7. Cơ cấu của luận văn:
2.3.3.2. Thủ tục hiến bộ phận cơ thể của cá nhân
Điều 33 BLDS 2005, ở đoạn thứ nhất quy định “Cá nhân có quyền được hiến BPCT của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học”, bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa quyền này, điều luật trên còn quy định “Việc hiến và sử dụng BPCT được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Trên thực tế, Luật Hiến, lấy, ghép mô, BPCT người và hiến, lấy xác đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Việc ban hành các quy định trên là hết sức cần thiết. Chúng đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức và các chủ thể có liên quan khác có
thể thực hiện được trên thực tế các quyền của người hiến bộ phận có thể; đảm bảo cho các quyền đó được thực hiện theo đúng trình tự thống nhất do pháp luật quy định; đảm bảo quyền này được thực hiện trong khuôn khổ kiểm soát của Nhà nước, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác; đảm bảo đạt được mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc vì mục đích nghiên cứu khoa học, loại trừ và ngăn chặn tốt nhất việc lợi dụng quyền này để tiến hành buôn bán BPCT người.
Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến BPCT của mình. Để thực hiện quyền hiến BPCT, đầu tiên, họ phải làm thủ tục đăng ký hiến BPCT, sau đó, họ được tư vấn, thăm khám, chăm sóc; sau khi đánh giá họ đủ các điều kiện sẽ được người có thẩm quyền của cơ sở y tế được cấp phép tiến hành lấy BPCT ra khỏi cơ thể, chăm sóc tái hồi phục sau khi lấy BPCT.
Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống
Đầu tiên để thực hiện quyền hiến BPCT người hiến phải tiến hành thủ tục đăng ký hiến với các cơ sở y tế. Sau đó, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép BPCT người. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép BPCT người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có đủ thẩm quyền để cơ sở y tế đó tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến. Lúc đó, cơ sở y tế có thẩm quyền này sẽ có trách nhiệm trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến và lấy BPCT người, hướng dẫn họ kê khai vào các mẫu đơn, thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến. Việc đăng ký hiến, BPCT ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn đăng ký hiến BPCT ở người sống. Thủ tục đăng ký hiến BPCT được quy định rất chi tiết tại điều 12 Luật Hiến, lấy, ghép mô, BPCT người và hiến, lấy xác.
Đầu tiên, điều 12 quy định người hiến phải bày tỏ nguyện vọng hiến BPCT của mình với cơ sở y tế. Điều này là bước đầu tiên, quan trọng thể hiện ý chí của người có quyền rằng họ mong muốn thực hiện quyền này, muốn hiến một, một vài bộ phận nào đó được phép trên cơ thể của mình để nhằm mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc vì mục đích nghiên cứu khoa học. Việc này cũng nhằm đảm bảo sự tự nguyện, phần nào loại trừ được các lý do hiến BPCT không được pháp luật chấp nhận. Cơ sở y tế đề cập ở đây là bất kỳ cơ sở y tế nào, đảm bảo cho việc thể hiện ý chí của người hiến được thuận lợi nhất.
Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, BPCT người, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép BPCT người. Đây là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cho, nhận, cấy ghép BPCT người. Tiếp theo, Trung tâm điều phối quốc gia sẽ thông báo cho cơ sở y tế có đủ thẩm quyền phù hợp nhất để cơ quan này tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến. Cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo danh sách người đăng ký hiến mô, BPCT ở người sống cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép BPCT người.
Trách nhiệm tư vấn của cơ sở y tế nhằm mục đích xác định tính tự nguyện của bản thân người đăng ký hiến mô, BPCT người sống; xác định mục đích của việc hiến mô, BPCT ở người sống vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hay vì mục đích nào khác; giải thích sự ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý có thể xảy ra ở người sau khi hiến mô, BPCT ở người sống; khẳng định quyền lợi của người đã hiến mô, BPCT người. Việc tư vấn phải đảm bảo các nguyên tắc chung của tư vấn như sau: Người tư vấn phải trực tiếp gặp người đăng ký hiến để tư vấn; bảo đảm tính bí mật; tư vấn tại không gian thuận lợi, tạo sự thoải mái, tin cậy giữa người tư vấn và người được tư vấn; sử dụng ngôn ngữ phù hợp, đơn giản, dễ hiểu; hạn chế dùng các từ ngữ, thuật ngữ chuyên môn đối với người được tư vấn không
phải là cán bộ y tế; người tư vấn biết lắng nghe, quan tâm và thấu hiểu ý kiến của người được tư vấn.
Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống Việc đăng ký hiến BPCT chỉ có hiệu lực sau khi cơ sở y tế nhận được đơn hợp lệ. Vì đây là một quyền dân sự, chủ thể có toàn quyền quyết định thực thi quyền này, nên sau khi họ đã làm đơn tự nguyện hiến mô thì họ hoàn toàn có quyền thay đổi, thậm chí là hủy bỏ đơn đăng ký hiến BPCT đã nộp tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc thay đổi hay hủy bỏ đơn đăng ký hiến BPCT đó cũng phải thể hiện bằng văn bản và theo mẫu quy định của Bộ y tế. Việc thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến BPCT ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, BPCT ở người sống.
Đầu tiên người đã đăng ký hiến gửi đơn đề nghị thay đổi hoặc hủy bỏ đến cơ sở y tế đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến. Cơ sở y tế có trách nhiệm tiếp nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, BPCT ở người sống của người đã đăng ký hiến; Trong thời gian hai ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn, thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép BPCT người
về việc thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, BPCT ở người sống. Việc thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, BPCT ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, BPCT ở người sống. Sự cho phép thay đổi, hủy bỏ việc hiến BPCT của cá nhân thể hiện quyền tự do định đoạt của họ đối với BPCT của mình, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với quyết định của mỗi cá nhân.
Thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể, bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống Đối với những người tự nguyện hiến BPCT đã đăng ký hiến, cơ sở y tế có quyền lấy BPCT của những người đó. Đối với những người chưa có đơn
tình nguyện hiến BPCT nhưng trong trường hợp cấp cứu để đảm bảo kịp thời cứu sống tính mạng của một con người pháp luật quy định cơ sở y tế có quyền lấy BPCT của những người đó khi họ đồng ý để ghép BPCT cho người cần ghép hoặc cho cha, mẹ, anh chị em ruột của người hiến. Trường hợp này pháp luật quy định rất linh hoạt để đảm bảo tính mạng của người dân để không vì thủ tục hành chính mà làm thiệt hại tính mạng của một con người.
Cơ sở y tế trước khi tiến hành lấy mô, BPCT ở người sống có trách nhiệm tư vấn về sức khỏe, tâm lý xã hội cho người đăng ký hiến; đối với trường hợp lấy BPCT không tái sinh, việc tư vấn trước khi lấy được thực hiện bởi Hội đồng tư vấn lấy, ghép BPCT người của cơ sở y tế được thành lập theo quy định của Bộ Y tế;
Sau khi người đăng ký hiến mô, BPCT ở người sống, đã hoàn thành đăng ký hiến theo mẫu đơn quy định của Bộ Y tế, cơ sở y tế lấy, ghép mô, BPCT mời người đăng ký hiến đến kiểm tra sức khỏe tại cơ sở y tế; mục đích kiểm tra sức khỏe nhằm bảo đảm sự lựa chọn cho người đủ tiêu chuẩn sức khỏe tham gia hiến mô, BPCT. Đối với các trường hợp hiến mô, BPCT ở người sống đã được Bộ Y tế quy định cụ thể về kiểm tra sức khỏe, việc kiểm tra sức khoẻ phải được thực hiện theo đúng các quy định trên.
Cơ sở y tế trước khi tiến hành lấy mô, BPCT ở người sống có trách nhiệm kiểm tra các thông số sinh học của người hiến. Mục đích kiểm tra các thông số sinh học nhằm đảo đảm người hiến mô, BPCT ở người sống phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe tham gia hiến; lựa chọn người nhận trong danh sách những người chờ ghép đủ tiêu chuẩn cho cuộc ghép. Đối với các trường hợp hiến mô, BPCT ở người sống đã được Bộ Y tế quy định về kiểm tra các thông số sinh học trước khi tiến hành lấy mô, BPCT, việc kiểm tra các thông số sinh học được thực hiện theo các quy định đó.
Như chúng ta đã biết BPCT không tái sinh, theo định nghĩa của Luật Hiến, lấy, ghép mô, BPCT người và hiến, lấy xác quy định là bộ phận sau khi lấy ra khỏi cơ thể người thì cơ thể không thể sản sinh hoặc phát triển thêm bộ phận khác thay thế bộ phận đã lấy. Đây là các bộ phận đặc biệt, tuy rằng người có quyền theo điều 33 BLDS có quyền hiến, nhưng vì chúng sẽ không thể sản sinh hoặc phát triển thêm bộ phận khác thay thế bộ phận đã lấy, nên việc lấy ra khỏi cơ thể sống sẽ gây ra các ảnh hưởng đặc biệt đối với tâm lý, sức khỏe và tính mạng của người hiến nên bắt buộc pháp luật phải có các quy định riêng và chặt chẽ hơn. Ngoài việc tuân theo các thủ tục chung, việc lấy BPCT không tái sinh ở người sống chỉ được tiến hành sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Hội đồng tư vấn lấy, ghép BPCT người. Hội đồng tư vấn lấy, ghép BPCT người do cơ sở y tế thành lập, thành phần của Hội đồng tư vấn lấy, ghép BPCT người phải có ít nhất là năm người, bao gồm các chuyên gia về y tế, pháp luật và tâm lý. Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ tổ chức tư vấn cho người hiến, nhận BPCT không tái sinh về phương diện sức khoẻ và tâm lý xã hội, giúp cho người hiến, nhận BPCT đưa ra quyết định cuối cùng về việc hiến, nhận BPCT một cách tự nguyện, trao đổi, phân tích cho người hiến về những tác động, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, sức khoẻ trước mắt cũng như lâu dài và những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình lấy, ghép BPCT và cuộc sống lâu dài của họ sau này, đánh giá thông qua trắc nghiệm tâm lý của người tự nguyện hiến BPCT và theo dõi diễn biến tâm lý của họ. Như vậy, thủ tục lấy BPCT không tái sinh ở người sống chặt chẽ hơn vì đây là BPCT đặc biệt mà khi lấy đi một phần nó không thể sản sinh ra BPCT khác nên khi lấy BPCT cần có quy trình chặt chẽ đảm bảo sức khỏe của người hiến có thể ổn định, vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường sau hiến, có như thế mới khuyến khích được người dân yên tâm khi hiến BPCT của mình.