PHÂN LOẠI TÀI SẢN CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Phân loại tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 73 - 79)

Từ những phân tích trong Mục 3.1 và 3.2, có thể thấy khái niệm tài sản và phân loại tài sản trong Bộ luật Dân sự 2005 còn nhiều bất cập. Căn cứ vào hình thức tồn tại của tài sản nhà làm luật phân chia tài sản thành vật, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Căn cứ vào tính chất vật lý (khả năng di dời) tài sản được chia thành động sản và bất động sản. Tổng hợp hai cách phân loại tài sản trên đây, giới luật học đều đi đến thống nhất rằng Bộ luật Dân sự Việt Nam đã xây dựng khái niệm tài sản không theo bất kỳ mô hình hay học thuyết mẫu mực nào. Cách phân loại là sự lắp ghép, sao chép không khoa học từ các hệ thống pháp luật khác nhau. Điều này đã dẫn đến thực tế -các quy định trở thành "vô duyên" trong quá trình áp dụng và không

giải thích được trong nhiều trường hợp điển hình. Chính từ những bất cập trên và với mong muốn hoàn thiện hơn nữa khái niệm và cách phân loại tài sản, nên chăng cần xây dựng lại khái niệm tài sản theo các hướng sau:

Thứ nhất: Không nên xây dựng khái niệm tài sản bằng phương pháp liệt kê. Phương pháp này không chỉ ra được phạm vi dứt khoát của tài sản, dẫn đến những tranh cãi trong việc xác định một số đối tượng có phải là tài sản hay không: tài sản ảo, mô, bộ phận cơ thể người, hoặc không thể xác định đối tượng thuộc nhóm tài sản nào mặc dù tính chất tài sản của nó rất rõ ràng như "ngoại tệ". Vì vậy nên xây dựng khái niệm tài sản bằng cách khái quát hóa những đặc điểm cần có của tài sản: Tài sản là các lợi ích vật chất mà con người có thể sở hữu được nhắm đáp ứng được các yêu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, kinh doanh của cá nhân,doanh nghiệp.

Thứ hai: Quyền tài sản là một trong các khái niệm quan trọng của luật dân sự và liên quan mật thiết đến vấn đề sở hữu. Quyền tài sản theo định nghĩa tại Điều 181 Bộ luật Dân sự 2005 phải đáp ứng được hai tiêu chí định giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Định nghĩa này đã loại bỏ rất nhiều quyền có tính chất tài sản ra khỏi phạm vi của quyền tài sản: quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyền mua nhà, đất thuộc dự án tái định cư… Quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện cho rằng cần phải xây dựng quyền tài sản để đủ tầm đối trọng với quyền nhân thân trong pháp luật dân sự. Điều 26 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" [19]. Các quyền nhân thân đều có tính chất phi tài sản. Do đó chỉ nên quy định quyền tài sản là những quyền trị giá được bằng tiền mà không nhất thiết phải chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Bởi việc có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự hay không còn phụ thuộc vào các quy định của pháp luật ở mỗi giai đoạn khác nhau. Ngược lại tính chất định giá được bằng tiền của một quyền tài sản là tính cố hữu và không thay đổi qua các thời kỳ khác nhau.

Thứ ba: Bộ luật Dân sự 2005 phân loại tài sản theo một trong hai tiêu chí truyền thống thành động sản và bất động sản, sau đó liệt kê các tài sản được coi là bất động sản và sử dụng phương pháp loại trừ để xác định những tài sản không phải là bất động sản thì là động sản. Phương pháp này cũng được sử dụng trong pháp luật của nhiều quốc gia. Tuy nhiên Bộ luật Dân sự Việt Nam lại bỏ qua các quyền phát sinh từ bất động sản trong danh sách các bất động sản được liệt kê. Đây là một lỗ hổng rất lớn bởi lẽ tại Việt Nam các quy định liên quan đến sở hữu bất động sản đều được xây dựng trên quyền sử dụng đất chứ không phải quyền sở hữu đất. Do đó các nhà làm luật Việt Nam nên tiếp thu quy định của Bộ luật Dân sự Pháp xem các quyền và dịch quyền phát sinh từ bất động sản đều là động sản.

Thứ tư: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, khoa học kỹ thuật, đã hình thành nên một nền công nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ảo. Tài sản ảo xuất hiện ngày càng nhiều kéo theo đó là sự xuất hiện các tranh chấp xung quanh các đối tượng này. Luật dân sự hiện vẫn đứng ngoài và không có quy định liên quan đến việc điều chỉnh nhóm đối tượng này. Do vậy, cần có sự đánh giá trong việc có nên thừa nhận tài sản ảo là tài sản hay không. Đồng thời xây dựng quy chế pháp lý điều chỉnh phù hợp đối với nhóm đối tượng này, nhằm hướng tới việc hình thành và phát triển thị trường tài sản ảo lành mạnh.

Thứ năm: Khái niệm tài sản và phân loại tài sản được quy định tại Điều 163 và chương XI gồm 8 điều (từ Điều 174 đến Điều 181). Sự sắp xếp điều luật về cơ bản là không hợp lý. Vì trong các điều luật kể trên không thấy quy định nào liên quan đến tiền và giấy tờ có giá -một trong bốn loại tài sản quan trọng theo quy định tại Điều 163. Do đó, cần bổ sung thêm các quy định về hai đối tượng này trong phần Các loại tài sản.

Thứ sáu: Nhà làm luật Việt Nam nên tham khảo một trong các tiêu chí phân biệt vật thành vật sở hữu được và vật không sở hữu được. Việc phân biệt

vật thành vật có thể sở hữu và vật không thể sở hữu là căn cứ xây dựng quy chế pháp lý với của chung, vật vô chủ vàquy định liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu tại Mục I Chương XIV Bộ luật Dân sự2005.

KẾT LUẬN CHƢƠNG 3

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây kéo theo vai trò ngày càng quan trọng của yếu tố tài sản trong các quan hệ dân sự, lao động, thương mại…Thực tế này đòi hỏi ngành khoa học luật dân sự hơn lúc nào hết phải thể hiện được vai trò định hướng, điều chỉnh các quan hệ tài sản bằng hệ thống các quy định pháp luật phù hợp của mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua các quy định liên quan đến tài sản của Bộ luật Dân sự 2005 đã bộc lộ những hạn chế thể hiện ở nhiều khía cạnh: phương pháp xây dựng khái niệm không phù hợp, tiêu chí phân loại không rõ ràng. Các khái niệm gốc: tài sản, quyền tài sản, động sản, bất động sản… tiếp thu từ pháp luật nước ngoài nhưng lại có thêm những điểm sáng tạo không hợp lý. Do không dự liệu được các tình huống phát sinh nên tính ứng dụng trong thực tế của các quy định này bị giảm sút, gây lúng túng trong quá trình xử lý tranh chấp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người dân. Từ thực tế đó, Chương 3 tập trung phân tích và đề xuất phương hướng hoàn thiện các quy định liên quan đến tài sản và phân loại tài sản để các quy định này thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế.

KẾT LUẬN

Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình hội nhập và phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Trong xu hướng chung đó, pháp luật cũng đang dần hoàn thiện để kịp thời điều chỉnh và định hướng các quan hệ giữa các chủ thể phát triển lành mạnh. Luật dân sự là ngành luật gốc, đồng thời cũng là ngành luật mà các quy định của nó được áp dụng thường xuyên nhất trong đời sống hay trong giao lưu kinh doanh, thương mại. Bộ luật Dân sự 2005 đã có hiệu lực thi hành gần bảy năm. Bảy năm là một quãng thời gian đủ dài để Việt Nam có những thay đổi lớn trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, bảy năm lại là một quãng thời gian quá ngắn để sửa đổi một bộ luật, nhất là Bộ luật Dân sự. Điều này đã chỉ ra rằng các nhà làm luật Việt Nam khi xây dựng Bộ luật Dân sự2005 đã không dự đoán được sự vận động, phát triển của đời sống kinh tế, xã hội khiến những quy định của nó mới đi vào áp dụng trong một thời gian ngắn đã nảy sinh những bất cập đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung ngay. Một trong những bất cập đó chính là việc xây dựng khái niệm tài sản, phân loại tài sản không theo một học thuyết mẫu mực nào. Các nhà làm luật Việt Nam định nghĩa tài sản, phân loại tài sản dựa trên sự sao chép, lắp ghép từ các hệ thống pháp luật khác nhau khiến các quy định mặc dù dễ diễn đạt, dễ hiểu nhưng lại tạo ra những mâu thuẫn về cả mặt lý luận lẫn thực tiễn.

Tài sản và sở hữu tài sản là một trong những mối quan tâm lớn nhất của xã hội loài người và được các ngành khoa học chuyên ngành nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, vài trò của tài sản ngày càng được khẳng định. Nó trở thành tiêu chí quan trọng để xác định độ giàu có, tiềm lực và sức mạnh của mỗi quốc gia. Trong khoa học pháp lý, tài sản là đối tượng của quyền sở hữu, đáp ứng được nhu cầu của con người và có thể đưa vào trong giao lưu dân sự. Tài sản đồng thời cũng là khái niệm gốc để từ đó xây dựng các chế định lớn và các phân ngành của luật dân sự.

Luận văn ra đời xuất phát từ vai trò quan trọng của tài sản và từ nhu cầu sửa đổi các quy định về tài sản, phân loại tài sản trong pháp luật thực định (cụ thể là Bộ luật Dân sự 2005). Luận văn tập trung nghiên cứu lịch sử hình thành phát triển của khái niệm tài sản, phân loại tài sản trên thế giới đồng thời đối chiếu, so sánh với các quy định của pháp luật Việt Nam để chỉ ra những nhược điểm, hạn chế trong các quy định về tài sản và phân loại tài sản. Từ kết quả của việc nghiên cứu các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, luận văn đưa ra những giải pháp, phương án sửa đổi góp phần hoàn thiện các quy định này theo hướng phù hợp hơn với thực tế đời sống tại Việt Nam và các quy định của pháp luật dân sự thế giới trong giai đoạn mới - giaiđoạn của mở cửa, hội nhập và phát triển.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Phân loại tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 73 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)