Quan điểm của V.I.Lênin về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

Một phần của tài liệu Bài giảng Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin (Học phần 1) (Trang 53 - 54)

- Phủ định là sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác trong quá trình vận động phát triển của thế giới vật chất.

a)Quan điểm của V.I.Lênin về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

Trong tác phẩm “Bút ký triết học”, Lênin đã khái quát con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý khách quan như sau: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan.

*. Giai đoạn từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính

- Nhận thức cảm tính là giai đoạn đầu của quá trình nhận thức, khi có sự tác động trực tiếp của sự vật vào giác quan con người. Gồm 3 hình thức:

+ Cảm giác là sự phản ánh những thuộc tính riêng lẻ của sự vật khi nó tác động trực tiếp vào giác quan con người (màu sắc, âm thanh, mùi vị…). Cảm giác là nguồn gốc mọi hiểu biết của con người, là kết quả của sự chuyển hoá những năng lượng kích thích từ bên ngoàI thành yếu tố của ý thức. Chính vì vậy Lênin đã viết "Cảm giác là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan".

+ Tri giác là hình ảnh tương đối toàn vẹn về sự vật, do cảm giác mang lại, là sự tổng hợp của nhiều cảm giác. So với cảm giác thỉ tri giác là hình thức nhận thức cao hơn, đầy đủ hơn, phong phú hơn về sự vật nhưng đó vẫn chỉ là những hình ảnh trực quan tương đối hoàn chỉnh về đối tượng. Trong khi đó nhận thức không phải lúc nào cũng đòi hỏi có sự xuất hiện trực tiếp của đối tượng mà nhiều khi nó chỉ xuất hiện một lần rồi biến đổi nhưng con người vẫn phải nhận thức về nó. Để giải quyết mâu thuẫn đó nhận thức phải chuyển lên một nấc thang cao hơn là biểu tượng.

+ Biểu tượng: là hình ảnh cảm tính về sự vật đã được tri giác còn lưu lại trong trí nhớ con người khi sự vật không còn trực tiếp tác động vào giác quan con người.

Như vậy: nhận thức cảm tính là sự phản ánh trực tiếp, sinh động, phong phú hiện thực. Nhưng ở giai đoạn này con người chưa nhận thức được bản chất của sự vật mà chỉ nhận thức bề ngoài sự vật, muốn nhận thức được bản chất sự vật phải chuyển giai đoạn nhận thức cao hơn, đó là nhận thức lý tính.

- Nhận thức lý tính là giai đoạn phản ánh gián tiếp, khái quát nhằm tách ra và nắm bắt cái bản chất, quy luật vận động của sự vật để cải tạo biến đổi nó. Do đó, nhận thức lý tính đạt tới trình độ sâu sắc, đầy đủ, chính xác hơn (so với nhận thức cảm tính) về sự vật. Nhận thức lý tính có 3 hình thức:

+ Khái niệm là hình thức cơ bản của nhận thức lý tính, nhằm phản ánh những thuộc tính cơ bản bản chất của một lớp sự vật, hiện tượng. Khái niệm vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan và luôn vận động biến đổi để phản ánh ngày càng đúng hơn sự vận động biến đổi của thế giới vật chất.

+ Phán đoán là một hình thức của tư duy liên kết các khái niệm với nhau để khẳng định hoặc phủ định một thuộc tính nào đó của sự vật có 3 loại: phán đoán đơn nhất, phán đoán đặc thù và phán đoán phổ biến.

+ Suy lý là hình thức của tư duy liên kết các phán đoán với nhau để rút ra từ thức mới về sự vật. Có hai loại: suy luận quy nạp và quy nạp diễn dịch.

Một phần của tài liệu Bài giảng Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin (Học phần 1) (Trang 53 - 54)