Giấy tờ có giá

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Phân loại tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 42 - 44)

Giấy tờ có giá được xếp vào một trong bốn nhóm tài sản theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam. Ngoài Điều 163, Bộ luật Dân sự 2005 không có quy định nào khác đề cập đến loại tài sản này. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, giấy tờ có giá được quy định khá chi tiết, cụ thể. Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định nghĩa: "Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác" [22]. Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/02/2006 về giao dịch bảo đảm thì quy định: "Giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự" [5].Quan điểm chung được các nhà lập pháp thống nhất ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau đều coi giấy tờ có giá là một loại tài sản, trị giá được thành tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Khi chủ thể nắm giữ một loại giấy tờ có giá đồng nghĩa với việc họ có một quyền tài sản xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thể khác.

Giấy tờ có giá được chia thành hai loại, giấy tờ có giá như tiền và giấy tờ có giá khác. Giấy tờ có giá như tiền do các tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó xác nhận nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng và người mua. Ngay tên gọi giấy tờ có giá như tiền đã cho thấy các nhà làm luật quan điểm đây cũng là một dạng tiền tệ do đặc thù về chủ thể phát hành. Nếu như tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành thì giấy tờ có giá như tiền do các tổ chức tín dụng phát hành thông qua chức năng "tạo tiền" của tổ chức tín dụng. Việc phát hành giấy tờ có giá phải tuân theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng để huy động vốn. Giấy tờ có giá như tiền bao gồm: giấy tờ có giá ngắn hạn, giấy tờ có giá dài hạn, giấy tờ có giá ghi danh, giấy tờ có giá vô danh. Giấy tờ có giá khác được quy định trong một số các văn bản pháp luật khác như Luật các công cụ chuyển nhượng 2005, Luật chứng khoán 2006… bao gồm séc, chứng khoán, công trái. Các loại giấy tờ có giá này do chính phủ, doanh nghiệp...phát hành trong khuôn khổ các quy định của pháp luật và đều có đặc điểm xác nhận nghĩa vụ trả nợ của chủ thể phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, có kèm theo điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.

Giấy tờ có giá là một loại tài sản đặc biệt. So với tiền, giấy tờ có giá mang những điểm khác biệt về chủ thể phát hành, phạm vi lưu thông, tính thanh khoản, mệnh giá và cả quyền định đoạt của chủ thể:

- Về chủ thể phát hành: Tiền do chủ thể duy nhất là Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành. Giấy tờ có giá có thể được phát hành bởi nhiều chủ thể trong nền kinh tế: Chính phủ, hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, doanh nghiệp.

- Về phạm vi lưu thông: Tiền là công cụ thanh toán đa năng, là biểu hiện chủ quyền quốc gia nên tiền có phạm vi lưu thông trên toàn bộ lãnh thổ

Việt Nam và có giá trị đối với mọi cá nhân, tổ chức. Ngược lại, giấy tờ có giá không phải là công cụ thanh toán đa năng, nó được phát hành, lưu thông hạn chế và cũng chỉ có giá trị đối với một số chủ thể nhất định (thông thường được tổ chức phát hành quy định rõ khi thực hiện phát hành giấy tờ có giá ra thị trường).

-Về mệnh giá: Tiền Việt Nam có 11 mệnh giá từ 200đ đến 500.000đ. Trong khi tùy theo nhu cầu, chủ thể phát hành có thể quy định nhiều loại mệnh giá khác nhau cũng như thời gian áp dụng đối với giấy tờ có giá.

Dưới góc nhìn của lĩnh vực tài chính ngân hàng, giấy tờ có giá là một công cụ thanh toán trong nhiều trường hợp còn hữu ích hơn tiền. Dưới góc nhìn của luật dân sự, giấy tờ có giá cũng giống như tiền là một loại tài sản và được định nghĩa là:

Chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định (tổ chức, cá nhân) xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thể khác. Giấy tờ có giá có ba thuộc tính quan trọng: xác nhận quyền tài sản của một chủ thể; trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự [27, tr. 1].

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Phân loại tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)