Tiếp cận điện năng: Khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu vào (điện năng) phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Tiếp cận đất đai: Đất đai là nguồn lực hữu hạn và những trở ngại trong việc tiếp cận đất đai đối với từng loại doanh nghiệp khác nhau sẽ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp.
Tiếp cận tín dụng: Để tài trợ cho hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như: lợi nhuận chưa chia hết, vay từ người thân, vay các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… Đối với các doanh nghiệp lớn, nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động đầu tư thường được cân bằng giữa vốn từ lợi nhuận để lại của doanh nghiệp và vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, với các DNNVV, quy mô vốn nhỏ bé nhưng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức lại không dễ dàng. Do đó, khả năng tiếp cận tín dụng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tiếp cận công nghệ: Trong những năm gần đậy, sự ra đời của công nghệ mới làm xuất hiện và tăng cường ưu thế cạnh tranh của các sản phẩm thay thế, đe doạ các sản phẩm truyền thống của ngành hiện hữu. Do đó, các DN buộc phải thực hiện các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và tăng khả năng cạnh tranh của DN. Việc tiếp cận các công nghệ mới góp phần tăng năng suất lao động và từ đó làm tăng hiệu quả đầu tư của DN.