Văn bản công chứng có giá trị thi hành là việc các bên trong hợp đồng, giao dịch, thậm chí cả bên thứ ba (trong một số trường hợp) có nghĩa vụ bắt buộc thực hiện những thỏa thuận đã được ghi trong văn bản công chứng. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc của luật dân sự. Các bên hợp đồng
hiển nhiên phải thực hiện những gì họ đã cam kết trong hợp đồng, giao dịch, nếu vi phạm họ sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Mặt khác, văn bản công chứng cũng có hiệu lực bắt buộc bên thứ ba phải tôn trọng và thi hành.
Văn bản tư (tư chứng thư) là văn bản do một cá nhân tự làm hoặc các cá nhân tự lập với nhau. Văn bản được chia thành văn bản tư và văn bản công. Một văn bản được công hay còn được gọi là công chứng thư là văn bản được chứng nhận, chứng thực, xác nhận do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có văn bản công chứng [53, tr.164].
Một văn bản được công chứng có giá trị hoàn toàn khác so với một văn bản tự lập. Giá trị thi hành của văn bản công chứng được quy định khác nhau, đối với hệ thống công chứng Latinh đại diện là Cộng hòa Pháp,văn bản công chứng có hiệu lực thi hành như một phán quyết của tòa án. Pháp luật nước này quy định trong trường hợp một bên không thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong văn bản công chứng thì bên kia chỉ cần yêu cầu Thừa phát lại để thi hành mà không cần phải qua bất kỷ một thủ tục xét xử nào của Tòa án; phạm vi áp dụng hiệu lực thi hành là với hầu hết các loại hợp đồng, giao dịch như mua bán nhà, thế chấp tài sản, thỏa thuận về tài sản vợ chồng trong hôn nhân... Quy định này của Pháp xuất phát từ sự coi trọng của xã hội Pháp đối với công chứng viên và hoạt động công chứng. Ở Pháp, người ta cho rằng công chứng viên là một chuyên gia về pháp luật, được nhà nước tin tưởng bổ nhiệm và đã tuyên thệ với những lời thề rất thiêng liêng, cao thượng, nên không thể có những nghi ngờ về sự thiếu trung thực hoặc có những điều khoản mờ ám trong một giao kết. Hơn nữa, để công chứng một hợp đồng, giao dịch, công chứng viên đã phải trải qua một quá trình làm việc căng thẳng, nặng nề với những quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ để tránh những sai sót cho dù là nhỏ nhất. Do vậy, một văn bản công chứng đã được các bên
thừa nhận, được công chứng viên công chứng thì nó có giá trị như một phán quyết của Tòa án có hiệu lực buộc các bên phải thi hành.
Tại Nhật Bản, các văn bản công chứng đáp ứng được những yêu cầu nhất định sẽ trở thành văn bản quy phạm có hiệu lực thi hành, được thừa nhận giá trị thi hành và sẽ được tự động thực thi mà không cần phán quyết của tòa án. Các yêu cầu bắt buộc là văn bản gắn với việc thanh toán một số tiền cụ thể và các bên đã thỏa thuận với nhau về việc văn bản sẽ được thi hành ngay. Cụ thể như sau:
Yêu cầu đầu tiên là văn bản công chứng đó gắn liền với việc thanh toán một số tiền cụ thể để mang lại sự an toàn. Nói cách khác, một khoản tiền cụ thể phải được quy định trong văn bản công chứng; yêu cầu thanh toán có thể có điều kiện hoặc có ngày đến hạn, hoặc được đặt ra cho các yêu cầu trong tương lai; nếu văn bản công chứng bao gồm một điều khoản cho phép chủ nợ tính lãi suất thay đổi theo tình hình của thị trường tài chính thì điều kiện trước về “số tiền cụ thể” có thể không đáp ứng; quyền bảo đảm để yêu cầu bồi thường từ người có nghĩa vụ chính dựa trên hợp đồng ủy thác bảo đảm có thể là đối tượng tranh chấp. Theo tiền lệ tư pháp, "số tiền cụ thể" không được ấn định khi soạn thảo văn bản công chứng liên quan đến việc bồi thường sau khi người có nghĩa vụ không trả được nợ, trong khi yêu cầu này có thể được thỏa mãn trong trường hợp bồi thường trước khi không trả được nợ. Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo trong các học giả pháp lý là số tiền ràng buộc người có nghĩa vụ chính phải được ấn định và người có nghĩa vụ đã được bảo vệ đầy đủ trong các trường hợp trước khi xảy ra tranh chấp.
Yêu cầu thứ hai là văn bản công chứng phải nêu rõ ý định của người có nghĩa vụ là sẽ tuân thủ bất kỳ sự cưỡng chế thi hành tức thì nào khi người có nghĩa vụ không có khả năng trả nợ. Nói cách khác, người có nghĩa vụ sẽ bị chủ nợ thưa kiện mà không cần phán quyết nào được đưa ra.
Trong trường hợp này, không giống như các trường hợp khi đơn khiếu nại đã nộp và bản án đã được đưa ra, các văn bản công chứng có hiệu lực thi hành có thể được đem ra thi hành mà không cần đến tòa án và được sử dụng khi cần cưỡng chế thi hành.
Tại Đức, bên cạnh sự đảm bảo về tính chắc chắn và chính xác về mặt pháp lý, một giao dịch dưới hình thức văn bản công chứng đem lại cho các bên những lợi ích khác nữa. Cụ thể là văn bản công chứng còn được coi là bằng chứng và có khả năng thực thi ngay lập tức. Điều này có nghĩa là một văn bản công chứng là bằng chứng đầy đủ về việc các bên đã chấp nhận các cam kết được đưa ra. Hơn nữa, người phải thực hiện một yêu cầu thanh toán tiền có thể tuyên bố trong một văn bản công chứng gọi là "thực thi ngay lập tức tài sản của mình". Trong trường hợp này, chủ nợ có thể tịch thu và khai thác tài sản của người phải thi hành mà không phải nộp đơn khởi kiện. Như vậy, các văn bản công chứng được xác lập bởi một công chứng viên có thể so sánh được với một bản án có hiệu lực thi hành của tòa.
Giống như giá trị thi hành của văn bản công chứng ở Đức, pháp luật Trung Quốc quy định rằng một khi người mắc nợ đã chấp nhận thi hành nợ trong bản chính của bằng chứng, thì sau đó chủ nợ có thể trình Toà án Nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu người mắc nợ thi hành. Tòa án này chỉ xác minh tính hợp lệ của giá trị thi hành chứ không có trách nhiệm tố tụng, và cho phép bắt đầu tố tụng người mắc nợ không thực hiện nghĩa vụ.
Tại nước ta giá trị thi hành của văn bản công chứng phát triển song hành cùng với giá trị chứng cứ, đã được thể hiện trong khái niệm công chứng đầu tiên được ghi nhận trong thông tư 574/QLTPK quy định:
Công chứng nhà nước là một hoạt động của Nhà nước, nhằm giúp công dân, các cơ quan, tổ chức lập và xác nhận các văn bản, sự kiện có ý nghĩa pháp lý, hợp pháp hóa các văn bản, sự kiện đó, làm cho
các văn bản, sự kiện đó có hiệu lực thực hiện. Bằng hoạt động trên, công chứng nhà nước tạo ra những bảo đảm pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các cơ quan, tổ chức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, giúp cho việc giải quyết các tranh chấp được thuận lợi, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên đến những văn bản nghị định điều chỉnh lĩnh vực công chứng tiếp theo, giá trị thi hành của văn bản công chứng không tiếp tục được ghi nhận. Chỉ đến khi Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định số 31/CP, giá trị thi hành của văn bản công chứng mới được khẳng định lại. Tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP chỉ rõ “Hợp đồng đã được công chứng, chứng thực có giá trị thi hành đối với các bên giao kết; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”. Như vậy, ngoài việc khẳng định văn bản công chứng có giá trị thi hành, nghị định còn xác định đối tượng phải tuân thủ nội dung của văn bản công chứng, tất cả các bên tham gia giao kết có nghĩa vụ thực thi toàn bộ điều khoản, điều kiện của bản hợp đồng trong trường hợp bản hợp đồng đó đã được công chứng. Đến luật công chứng 2006, giá trị thi hành của văn bản công chứng lại có một vài thay đổi nhất định. Khoản 1 Điều 6 Luật công chứng 2006 quy định “Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác”. Căn cứ vào điều này, văn bản công chứng không chỉ đơn thuần có hiệu lực thi hành giữa các bên trực tiếp tham gia giao kết mà nó còn có giá
trị thực hiện đối với bên thứ ba có liên quan, ngay cả khi đó là cơ quan quản lý hành chính nhà nước hay thậm chí là chính những cơ quan tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp [51, tr.188].
Ngoài ra, có thể nhận thấy hai cách thức được pháp luật quy định để đảm bảo giá trị thi hành của văn bản công chứng. Cách thứ nhất là khởi kiện ra Tòa an nhân dân có thẩm quyền và cách thứ hai là các bên đương sự trực tiếp tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch có thể tự thỏa thuận cách thức đảm bảo giá trị thi hành của văn bản công chứng. Cách thức xử lý ở đây có thể bao gồm chỉ định sẵn cơ quan, cá nhân đóng vai trò trọng tài đứng ra phân xử, tài sản đảm bảo cũng như giá trị tài sản đảm bảo… Nếu như cách thức thứ nhất mang tính nguyên tắc thì cách thức thứ hai lại thể hiện quan điểm mềm dẻo trong việc xác định cơ chế đảm bảo giá trị thi hành cho văn bản công chứng. Quy định như vậy tạo ra hành lang pháp lý để các bên giảm thiểu thời gian cũng như chi phí dành cho giải quyết tranh chấp, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VIII đã nêu: “… nghiên cứu thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng”. Trong quá trình hoạt động của tòa án nhân dân, để có thể thực hiện được nhiệm vụ này, cần có sự tham gia của các cơ quan liên quan trong đó cơ quan công chứng là một trong những cơ quan có thể giảm bớt số thủ tục trong hoạt động xét xử của tòa án. Cho đến Luật công chứng 2014 khoản 2 Điều 5 “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác” vẫn giữ quan điểm về giá trị thi hành của văn bản công chứng, cùng với việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản, luật công chứng năm 2014 được mở rộng hơn so với Luật công chứng năm 2006. Theo
đó, nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên, khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định:
Công chứng viên có quyền chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng
Khoản 4 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định: “Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”. Đi kèm với quy định này, Khoản 1 Điều 61 Luật Công chứng 2014 quy định rõ:
Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
Quy định này nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường. Việc quy định rõ cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của người phiên dịch trong quá trình này. Bên cạnh đó, Luật Công chứng sửa đổi đã mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên khi Điều 73 của Luật quy định: “Công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản. Việc chứng thực bản
sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực”.
Quy định này nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, trong khi Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Như vậy có thể thấy những hợp đồng, giao dịch được công chứng sẽ có rất nhiều lợi ích. Những văn bản đó khi được công chứng sẽ mang lại sự an toàn pháp lý cho các bên, góp phần phòng ngừa tranh chấp và giảm thiểu vi phạm pháp luật. Cùng là làm chứng (chứng nhận) nhưng văn bản có công chứng viên chứng nhận có giá trị pháp lý cao hơn rất nhiều so với những văn bản do luật sư hoặc bất kỳ người nào khác chứng nhận (làm chứng). Điều đó xuất pháp từ sự khác nhau về địa vị pháp lý của công chứng viên và luật sư.
Tóm lại, tuy không phải là quy định mang tính truyền thống nhưng giá trị thi hành của văn bản công chứng đã được nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nước ta ghi nhận. Qua từng thời kỳ, quy định về giá trị thi hành của văn bản công chứng ngày càng được củng cố hoàn thiện.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG