Hạn chế của khái niệm tài sản (Điều 163)

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Phân loại tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 56 - 63)

Bộ luật Dân sự 2005 quy định tài sản chỉ gồm 4 nhóm đối tượng: vật, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và quyền tài sản. Điều này có nghĩa ngoài bốn đối tượng được liệt kê trên đây thì các đối tượng khác đều không phải là tài sản và do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định liên quan đến tài sản và sở hữu. Tuy nhiên trên thực tế đã xuất hiện những đối tượng không thuộc bốn nhóm đối tượng được liệt kê trên đây, và từ đó phát sinh tranh cãi những đối tượng này có được xem là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 hay không và nếu là tài sản thì xếp chúng vào loại nào.

Thứ nhất: Tiền

Như phân tích trong Chương 2, tiền là một loại tài sản đặc biệt do nhà nước độc quyền phát hành, thực hiện chức năng là công cụ thanh toán đa năng, công cụ tích lũy và công cụ định giá các loại tài sản khác. Tiền thông thường được hiểu gồm cả nội tệ và ngoại tệ. Nội tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền phát hành, ngoại tệ do nhà nước khác phát hành. Trong lãnh thổ Việt Nam thì chỉ có Việt Nam đồng đáp ứng đủ ba chức năng: công cụ tích lũy, công cụ định giá, và đặc biệt là công cụ thanh toán đa năng. Ngược lại, ngoại tệ do hạn chế về tính lãnh thổ, chủ quyền, nên nó không được xem là công cụ thanh toán đa năng trong lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, ngoại tệ không phải là tiền theo nghĩa mà Bộ luật Dân sự 2005 quy định. Tuy vậy, cùng với sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ của kinh tế quốc tế, các giao dịch mua bán, trao đổi ngoại tệ đã diễn ra ngày càng sôi động hình thành nên thị trường ngoại tệ có sự tham gia của một số các chủ thể đặc biệt: nhà nước,

hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng… Thị trường ngoại tệ vận hành và phát triển dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước bằng một hệ thống các quy định pháp luật đặc thù và các công cụ khác. Như vậy ngoại tệ là một loại hàng hóa đặc biệt. Ngoại tệ không phải là tiền, không phải là vật, cũng không phải giấy tờ có giá vì nó đều không có các đặc điểm tiêu biểu của vật hay giấy tờ có giá. Chính việc không thể xếp ngoại tệ vào bất kỳ nhóm tài sản nào cho thấy việc định nghĩa khái niệm tài sản theo phương pháp liệt kê trên đây là quá hạn hẹp, không thể bao quát hết các nhóm đối tượng được coi là tài sản.

Thứ hai: Tài sản ảo (tài sản hình thành trong game online)

Hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc mua bán tài sản ảo diễn ra rất sôi động. Thực trạng này đòi hỏi các nhà quản lý phải thiết lập các quy định điều chỉnh các giao dịch liên quan đến thế giới ảo. Tài sản ảo mặc dù được nhắc đến nhiều nhưng hiện chưa có một khái niệm thống nhất về đối tượng này. Ông Nguyễn Thanh Hưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử -Bộ Thương mại quan niệm: Theo nghĩa hẹp tài sản ảo được hiểu là các đối tượng trong thế giới ảo chủ yếu là trong game online. Hiểu theo nghĩa rộng tài sản ảo bao gồm tên miền, địa chỉ email, các đối tượng trong thế giới ảo. Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc là các quốc gia châu Á đầu tiên đã đi tiên phong trong việc công nhận tài sản ảo cũng là một loại tài sản và bảo hộ tài sản ảo như các loại tài sản thực khác. Còn tại Trung Quốc, Bộ Công thương Trung Quốc đã ban hành văn bản pháp lý đầu tiên thừa nhận tài sản ảo là tài sản tại văn bản "Phương pháp tạm thời quản lý giao dịch online và các hành vi phục vụ có liên quan". Tại Mỹ, mặc dù chưa ban hành các quy định về bảo vệ sở hữu đối với tài sản ảo nhưng cũng không cấm việc mua bán công khai các loại tài sản này. Đặc biệt tại Mỹ đã phát sinh những tranh chấp đầu tiên liên quan đến tài sản ảo mà khi các đương sự khởi kiện ra tòa án, tòa án đã lúng túng do chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh nội dung này.

Có thể thấy rằng, việc phát triển công nghệ thông tin đã hình thành nên cả một nền kinh tế ảo, nền kinh tế này có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai và mang về những khoản lợi khổng lồ cho người kinh doanh chúng. Theo số liệu của hãng nghiên cứu Plus Eight Star:

Năm 2008 người tiêu dùng đã bỏ khoảng 5 tỉ USD để đầu tư vào các tài sản trong thế giới ảo. Trong Second Life mức trung bình trao đổi hàng hóa dịch vụ đạt khoảng 600 triệu USD/năm. Hiện SecondLife đang là nền kinh tế ảo lớn nhất với giá trị thậm chí còn cao hơn GDP của hàng chục quốc gia trung bình trên thế giới cộng lại [29].

Hiện cũng có rất nhiều cá nhân kiếm tiền bằng cách buôn bán, trao đổi hàng hóa trong thế giới ảo. Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng chung của thế giới. Với gần 30 triệu người sử dụng internet, Việt Nam hiện đang là một thị trường tiềm năng cho các nhà cung cấp game online. Giao dịch trong thế giới ảo tại Việt Nam cũng hết sức sôi động, và đã xuất hiện những tranh chấp điển hình. Có thể kể ra ở đây một vụ việc cụ thể:

Chiều 30.3.2008 anh NKTL người chơi game (gamer) Võ Lâm Truyền Kỳ đến một cửa hàng internet tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh để chuyển nhượng chiếc ngọc bội - một vật phẩm trong game cho một gamer khác với giá thỏa thuận chuyển nhượng là 30 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi vật phẩm được chuyển nhượng từ nhân vật của anh cho nhân vật trong game của người mua, người này đã bỏ chạy. Đồng thời một nhóm khoảng 10 người xuất hiện chặn không cho anh đuổi theo người kia kèm theo nhiều lời đe dọa. Vài ngày sau vật phẩm này đã được 123shop.com.vn mua lại với giá 18 triệu đồng rồi rao bán với giá 27 triệu đồng. Theo lời anh L, ngay sau khi sự việc xảy ra anh đã nhiều lần liên lạc với bộ phận hỗ trợ của Vinagame nhờ giúp đỡ nhưng bị từ chối. Đến chiều 31.3

anh liên hệ được với một nhân viên của Vinagame và được yêu cầu viết bản tường trình thuật lại sự việc có sự xác nhận của nhân chứng và công an phường nơi xảy ra sự việc. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục theo yêu cầu của Vinagame, tại buổi làm việc với đại diện của công ty này, anh L nhận được trả lời chính thức không đồng ý cho anh lấy lại vật phẩm. Ông Việt Phương phụ trách truyền thông game Võ Lâm Truyền Kỳ xác nhận sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát của Vinagame, giao dịch của anh L diễn ra ngoài trụ sở của Vinagame nên Vinagame không thể xác minh sự việc. Vinagame cũng không công nhận chuyện mua bán bằng tiền thật của khách hàng, do vậy không thể trả lại cho gamer vật phẩm đã bị cướp. Trước đó cũng đã xảy ra những trường hợp cướp tài sản trong game nên Vinagame khuyến cáo người chơi nên đến Nghinh khách đường của Vinagame giao dịch để được đảm bảo an ninh. Ông Nguyễn Trường Sinh quản trị 123shop.com.vn cho biết trong vụ này 123shop.com.vn cũng là nạn nhân. Sau khi mua món đồ khoảng 1 ngày, ông Sinh phát hiện Vinagame đã thu hồi món đồ đó và khóa lại mà không thông báo. Liên lạc với Vinagame mới biết lý do thu hồi là tài sản mất cắp. Quy định của Vinagame là khi thu hồi vật phẩm sẽ không trả lại cho người mất. Người bị hại không nhận được sự hỗ trợ giải quyết của Vinagame. Luật pháp chưa bảo hộ cho những trường hợp thế này nên dù bị hại mất một số tiền lớn họ cũng không biết kêu ai[16]. Trong tình huống thực tế trên có hai chủ thể là anh L và 123shop.com.vn là những người trực tiếp bị thiệt hại về mặt tài sản. Anh L mất vật phẩm, còn 123shop.com thì mất số tiền 18 triệu (do mua lại vật phẩm từ kẻ lừa đảo nhưng sau đó không thể chuyển nhượng được). Đặt giả thiết nếu đối tượng mua bán không phải là một vật phẩm trong game mà là một tài sản bình thường như đồng hồ hay máy tính…thì tranh chấp hoàn toàn có thể được giải quyết bằng các quy định của luật dân sự và hình sự. Anh L có thể kiện

đòi lại tài sản bị mất cắp hiện do 123shop.com nắm giữ nếu chứng minh được tài sản đó thuộc quyền sở hữu của mình mà trước đó do bị lừa đảo mà mất. Còn đối tượng lừa đảo chiếm đoạt vật phẩm của anh L có thể bị truy cứu hình sự về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của tranh chấp trên thì hoàn toàn ngược lại. Nhà cung cấp game - Vinagame thu hồi vật phẩm mà không trả lại cho chủ sở hữu đích thực của nó (anh L). Còn kẻ chiếm đoạt vật phẩm thu lời 18 triệu lại không bị bất kỳ một trách nhiệm pháp lý nào. Người mất tài sản thì bức xúc với cách hành xử của Vinagame, còn Vinagame thì khẳng định rằng họ không sai vì đã thực hiện đúng các quy định đã thỏa thuận rõ với các gamer trước đó.

Từ thực tế trên bắt buộc các nhà quản lý phải tính đến chuyện có nên bảo hộ tài sản ảo hay không? Nếu căn cứ vào quy định về tài sản của Bộ luật Dân sự2005 thì tài sản ảo không phải là tài sản do nó không thuộc một trong bốn nhóm đối tượng là: vật, tiền, giấy tờ có giá hay các quyền tài sản. Do đó, tài sản ảo không thể được bảo hộ như các tài sản thông thường khác. Quan điểm này không nhận được sự đồng tình của rất nhiều nhà luật học. Các nhà luật học ủng hộ bảo hộ tài sản ảo lập luận rằng: tài sản ảo là khách thể của quyền sở hữu và bản chất cũng có các đặc điểm như các tài sản thông thường khác. Tài sản ảo được hình thành bằng con đường hợp pháp, để có được chúng các game thủ phải đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc. Tài sản ảo sau đó được định giá thành tiền và được mua đi bán lại thông qua các giao dịch có thực. Việc luật không ghi nhận không làm mất đi bản chất của loại tài sản này và cũng không làm hạn chế đi các giao dịch liên quan đến chúng. Khi có giao dịch sẽ phát sinh tranh chấp. Tranh chấp nếu không được pháp luật giải quyết thì các bên bắt buộc phải tìm đến các phương pháp giải quyết tranh chấp khác ngoài pháp luật; ví dụ: các quy định, nội quy do các nhà cung cấp game ban hành. Nhưng các quy định này thông thường chỉ bảo vệ quyền lợi cho nhà cung cấp game, hạn chế và thậm chí là rũ bỏ trách nhiệm đối với người chơi. Và cuối cùng những chủ thể lẽ ra phải được bảo vệ nhiều nhất thì lại không

thể đòi lại quyền lợi của mình chỉ vì thiếu các quy định của pháp luật. Đây chính là lỗ hổng của luật cần phải được xem xét bổ sung, bắt đầu từ chính việc quan niệm lại về tài sản.

Thứ ba: Mô, bộ phận cơ thể người.

Không chỉ dừng lại ở những tranh cãi xung quanh việc có thừa nhận hay không thừa nhận việc bảo hộ tài sản ảo, hiện còn phát sinh thêm các tranh chấp liên quan đến một nhóm đối tượng nhạy cảm khác là các bộ phận cơ thể người. Bộ luật Dân sự 2005 đã ghi nhận Quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33), Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 34) và Quyền nhận bộ phận cơ thể người (Điều 35) như là một trong các quyền nhân thân cơ bản của con người. Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 đã tạo hành lang pháp lý để hợp pháp hóa các hành vi hiến tặng cơ thể người vì mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận. Con người là chủ thể của các quan hệ pháp luật, con người và bộ phận cơ thể người sống không thể là tài sản dưới góc độ luật dân sự. Tuy nhiên hiện đang nảy sinh tranh cãi bộ phận cơ thể người, mô, tế bào đã được tách ra khỏi cơ thể người sống có phải là tài sản hay không? Theo các công ước quốc tế và về nguyên tắc thì mô, bộ phận cơ thể người không phải là hàng hóa và không có tính chất thương mại. Một số nước quy định trực tiếp trong luật,mô bộ phận cơ thể người không phải là tài sản và do đó không thể là các đối tượng của giao dịch trao đổi mua bán. Điều 16-5 Bộ luật Dân sựCộng hòa Pháp quy định: "Mọi thỏa thuận được giao kết nhằm mục đích sử dụng cơ thể người, các bộ phận cơ thể người hoặc các sản phẩm từ cơ thể người đều vô hiệu". Quan điểm này cũng được pháp luật Đức, Trung Quốc … thừa nhận. Ngược lại với quan điểm này, pháp luật của một số nước trong đó có Mỹ cho rằng mô, bộ phận cơ thể người là tài sản. Khi cá nhân cho đi bộ phận cơ thể người họ có quyền nhận lại những giá trị vật chất nhất định. Theo quan điểm của các nước không thừa nhận mô bộ phận cơ thể người là tài sản thì các giao dịch liên quan đến bộ phận cơ thể người hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, mô

bộ phận cơ thể người vì thế không thể định giá được bằng tiền. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng hiện đã hình thành thị trường mua bán mô bộ phận cơ thể người ở một số các quốc gia. Thị trường này hoạt động công khai hay bí mật phụ thuộc vào quan điểm của mỗi nước có coi mô bộ phận cơ thể người là tài sản hay không. Theo công bố tại Hội nghị quốc tế lần thứ 20 về Cấy ghép mô bộ phận cơ thể người "thì giá bán một quả thận tại Mỹ là 30.000USD, Peru 10.000USD, Thổ Nhĩ Kỳ từ 5.000-10.000USD, Nam Phi từ 3.000-20.000USD, Ấn Độ: 1.000-2.000USD" [25].Ngoài ra, hiện cũng tồn tại quan điểm dung hòa hai quan điểm trên, quan điểm này cho rằng nên thừa nhận giao dịch mua, bán bộ phận cơ thể người nhưng trong giới hạn và phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Việc này sẽ hạn chế các giao dịch giả tạo bề ngoài là hiến tặng nhưng thực chất là có việc mua bán bên trong. Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam thì hẳn nhiên các nhóm đối tượng này không phải là tài sản (do không phải là vật, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền hay các quyền tài sản). Hiện pháp luật nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam nghiêm cấm các giao dịch liên quan đến bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Tuy nhiên việc trao đổi, mua bán ngầm bộ phận cơ thể người vẫn diễn ra mà không có sự kiểm soát của pháp luật. Do đó nhìn nhận các đối tượng này là tài sản hay không hiện cũng đang là vấn đến gây nhiều tranh cãi trong giới luật học.

Từ các ví dụ trên đây, có thể thấy khái niệm tài sản Bộ luật Dân sự 2005 đưa ra là không hợp lý. Việc định nghĩa tài sản bằng phương pháp liệt kê mặc dù dễ diễn đạt, dễ hiểu nhưng về cơ bản không bao quát được hết các đối tượng có thể được coi là tài sản và đặc biệt là các loại tài sản mới hình thành. Nên chăng xây dựng khái niệm tài sản dựa trên những tiêu chí chung, để từ những tiêu chí ấy có thể xác định được phạm vi các loại tài sản. Như đã phân tích trong Chương 1, tài sản nắm giữ vai trò không thể thiếu trong đời sống con người và là các lợi ích mà chủ thể muốn đạt được khi tham gia giao

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Phân loại tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 56 - 63)