Ảnh hưởng của dao động đối với độ bền xe, mặt đường và an toàn

Một phần của tài liệu HỆ THỐNG TREO KHÍ NÉN ĐIỆN TỬ (Trang 38 - 39)

Khi ô tô dao động sẽ phát sinh các tải trọng động tác dụng lên khung vỏ, các cụm, hệ thống và các chi tiết của xe cũng như bề mặt đường,… ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của ô tô và đường. Theo số liệu thống kê người ta thấy rằng, khi ô tô vận tải chạy trên đường xấu gồ ghề, so với ô tô cùng loại chạy trên đường tốt bằng phẳng thì vận tốc trung bình giảm khoảng (4050)%, quãng đường chạy giữa hai kì sửa chữa lớn giảm (3540)%, suất tiêu hao nhiên liệu tăng (5070)%, năng suất vận chuyển giảm (3540)%, giá thành vận chuyển tăng (5060)%. Đối với độ bền chi tiết ô tô thì ảnh hưởng của của dao động được thể hiện một cách rõ rệt. Khi dao động, gia tốc dao động gây ra các tải trọng quán tính và có thể xảy ra hiện tượng cộng hưởng làm cho hư hỏng các chi tiết, khung vỏ của xe,…

Dao động của ô tô sẽ gây ra sự thay đổi giá trị phản lực pháp tuyến giữa mặt tiếp xúc của bánh xe với bề mặt đường. Nếu giá trị phản lực pháp tuyến giảm so với trường hợp tải trọng tĩnh thì sẽ giảm khả năng tiếp nhận các lực dọc (lực kéo, lực phanh) và lực ngang, còn khi giá trị phản lực này tăng lên thì sẽ tăng tải trọng động tác dụng xuống nền đường.

Trong quá trình chuyển động xe có thể xảy ra hiện tượng tách bánh (bánh bị nhấc khỏi mặt đường) làm độ an toàn chuyển động giảm vì lúc đó mất khả năng bám của bánh xe với mặt đường. Đối với bánh xe chủ động khi có hiện tượng tách bánh thì công của động cơ lúc này trở thành công vô ích năng lượng của động cơ không trực tiếp đẩy ô tô chuyển động mà làm bánh xe quay không, sau đó bánh xe lại tiếp tục tiếp xúc với mặt đường tạo ra ma sát trượt giữa bánh xe với mặt đường làm mòn lốp, gây va đập trong hệ thống truyền lực. Nếu hiện tượng này xảy ra nhiều và liên tục sẽ làm tăng tiêu hao nhiên liệu ảnh hưởng đến tính kinh tế của ô tô. Ngoài ra, chính các lực tác động thường xuyên xuống mặt đường phá hỏng bề mặt đường.

Dao động của ô tô chủ yếu phụ thuộc vào thông số kết cấu của hệ thống treo. Vì vậy yêu cầu khi thiết kế chế tạo phải lựa chọn các thông số của hệ thống treo hợp lý vừa đảm bảo độ êm dịu, độ bền, độ cứng vững, vừa tuân theo điều kiện làm việc nhất định của hệ thống treo.

Các tính chất dao động của ô tô thường được đánh giá theo hai mặt: đánh giá theo quan điểm về độ êm dịu chuyển động mà thông số gia tốc dao động có tính chất quyết định, vì nó tác dụng lên lái xe và hành khách; theo quan điểm về độ an toàn chuyển động và tải trọng tác dụng xuống nền thì giá trị tải trọng động giữa bánh xe và nền đường là thông số mang tính quyết định.

Một phần của tài liệu HỆ THỐNG TREO KHÍ NÉN ĐIỆN TỬ (Trang 38 - 39)