1.2.3.1.Yếu tố đào tạo, bồi dưỡng công chức
Chất lượng công chức phường hình thành và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu và quan trọng là thông qua đào tạo với mục đích “làm cho trở thành người có năng lực theo tiêu chuẩn nhất định” [34]. Đào tạo đội ngũ công chức phường là làm cho đội ngũ này có được năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định, bao gồm trình độ về kiến thức, năng lực về hiểu biết, nhận thức sự việc, năng lực điều hành, tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm “cán bộ là gốc của mọi công việc” và xác định “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” nên trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, cho cách mạng. Người căn dặn cán bộ đi học là để “làm việc, làm người, làm cán bộ”. Như vậy, theo Người việc học tập là để hình thành năng lực của người cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc thực tế.
Hiện nay, đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH với nhiều thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhiệm vụ chính trị rất nặng nề, đặt ra nhiều vấn đề cho công tác cán bộ và đào tạo cán bộ. Đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở ngang tầm, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, có năng lực thực tiễn góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Phải nhận thức sâu sắc rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khoa học, hơn nữa là một khoa học về con người. Do đó, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ tạo tiền đề cho quá trình tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI của ĐCSVN (1986) đã đánh dấu sự đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước. Đại hội VII, VIII, IX, X, XI đã tiếp tục khẳng định: Phải chăm lo xây dựng thật tốt đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành và đổi mới quan niệm, phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ trong tình hình mới. Trước hết, phải coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, phường tại chỗ - coi đây là mục tiêu lâu dài. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phường là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, do chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ ở cơ sở nên nhìn chung một bộ phận công chức phường chưa thực sự đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình mới. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhiều khi chưa phù hợp với đối tượng học viên, chưa có sự đầu tư thỏa đáng trong xây dựng chương trình. Một số bài giảng khô khan, nặng về lý luận với những thuật ngữ trừu tượng, phức tạp.
1.2.3.2. Cơ chế tuyển dụng công chức
Đây là cách thức, phương pháp để lựa chọn và bố trí cán bộ cho đúng người, đúng việc nhằm phát huy năng lực và sở trường của họ để đạt kết quả cao trong công tác. Việc tuyển dụng công chức vừa là những điều kiện cần thiết vừa là yêu cầu của khoa học quản lý con người. Tính khoa học thể hiện ở chỗ nó phải dựa vào cơ sở lý luận và thực tiễn của quy luật phát triển xã hội,
đường lối, nguyên tắc, phương pháp và những yếu tố tâm lý học để đánh giá, tuyển dụng. Nếu làm tốt công tác tuyển dụng, chúng ta sẽ lựa chọn được những người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ năng lực và xếp họ vào đúng chỗ, đúng việc.
Việc sắp xếp đúng chỗ, đúng việc sẽ tạo điều kiện phát huy tinh thần hăng say làm việc, khuyến khích tinh thần học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Vì vậy, công tác tuyển dụng có ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng của đội ngũ công chức nói chung và công chức phường nói riêng. Những năm gần đây, việc tuyển chọn công chức phường gắn liền với thi tuyển, lựa chọn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
1.2.3.3. Chế độ, chính sách
Chế độ, chính sách là công cụ điều tiết cực kỳ quan trọng trong quản lý xã hội và có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của con người. Chế độ, chính sách có thể mở đường, là động lực thúc đẩy tính tích cực, tài năng, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi con người nhưng cũng có thế kìm hãm hoạt động của con người, làm mai một tài năng, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi con người. Vì vậy, chế độ chính sách là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đội ngũ công chức nói chung và công chức phường nói riêng.
Hiện nay, việc đổi mới cơ chế sử dụng và chính sách đối với công chức là khâu đột phá, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở vùng này để có thể đảm đương được nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách đối với đội ngũ công chức phường còn một số bất cập. Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không đồng bộ từ quy hoạch đến đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng đến cơ chế kiểm tra, giám sát,...
1.2.3.4. Công tác quản lý, kiêm tra, giám sát đội ngũ công chức
Việc kiểm tra, giám sát và quản lý là hoạt động nhằm nắm chắc thông tin, diễn biến về tư tưởng, hoạt động của công chức, giúp cho cấp ủy và thủ trưởng phát hiện vấn đề nảy sinh, kịp thời điều chỉnh và tác động, làm cho
đội ngũ công chức luôn hoạt động đúng hướng, đúng nguyên tắc. Để có thưởng phạt nghiêm minh, ngăn chặn cái xấu, cái tiêu cực, phát huy nhũng nhân tố tích cực, cần nắm vững thực trạng của đội ngũ công chức. Đây là cơ sở để làm tốt công tác cán bộ từ quy hoạch cho đến đào tạo và sử dụng bố trí cán bộ, công chức.
Thực tế cho thấy, một bộ phận nhỏ công chức phường khi mới được tuyển dụng đều là những người có phẩm chất chính trị tốt, trung thành, tận tụy, liêm khiết, có uy tín đối với nhân dân địa phương song trong quá trình hoạt động vốn dĩ còn hạn chế về trình độ, năng lực nên hiệu quả công việc chưa cao. Điều đó, có phần thiếu sót của công tác kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ.
Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý và bảo vệ công chức có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đội ngũ công chức nói chung và công chức phường nói riêng.
1.2.3.5. Trình độ của công chức
Trình độ, năng lực công chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước cấp xã. Khi công chức không đáp ứng được những yêu cầu về mặt chuyên môn, nghiệp vụ đối với vị trí đang công tác thì không thể hoạt động có hiệu quả cao. Một số công chức do thiếu năng lực nên giải quyết công việc chủ yếu dựa theo kinh nghiệm mà thiếu những căn cứ khoa học; thiếu trình độ, kỹ năng nghề nghiệp dẫn đến giải quyết công việc còn chậm; hiểu biết về pháp luật còn yếu nên không ít trường hợp công chức hiểu sai tinh thần của văn bản pháp luật dẫn đến việc thực thi sai và không thống nhất các văn bản pháp luật.