Công khai, minh bạch là một biện pháp hết sức quan trọng để cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền giám sát việc chi tiêu tài chính tại đơn vị. Hiện nay, Quy chế công khai về tài chính, ngân sách, tài sản công tuy đã có quy định nhưng chưa thật sự đi vào thực chất. Vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể trong việc sử dụng của từng cơ quan, đơn vị chưa được phát huy mạnh mẽ. Vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ việc công khai dự toán, quyết toán thu, chi kinh phí NSNN cấp, ... dẫn đến việc chi tiêu tuỳ tiện của thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị làm thất thoát tiền, tài sản nhà nước; mặt khác cán bộ cấp dưới biết nhưng tránh né không dám đấu tranh tố cáo vì sợ bị trù dập.
Công khai tài chính là biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức nhà nước, tập thể người lao động và nhân dân trong việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước; huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính; đảm bảo sử dụng có hiệu quả vốn NSNN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Để đẩy mạnh việc công khai tài chính các cấp ngân sách cần thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:
- Công khai, dân chủ phải được thực hiện đúng quy định về nội dung, phạm vi, thời gian, đối tượng công khai dân chủ; đảm bảo thực hiện công khai dân chủ có tổ chức và tuân thủ nguyên tắc tập trung, dân chủ.
- Phạm vi công khai là: chỉ tiêu biên chế lao động được giao và kinh phí hoạt động của đơn vị được cấp; các tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu;
phương án phân phối và sử dụng kinh phí, việc hình thành và sử dụng các quỹ; công tác quản lý cán bộ của đơn vị.
- Đối tượng công khai là các số liệu liên quan đến lao động và việc nhận và sử dụng kinh phí. Tình hình công khai đến tập thể lãnh đạo, Ban thanh tra nhân dân, cấp uỷ Đảng, Công đoàn, Hội nghị cán bộ công chức hàng năm tại các cơ quan, đơn vị.
- Các cơ quan có chức năng và các tổ chức đoàn thể chính trị cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc công khai ngân sách ở các địa phương, đơn vị. Kịp thời đề xuất, xử lý các tổ chức, đơn vị và cá nhân vi phạm chế độ công khai tài chính đã được nhà nước quy định.
3.1.4 Tăng cường vai trò và quyền hạn của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi vi phạm
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra là nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong quá trình chấp hành ngân sách, răn đe và xử lý đối với những vụ việc xâm tiêu, hiện tượng tiêu cực như tham ô, lãng phí trong quá trình sử dụng nguồn NSNN. Đồng thời, thông qua công tác thanh tra, kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc đối chiếu, kiểm nghiệm các cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước xem đã phù hợp chưa, để từ đó kiến nghị Nhà nước và địa phương bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Bên cạnh việc tăng cường vai trò, quyền hạn công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán nội bộ của ngành KBNN. KBNN tỉnh có phòng Thanh tra để thực hiện chức năng này; phòng Thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất tại các đơn vị KBNN trực thuộc. Kiểm tra, kiểm soát của KBNN góp phần thực hiện chức năng giám đốc tài chính, là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Tài chính và ngành giao cho. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát là công tác hết sức cần thiết
không thể xem nhẹ trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của KBNN. Tổ chức tốt công tác kiểm tra, kiểm soát là một trong những biện pháp rất quan trọng bảo đảm sự an toàn ngân quỹ, tài sản Nhà nước do KBNN quản lý. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát phát hiện những sai sót của cá nhân và tập thể trong việc thực hiện chế độ, chính sách tài chính nhà nước và của ngành đề ra để có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời. Để cán bộ trong ngành thực hiện chế độ một cách nghiêm túc, đặc biệt là cán bộ được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN. Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát phát hiện những vấn đề bất hợp lý, những kẽ hở trong chính sách, trong quy trình nghiệp vụ, qua đó đề nghị với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế nhằm làm cho chế độ của ngành ngày càng hoàn chỉnh hơn.