đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp
1.1.3.1. Sử dụng mô hình đầu tư tân cổ điển để đánh giá hiệu quả đầu tư
Để đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp dựa trên sản phẩm vốn biên, các nghiên cứu xem xét lợi nhuận tiềm năng của một đơn vị vốn hoặc đơn vị tài sản tăng thêm của doanh nghiệp. Việc này giúp xem xét đã có bao nhiêu lợi nhuận thu được trên một đơn vị vốn/tài sản cho đến thời điểm nghiên cứu, từ đó giúp có sự đánh giá tương đối về lợi nhuận biên trong tương lai của doanh nghiệp.
Với số liệu bảng (panel data) ở cấp độ doanh nghiệp, (Dong, Louis Putterman, và Unel 2006, Dollar và Wei 2007) đã sử dụng mô hình đầu tư tân cổ điển, đánh giá hiệu quả đầu tư theo giá trị tăng thêm của lợi nhuận và doanh thu, để đánh giá hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp ở Trung Quốc, cụ thể là tác động của sở hữu nhà nước tới hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc. Sử dụng mô hình đầu tư tân cổ điển để dự báo mối quan hệ giữa lợi nhuận và vốn cũng như sự khác biệt về vốn, lao động và sản lượng. Các tác giả này sử dụng chỉ tiêu doanh thu/vốn và lợi nhuận/vốn là biến thay thế (proxy) cho giá trị sản phẩm biên của vốn. Họ phát hiện rằng, DNNN có tương quan lợi nhuận/vốn trung bình thấp hơn doanh nghiệp tư nhân. Sử dụng phương pháp tương tự với số liệu doanh nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2001-2012, (O'Toole và cộng sự 2015) đã tiến hành
so sánh hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và DNNN và chỉ ra rằng, DNNN có lợi nhuận biên hậu nghiệm thấp hơn doanh nghiệp tư nhân. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, các quyết định đầu tư của DNNN ở Việt Nam dường như không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng sử dụng mô hình đầu tư tân cổ điển với số liệu Điều tra doanh nghiệp của World Bank ở 90 nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi, nghiên cứu của (O’Toole và Tarp 2012) xem xét tác động của tham nhũng tới hiệu quả đầu tư. Sử dụng cách ước lượng phân đoạn và các biến công cụ để kiểm soát, nghiên cứu này đã xem xét ảnh hưởng của tham nhũng tới sản phẩm vốn biên - MVPK của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy hối lộ làm giảm hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực của hối lộ ảnh hưởng mạnh nhất đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nội địa trong khi hầu như không có tác động đáng kể với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa có quy mô lớn.
Trong nghiên cứu của Kim và Kwon (2015), các tác giả đã sử dụng phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS) với sai số chuẩn điều chỉnh để kiểm soát hiện tượng phương sai sai số thay đổi nhằm xem xét hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và DNNN ở Hàn Quốc và tác động của thông tin bất đối xứng tới hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Sử dụng theo cách của (Biddle, Hilary, và Verdi 2009), Kim và Kwon đã sử dụng các đặc điểm đặc trưng ban đầu của công ty có thể ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vượt quá (over) hoặc đầu tư thấp (under). Các tác giả sử dụng biến đòn bẩy tài chính (leverage) và số dư tiền mặt là biến thay thế (proxy) cho hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
1.1.3.2. Đánh giá hiệu quả đầu tư thông qua độ co giãn đầu tư – tăng trưởng doanh thu (mô hình gia tốc đầu tư)
Trong một nghiên cứu về hiệu quả phân bổ vốn đầu tư, (Wurgler 2000) đã ước lượng độ co giãn của đầu tư tới giá trị tăng thêm ở 65 nước không phải nền
kinh tế chuyển đổi. Tác giả đã chứng minh rằng, hiệu quả đầu tư tỷ lệ thuận với độ co giãn đầu tư – tăng trưởng doanh thu. Hiệu quả đầu tư tăng khi độ nhạy của đầu tư tới sản lượng tăng. Tuy nhiên, cũng như mô hình gia tốc đầu tư truyền thống, mô hình của Wurgler chỉ xem xét hiệu quả đầu tư ở cấp độ quốc gia với dữ liệu ngành kinh tế mà không xem xét hiệu quả đầu tư ở cấp độ doanh nghiệp.
Mở rộng mô hình của Wurgle, (O’Toole và cộng sự 2015) đã tính toán độ co giãn đầu tư – tăng trưởng doanh thu sử dụng số liệu điều tra doanh nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2001-2012 để so sánh hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và DNNN ở Việt Nam (mô hình gia tốc đầu tư linh hoạt). Kết quả cho thấy, các quyết định đầu tư của doanh nghiệp tư nhân có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng doanh thu trong khi ở khu vực DNNN không có mối quan hệ này. Cũng như các nghiên cứu về hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp ở các nền kinh tế chuyển đổi và các nước đang phát triển (Jun 2003, Galindo, Schiantarelli, và Weiss 2007, Dollar và Wei 2007, Shleifer 1998, Kim và Kwon 2015, Chen và cộng sự 2011), nghiên cứu của (O’Toole và cộng sự 2015) không xem xét hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
1.1.3.3. Đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp bằng mô hình cấu trúc Q của Tobin
Sử dụng mô hình cấu trúc Q của Tobin, Chen và cộng sự (2011, 2014), Bond và Soderbom (2013), Hennessy và cộng sự (2007) đã đánh giá ảnh hưởng của loại hình sở hữu doanh nghiệp đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Trong một nghiên cứu về hiệu quả phân bổ vốn, sử dụng mô hình Q của Tobin, (Wurgler 2000) đã ước lượng độ co giãn của vốn tới giá trị tăng thêm ở 65 nước không phải nền kinh tế chuyển đổi. Tác giả đã chứng minh rằng, hiệu quả sử dụng vốn tỷ lệ thuận với độ co giãn vốn tăng thêm (vốn đầu tư) – tăng trưởng doanh thu. Hiệu quả sử dụng vốn tăng khi độ nhạy của vốn đầu tư tới sản lượng
tăng. Tuy nhiên, mô hình của Wurgler chỉ xem xét hiệu quả đầu tư ở cấp độ quốc gia với dữ liệu ngành kinh tế mà không xem xét hiệu quả đầu tư ở cấp độ doanh nghiệp. Mở rộng mô hình của Wurgle, (O’Toole và cộng sự 2015) đã tính toán độ co giãn vốn tăng thêm – tăng trưởng doanh thu sử dụng thống kê Q của Tobin (dựa trên số liệu điều tra doanh nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2001-2012 để so sánh hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và DNNN ở Việt Nam). Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả đã chỉ ra rằng, khối doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoạt động tăng vốn đầu tư dựa trên việc tính toán hiệu quả của vốn trong khi ở khối DNNN thì không có mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa Q và quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Cũng sử dụng mô hình Q của Tobin, (Hạ 2017) đã đánh giá tác động của chính sách cổ phần hoá tới hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước trong giai đoạn 2008 – 2015. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, doanh nghiệp được tư nhân hoá hoàn toàn có hiệu quả đầu tư tốt hơn các doanh nghiệp cổ phần vẫn còn vốn nhà nước.
1.1.3.4. Mô hình đánh giá hiệu quả của khu vực doanh nghiệp FDI
(Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự 2006) sử dụng mô hình tăng trưởng nội sinh để xem xét tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng của việc Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới và sử dụng mô hình ảnh hưởng cố định FEM kết hợp với bảng cân đối liên ngành (I-O) để đánh giá tác động lan toả của khu vực FDI đến doanh nghiệp trong nước. Phương pháp này cũng được (Mogenroth và cộng sự 2015) sử dụng khi đánh giá tác động lan toả của khu vực FDI đến ngành chế biến chế tạo. Trong khi đó, để đánh giá tác động tràn năng suất của FDI đến khu vực trong nước, (Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự 2014) đã sử dụng phương pháp hàm sản xuất ngẫu nhiên (SFA) để tiến hành đo đạc năng suất và phân rã các thành phần như: sự thay đổi về công nghệ, sự thay
đổi về hiệu quả kỹ thuật và sự thay đổi về hiệu quả do quy mô.
Phương pháp kinh tế lượng không gian được sử dụng để đánh giá tác động lan toả của khu vực FDI đến khu vực kinh tế trong nước theo vùng địa lý. Trong các nghiên cứu sử dụng phương pháp này ở Việt Nam (Nguyễn Ngọc Anh và Nguyễn Thắng, 2007; Trần Toàn Thắng và Phạm Thị Song Hạnh, 2012), các tác giả đã chỉ ra tác động lan toả xuôi của khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước ở không chỉ ở trong vùng mà còn ở cả các vùng lân cận.