5. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.2.2. Thẩm quyền quyết định tại nội bộ NHTMCP
Những quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định của TCTD về việc thông qua quyết định sáp nhập cũng như quá trình thông qua này cũng có những đặc thù so với sáp nhập doanh nghiệp thông thường. Một trong những nguyên tắc được đặt ra đối với việc sáp nhập TCTD đó là nguyên tắc ra quyết định sáp nhập. Theo đó thì cơ quan có thẩm quyền quyết định của cácTCTD tham gia sáp nhập thông qua quyết định về việc sáp nhập theo điều kiện, thể thức họp và biểu quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đại hội đồng cổ đông-cơ quan có quyền quyết định tiến hành sáp nhập:
Theo Điều 59 Luật các TCTD năm 2010 thì ĐHĐCĐ gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của TCTD và có quyền hạn quyết định việc sáp nhập TCTD.
Tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định sáp nhập:
Đối với trường hợp sáp nhập, quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua phải được số cổ đông đại diện trên 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận hoặc tỷ lệ cao hơn do Điều lệ của TCTD quy định. Đồng thời quyết định đối với vấn đề sáp nhập trên phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ. Quy định này có phần khác so với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp ghi nhận đối với quyết định về tổ chức lại công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Như vậy có thể thấy,
44
quy định của Luật các TCTD 2010 về tỷ lệ biểu quyết thông qua vấn đề tổ chức lại TCTD ở mức thấp hơn so với Luật Doanh nghiệp. Theo nguyên tắc áp dụng Luật, thì luật chuyên ngành tức là các quy định của Luật các TCTD sẽ được áp dụng ở đây. Trong khi đó, việc cơ cấu lại TCTD là một vấn đề có tính chất quan trọng, có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý, điều hành cũng như hoạt động kinh doanh của chủ thể này.
Trên thực tế, quy định tỷ lệ biểu quyết như trên của Luật các TCTD 2010 không quá khó để một nhóm cổ đông có ý định thâu tóm đạt được mục đích của mình. NHTM dưới hình thức cổ phẩn có ưu điểm dễ dàng hơn trong việc huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu cũng như việc chuyển nhượng cổ phần. Với mức quy định vốn pháp định ngày càng lớn như hiện nay, đòi hỏi muốn mở rộng được quy mô, những người sáng lập NH phải chấp nhận chia sẻ quyền lực với các cổ đông mới. Đây cũng chính là con đường để những nhà đầu tư có ý định thâu tóm NH thực hiện việc thâu tóm của mình. Khi đạt được những tỷ lệ sở hữu nhất định về vốn đến mức có thể quyết định những vấn đề quan trọng trong ĐHĐCĐ, một nhóm nhà đầu tư có thể uỷ quyền đầu tư cho một NH nào đó để tiến hành các thủ tục sáp nhập. Những thương vụ sáp nhập thâu tóm như thế thường mang tính chất thù địch và ảnh hưởng lớn không những đến các chủ thể tham gia sáp nhập mà còn tác động tiêu cực vào thị trường. Điều đáng nói là quy trình âm thầm thu mua cổ phiếu của bên NH đối thủ đối với NH mục tiêu có thể diễn ra bằng cách lách luật hoặc vi phạm luật. Trên thực tế, khi các giao dịch vi thâu tóm cổ phiếu vi phạm luật đã xảy ra (không công khai và không thông báo với cơ quan có thẩm quyền về giao dịch), thì cũng được coi là chuyện “ván đã đóng thuyền”. Các chủ thể vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính ở mức độ răn đe mà không có tính chất khắc phục hậu quả đã xảy ra [17].
45
Như vậy, qua quy định của pháp luật về thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ mà việc tái tổ chức một NHTMCP, cụ thể là sáp nhập có thể được tiến hành dưới cả hình thức thù địch lẫn thân thiện [54].
Quy trình tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ:
Quá trình thực hiện thẩm quyền đối với việc sáp nhập TCTD cũng có một số điểm cần lưu ý về mặt pháp lý. Quy trình này được thực hiện theo ghi nhận của Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật các TCTD 2010.
+ Thời điểm tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ:
Trước hết, cuộc họp ĐHĐCĐ được họp thường niên trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do mà tổ chức tín dụng đã kéo dài thời hạn họp đến tháng 5, tháng 6 năm sau.(Như NHTMCP Quân Đội đến giữa tháng 6/2009 mới tiến hành họp ĐHĐCĐ).Việc kéo dài trên có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông cũng như hoạt động của cả bên sáp nhập lẫn bên nhận sáp nhập bởi những vấn đề quan trọng đòi hỏi phải được quyết định thông qua tại ĐHĐCĐ nhưng bị xử lý chậm trễ.
+ Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ:
Khoản 1, Điều 98 của Luật Doanh nghiệp quy định về "Danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ" quy định: "Danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ được lập khi có quyết định triệu tập và phải lập xong chậm nhất ba mươi ngày trước ngày khai mạc họp ĐHĐCĐ nếu Điều lệ công ty không quy định một thời hạn khác ngắn hơn". Việc chốt danh sách này chỉ là để thuận tiện cho yêu cầu phải gửi thông báo mời họp đến địa chỉ của tất cả cổ đông có quyền dự họp. Tuy nhiên, nhiều công ty, trong đó có cả các NHTMCP lại hiểu nhầm rằng, chỉ có những cổ đông có tên tại danh sách cổ đông vào thời điểm lập danh sách mới có quyền dự họp. Đúng ra, thì tất cả cổ đông có tên trong danh sách cổ đông đến ngày khai mạc cuộc họp đều được
46
quyền dự họp. Quyền đương nhiên này của các cổ đông đã được quy định rõ tại khoản 5, Điều 101 của Luật Doanh nghiệp. Chỉ khác là, công ty không bắt buộc phải gửi thông báo mời họp cho những cổ đông sau thời điểm chốt danh sách mời họp.Tuy nhiên, nếu cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần sau thời điểm này thì công ty phải có nghĩa vụ thông báo và tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền dự họp. Việc thông báo trước nhằm bảo đảm được quyền lợi của các cổ đông đã có trong danh sách cổ đông. Điều này cũng tương tự như việc chia cổ tức, phải thông báo trước để đảm bảo quyền lời của các cổ đông đã có trong danh sách cổ đông [28].
+ Mời họp ĐHĐCĐ:
Trước khi cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về việc “Mời họp ĐHĐCĐ”: thông báo mời họp phải gửi đến tất cả cổ đông chậm nhất là bảy ngày làm việc trước ngày khai mạc. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho cổ đông có đủ thời gian bố trí và nghiên cứu tài liệu để tham gia cuộc họp.
Tuy nhiên, tình trạng gửi thông báo trên thường chậm hơn thời hạn luật định. Có thể thông báo mời họp thì ghi đúng thời hạn, nhưng chỉ là thời hạn đối phó, chứ không thể gửi đi đúng ngày hoặc gửi trước 7 ngày nhưng tính cả ngày nghỉ hay gửi tài liệu đến tay cổ đông thì chỉ còn 1-2 ngày hoặc thậm chí đã quá ngày họp. Một trong những nguyên nhân là Luật không nói rõ thời hạn trên được tính theo ngày gửi "đi" hay ngày gửi "đến", bên cạnh đó còn cho phép Điều lệ công ty có thể quy định thời hạn ngắn hơn nữa. Quy định của Luật về phương thức thông báo mời họp là thông báo phải gửi bằng phương thức đảm bảo đến được địa chỉ thường trú của cổ đông. Điều này có nghĩa là phải gửi bằng phương thức mà có thể kiểm soát được kết quả gửi, chứ không thể gửi thư theo cách thông thức thông thường, không có ký nhận, không có kết quả báo phát và không có bảo đảm rằng đến được địa chỉ thường trú của
47
cổ đông. Luật còn quy định rõ "Nếu công ty có trang thông tin điện tử thì thông báo mời họp và các tài liệu gửi kèm theo phải được công bố trên trang thông tin điện tử đó đổng thời với việc gửi thông báo cho các cổ đông". Quy định này làm khó các NHMTCP lớn - với hàng vạn, thậm chí hàng triệu cổ đông, thì việc bắt buộc này lại là điều vô cùng nan giải. Ngoài ra, trên thực tế, nhiều khi không thể gửi đúng địa chỉ "thường trú" như quy định của Luật mà phải gửi theo địa chỉ liên lạc do cổ đông đăng ký.
Cũng tại Điều 100 của Luật Doanh nghiệp về "Mời họp ĐHĐCĐ" đã quy định rõ: "Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của công ty; tên, địa chỉ thường trú của cổ đông hoặc người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông; thời gian và địa điểm họp". Và "Kèm theo thông báo mời họp phải có mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp". Nhưng trên thực tế còn nhiều NHTMCP khi gửi thông báo mời họp chỉ có nội dung về mời họp mà không gửi tài liệu kèm theo hoặc chỉ gửi một số ít trong số những tài liệu nói trên, còn lại thì đề nghị xem tài liệu trên trang web hoặc phát tại cuộc họp, thậm chí là không có. Những tài liệu thường hay thiếu phải kể đến là: Chương trình họp, phiếu biểu quyết, dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp.
Nhìn chung các quy định trên phần nào còn mang tính hình thức, cứng nhắc và chưa phát huy được tác dụng trong việc đem lại lợi ích tối đa cho các cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số- đối tượng ít cơ hội tiếp cận thông tin hơn. Tiếp đó cũng là sự thiếu tuân thủ các quy định của pháp luật trong tiến trình thực hiện cuộc họp ĐHĐCĐ. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền
48
lợi của các cổ đông trong việc nắm bắt thông tin cũng như đưa ra quyết định trong cuộc họp về việc sáp nhập NH.
Như vậy, có thể thấy thủ tục là điều kiện cần thiết để bảo đảm giải quyết đúng đắn vấn đề nội dung. Nếu không thực hiện đúng những quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến việc họp ĐHĐCĐ, thì có thể dẫn đến hậu quả là quyết định của ĐHĐCĐ bị Toà án hoặc Trọng tài huỷ bỏ theo yêu cầu của cổ đông, thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát theo quy định tại Điều 107 của Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, khi tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ, trong đó có quyết định về vấn đề sáp nhập - một nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến cơ cấu tổ chức, hoạt động của NHTMCP thì những yếu tố pháp lý liên quan đến trình tự, thủ tục cũng cần đảm bảo tuân thủ.