1.3.2.1 Nội dung lý thuyết
Lý thuyết tiếp theo được đề cập đến trong Luận án, đó là lý thuyết về quyền sở hữu. Lý thuyết này được J. Locke (1632 – 1704) nghiên cứu trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền” (The Two Treatises of Government) năm 1689. Theo ông, tài sản là quyền tự nhiên và sinh ra do lao động, khi con người cải thiện hoặc biến đổi các nguồn lực tự nhiên, họ có thể có được quyền sở hữu đối với các thành quả lao động của mình. Chính lao động làm nên quyền sở hữu cá nhân cho con người, không ai có quyền lực riêng biệt nào chiếm giữ những tài sản chung thành tài sản riêng, trừ khi họ sử dụng sức lao động của mình; hoặc hành động chiếm giữ này
không gây thiệt hại hay xâm phạm đến phần sở hữu vốn thuộc về người khác37. Quyền sở hữu tự nhiên của một người được mở rộng ra với thành quả sáng tạo của người đó và họ có thể bán tài sản mà mình có được. Cần dành quyền sở hữu các thành quả sáng tạo trí tuệ cho người tạo ra chúng vì nếu không làm như vậy sẽ cấu thành hành vi trộm cắp thành quả của những nỗ lực và cảm hứng của họ38.
Các nhà kinh tế học cổ điển như Adam Smith và Karl Marx cũng đã nhìn nhận tầm quan trọng của quyền tư hữu trong quá trình phát triển kinh tế và các nhà kinh tế chính thống hiện đại cũng đồng ý với quan điểm này. Một lời giải thích được chấp nhận rộng rãi là các quyền tư hữu nếu được thực thi tốt sẽ tạo động lực cho các cá nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế, như đầu tư, đổi mới và trao đổi, dẫn đến một thị trường hiệu quả hơn39.
1.3.2.2 Vận dụng lý thuyết về quyền sở hữu trong nghiên cứu Luận án
Hình ảnh tổng thể thương mại chính là kết quả của sự đầu tư, sáng tạo của doanh nghiệp nhằm mục đích để sản phẩm của mình có được ấn tượng trên thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình quảng bá thương hiệu. Theo quan điểm về quyền tự nhiên của John Locke, những người sáng tạo hoặc chủ sở hữu cần có quyền kiểm soát đối với việc sử dụng các ý tưởng và cách thể hiện các ý tưởng đó. Quan điểm này được thể hiện qua việc chú trọng bảo hộ quyền nhân thân tại các quốc gia theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Quan điểm này cũng phù hợp với cách tiếp cận hiện đại, khi cho phép người sáng tạo hoặc chủ sở hữu của một tài sản trí tuệ được quyền hưởng lợi ích từ công việc hoặc hoạt động đầu tư của mình. Những quyền này được nêu rõ tại Điều 27 của Tuyên bố chung về quyền con người của Liên hiệp quốc (WIPO, 2004). Còn theo quan điểm của một số nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ lại tiếp cận quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ theo quan điểm vị lợi (utilitarian approach) cho rằng
37
Nguyễn Thị Thanh Huyền (2012), ‘Quan niệm của J. Locke về quyền sở hữu trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền’, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN.
38 Phạm Thị Mai Khanh (2016), Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Luận án Tiến sĩ, Đại học Ngoại thương,
39 Besley Timothy, & Ghatak, Maitreesh (2009), Property Rights and Economic Development. In D. R. M. R. Rosenzweig (Ed.), Handbook of Development Economics (4526-4528).
quyền SHTT là phương tiện giúp cân bằng giữa một mặt là nhu cầu sáng tạo, mặt khác là nhu cầu phổ biến và tiếp cận thông tin. Vì quyền sở hữu tư nhân đối với thông tin mang lại cả lợi ích và chi phí nên chúng cần phải được thiết kế với những cân nhắc về khuyến khích (incentives) và đánh đổi (trade-offs). Thuyết vị lợi cũng có thể được mở rộng áp dụng đối với các quyền SHTT liên quan đến các chỉ dẫn thương mại (bao gồm hình ảnh tổng thể thương mại), vốn được phát triển với tư cách là một giải pháp nhằm vượt qua thất bại thị trường do thông tin bất cân xứng40. Chính vì vậy, bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại chính là bảo vệ tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đối với hàng hoá, dịch vụ sử dụng hình ảnh tổng thể thương mại làm đại diện và cam kết bổ sung các nguồn lực để đổi mới hơn nữa, tạo sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh công bằng.