến viêm tử cung. Người ta cho rằng những thay đổi tăng sinh và bài tiết được đề cập do ảnh hưởng của phản ứng quá mức của nội mạc tử cung đối với oestrogen và

progesterone (hyperoestrogenisation). Ngoài ra, rối loạn chức năng của buồng trứng ở chó cái thường góp phần vào những thay đổi thoái hóa trong tử cung.

Thêm vào đó, vào giữa những năm 1980, một thực thể bệnh đã được mô tả, được gọi là phức hợp viêm nội mạc tử cung - viêm tử cung tích mủ, bao gồm ba dạng lâm sàng: (a) viêm tử cung tích mủ, (b) viêm nội mạc tử cung mãn tính và (c) tăng sản nội mạc tử cung dạng nang (Zdunczyk & cs., 2006 ). Bệnh vẫn chưa được giải thích đầy đủ cho đến nay, nhưng người ta biết rằng rối loạn nội tiết và nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân cơ bản của phức hợp này và các quá trình bệnh lý chính xảy ra trong tử cung. Các bất thường buồng trứng và rối loạn nội tiết do ảnh hưởng kéo dài của estrogen (động dục kéo dài, u nang buồng trứng) được cho là nguyên nhân chính của phức hợp viêm nội mạc tử cung - viêm tử cung tích mủ (Kida & cs., 2006). Những hormone này thúc đẩy sự sản sinh quá mức của nội mạc tử cung và kéo dài thời gian mở cổ tử cung. Progesterone cũng góp phần vào sự phát triển của bệnh viêm tử cung, việc sử dụng progesterone để động dục và đồng bộ hóa rụng trứng ở chó cái cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Tác động của progesterone lên tử cung chó bao gồm làm giảm phản ứng miễn dịch tại chỗ, thúc đẩy sự bài tiết trong các tuyến nội mạc tử cung, giảm tính linh hoạt và đóng cổ tử cung. Sự xâm nhập của vi khuẩn E. coli

vào trong tử cung, đi lên từ âm đạo trong giai đoạn thể vàng, gây ra tình trạng viêm bên trong cơ quan này. Người ta đã chứng minh rằng progesterone gây ra sự phát triển của các thụ thể nội mạc tử cung, cho phép sự bám dính của các khuẩn lạc E. coli. Ngoài ra, sử dụng quá muộn progestagens trong giai đoạn trước động dục để gây động dục ảnh hưởng đến các quá trình viêm trong tử cung chó, hơn 20% các trường hợp EPC là do sử dụng hormone.

Một thực tế cho thấy, nhiều chủ chó không muốn cho chó sinh sản, nhưng cứ 4-6 tháng chó lại xuất hiện chu kỳ động dục, khi đó máu cùng niêm dịch từ cơ quan sinh dục thường chảy ra ngoài, chủ chó thường gọi bác sỹ thú y đến để tiêm thuốc ức chế động dục. Các bác sỹ thú y thường sử dụng loại thuốc ngừa thai của người là Depo-provera với thành phần là Medroxyprogessterone acetate để ức chế động dục ở chó. Khi sử dụng thuốc này làm cho hàm lượng progesterone tăng cao, trong khi đó lớp nội mạc tử cung rất nhạy cảm với progesterone sẽ hình thành các nang dẫn đến tăng tiết dịch, nhất là ở thời điểm sau động dục, làm cho tế bào dễ bị cảm nhiễm, từ đó nguy cơ bệnh viêm tử cung tăng cao. Điều này giải thích tại sao những chó không sinh sản hoặc sinh sản không đều đặn thường bị

mắc viêm tử cung cao hơn những chó sinh sản bình thường (Sử Thanh Long & Trần Lê Thu Hằng, 2015).

Việc tăng nguy cơ mắc viêm tử cung ở những chó chưa đẻ lứa nào so với những chó đã đẻ một hoặc nhiều lứa cũng được trình bày trong một số nghiên cứu như Sử Thanh Long & Trần Lê Thu Hằng (2015) đã cho thấy mối quan hệ nhất định giữa việc chưa đẻ lần nào và viêm tử cung ở chó cái.

Theo Baithalu & cs. (2010), các nghiên cứu trước đây cho rằng chó cái chưa sinh sản, chó cái bất thường về chu kỳ động dục và mang thai giả làm tăng nguy cơ mắc viêm tử cung, nhưng nhiều nghiên cứu gần đây khuyến nghị rằng không có mối liên quan giữa chu kỳ động dục bất thường và mang thai giả và viêm tử cung. Tuy nhiên, có mối quan hệ nhất định giữa chó chưa đẻ lần nào và bệnh viêm tử cung. Các yếu tố nguy cơ đối với viêm tử cung bao gồm việc chó chưa sinh sản lứa nào và liệu pháp nội tiết (estrogen và progesterone) (Whitehead, 2008; Niskanen & Thrusfield, 1998) trong khi mang thai giả đã được được đề xuất như một yếu tố an toàn. Ảnh hưởng của một số yếu tố nguy cơ chẳng hạn như việc chó chưa sinh sản có thể khác nhau giữa các giống chó (Hagman & cs., 2011; Jitpean, 2015). Như vậy, cần xem xét những trường hợp chó đã quá tuổi sinh sản, đã qua nhiều lần động dục nhưng chưa được phối giống, mang thai và số lần đẻ, ngoài ra bác sỹ cũng cần tư vấn cho chủ nuôi khi không muốn chó sinh sản cần tiến hành triệt sản sớm để phòng ngừa nguy cơ viêm tử cung trên chó.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu lâm sàng, phi lâm sàng, ứng dụng siêu âm chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tử cung trên chó (Trang 72 - 75)