7. Cơ cấu của luận văn:
2.1.2. Bên nhận bộ phận cơ thể người
Điều 35 BLDS quy định “Cá nhân có quyền nhận BPCT của người khác để chữa bệnh cho mình, nghiêm cấm việc nhận, sử dụng BPCT của người khác vì mục đích thương mại”. Khác với người hiến BPCT, pháp luật không quy định điều kiện về độ tuổi và năng lực hành vi dân sự đối với người nhận BPCT. Tất cả mọi người đều có quyền nhận BPCT để chữa bệnh cho mình. Theo cách hiểu thông thường người nhận BPCT là người hưởng dụng BPCT được hiến, người nhận BPCT có thể được hưởng dụng BPCT của người hiến thông qua hành vi giao kết hợp đồng giữa người hiến BPCT với người thứ ba. Việc này được thực hiện trong trường hợp người nhận BPCT người mất khả năng tư duy vào thời điểm được cấy ghép các BPCT do người khác hiến thông qua các biện pháp y học. Như vậy, người được hiến BPCT người không bắt buộc phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không buộc phải là người minh mẫn, sáng suốt vào thời điểm người đó nhận được các BPCT do một cá nhân khác hiến. Bởi vì, đối với một người đang cần phải cứu chữa, cần thiết phải sử dụng một hoặc một số BPCT của người khác để cấy ghép mà một hoặc nhiều người trong số những người thân thích như bố, mẹ, anh, chị, em ruột của người sẵn sàng hiến BPCT của mình để cứu chữa cho người đó hoặc người hiến BPCT còn có thể là người khác không thuộc
trong số những người thân thích của người được hiến cũng sẵn sàng hiến BPCT do tình yêu thương hoặc vì những lý do nhân đạo khác…Đối với cá nhân là người hiến BPCT pháp luật phải quy định độ tuổi để đảm bảo sức khoẻ cho người hiến có cuộc sống ổn định sau khi hiến, còn đối với người nhận BPCT với mục đích chữa bệnh pháp luật không quy định độ tuổi được nhận vì việc cứu chữa bệnh là một việc làm nhân đạo, không phân biệt người đó là ai? Nam hay nữ? nhỏ tuổi, trung tuổi hay cao tuổi? là người trong nước hay người nước ngoài nếu bị bệnh đều được cứu chữa kịp thời. Trong điều 1 Điều lệ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, điều 23 Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã quy định: “Mọi người khi ốm đau, bệnh tật, bị tai nạn được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nơi công dân cư trú, lao động, học tập”. Mỗi một công dân đều có quyền chữa bệnh cho mình, pháp luật luôn bảo đảm quyền được khám chữa bệnh của công dân, thực tế có những trường hợp trẻ em vừa mới sinh ra đã mắc bệnh nan y cần những BPCT để cứu chữa cho các em khi đó những người thân trong gia đình, những người có lòng nhân đạo có thể tự nguyện hiến BPCT của mình để cứu các em. Vì thế pháp luật không quy định độ tuổi đối với người nhận BPCT, để bảo đảm quyền của công dân, quyền của con người, pháp luật luôn bình đẳng với tất cả mọi người nên người đấy đủ năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự đều có quyền nhận BPCT để chữa bệnh cho mình.
Hiến và nhận BPCT là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được pháp luật đảm bảo. Cũng như việc hiến BPCT việc nhận một BPCT để khám chữa bệnh cho mình phải xuất phát từ sự tự nguyện. Điều này cũng đã được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng trong Điều lệ khám bệnh, chữa bệnh và và phục hồi chức năng tại điều 8: “Mọi trường hợp phẫu thuật, thủ thuật đều phải được sự đồng ý của người bệnh”, tại khoản 2 điều 30 Luật Bảo vệ sức khoẻ
nhân dân cũng quy định việc ghép mô hoặc một BPCT cho cơ thể người bệnh phải được sự đồng ý của nguời bệnh. Việc khám bệnh, chữa bệnh là quyền của mỗi cá nhân, không ai có thể ép buộc cá nhân phải khám bệnh, chữa bệnh cho mình, thầy thuốc chỉ tiến hành phẫu thuật sau khi được sự đồng ý của người bệnh, nếu người bệnh không đồng ý thầy thuốc không có quyền tự mình tiến hành phẫu thuật, thủ thuật cho người bệnh. Tại khoản 2 điều 32 BLDS quy định: “ Việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép BPCT phải được sự đồng ý của người đó”. Pháp luật đã đề cao sự tự nguyện của người được hiến BPCT thể hiện sự tự định đoạt của họ đối với cuộc sống, sức khoẻ của bản thân mình khi nhận hay không nhận BPCT.