Về thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng và hiệu lực

Một phần của tài liệu Tài liệu Giá trị pháp lý của văn bản công chứng trong pháp luật (Trang 72 - 76)

của hợp đồng, giao dịch

Trong các quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng và hiệu lực của hợp đồng, giao dịch còn có sự chồng chéo, mẫu thuẫn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014, thì “văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và có đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Tuy nhiên, theo quy định của khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Còn tại khoản 1 Điều 12 Luật Nhà ở 2014 lại quy định “Trường hợp mua bán nhà ở” “thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Sự không thống nhất này trong thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc, đẩy khó khăn cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan và cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trên thực tế.

Chương 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG

Việc ra đời luật công chứng 2006 và luật công chứng 2014 là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá nội dung hoàn thiện thể chế về công chứng ở nước ta trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cho đến nay có thể khẳng định rằng việc thực hiện các chiến lược nêu trên đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, từ việc đổi mới tư duy trong việc xây dựng thể chế pháp luật cho tới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Nhờ đó, nhiều điểm nghẽn trong xây dựng thể chế phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đã cơ bản được tháo gỡ; mục tiêu "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thực hiện chủ trương "hoàn thiện chế định công chứng. Xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để xã hội hóa công việc này" cũng đã có những hiệu quả tích cực, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Khi luật công chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành, đội ngũ công chứng viên hành nghề đã tăng từ 393 lên 1.327 người (tăng 3,4 lần); số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng từ 84 lên 704 tổ chức (tăng hơn 8 lần). Tính riêng tại thành phố Hà Nội số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng nhanh qua các năm, cụ thể là: năm 2007 có

9 tổ chức, năm 2008 có 26 tổ chức, năm 2009 có 51 tổ chức, năm 2010 có 50 tổ chức, năm 2011 có 68 tổ chức, năm 2012 có 96 tổ chức. Tính đến ngày 01/11/2012 toàn thành phố có 86 văn phòng công chứng, trong đó 80 văn phòng tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, 06 văn phòng tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Và đến năm 2013 số lượng các văn phòng công chứng đã tăng lên 90 văn phòng với gần 300 công chứng viên [33]. Thông qua việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh tế, hoạt động công chứng thể hiện bằng các văn bản công chứng đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp, được Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương mới đây ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong các quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về văn bản công chứng, giá trị pháp lý của văn bản này cũng còn nhiều bất cập như đã đề cập ở chương 2, trong đó đáng lưu ý là tính ràng buộc về mặt nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên tham gia giao dịch trong văn bản công chứng không cao; chất lượng của văn bản công chứng chưa đủ thuyết phục để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện, trong khi đó cơ chế bảo đảm để thực thi văn bản do công chứng viên chưa được quy định. Chính vì vậy, hiệu quả của hoạt động công chứng trong thời gian qua vẫn còn nhiều tranh chấp, khiếu kiện xảy ra, gây lãng phí cho người dân, tạo thêm gánh nặng cho Tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định đẩy

mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những chủ trương lớn, cùng với đó là việc xác định phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc hoàn thiện các chế định về bổ trợ tư pháp, trong đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về giá trị của văn bản công chứng được coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế dựa trên những định hướng sau đây:

1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng theo bước đi và lộ trình phù hợp, phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

2. Kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của Luật hiện hành, luật hoá các quy định có tính nguyên tắc trong các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các Văn phòng công chứng, quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng, tăng cường trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng để công chứng thực sự trở thành một công cụ “bảo vệ” người dân trong quan hệ dân sự, qua đó bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, đẩy mạnh việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề

nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp, tham gia, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về công chứng.

4. Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế về công chứng, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động công chứng ở Việt Nam; tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập với nghề công chứng quốc tế, chuẩn bị điều kiện để công chứng Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế (ngày 10/10/2013, tại Hội nghị toàn thể Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Pê-ru, Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên chính thức của Liên minh công chứng quốc tế).

Từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng trong những năm tới, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả công tác công chứng sau đây:

Một phần của tài liệu Tài liệu Giá trị pháp lý của văn bản công chứng trong pháp luật (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)