Sau sự sụt giảm tăng trưởng vì ảnh hưởng của dịch Covid 19 năm 2020, năm 2021 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên sự phục hồi này chưa được đảm bảo vững chắc khi các làn sóng Covid được dự báo vẫn tiếp tục trở lại trong khi mức độ bao phủ tiêm chủng ở các nước nghèo còn rất thấp. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu (tháng 10/2021), Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 đạt 5,9% nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế phát triển các nước đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng này chỉ đạt 4,9% vào năm 2022 do tác động của đại dịch Covid 19 làm gián đoạn nguồn cung và ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế kém phát triển.
Giai đoạn 2021-2025, kinh tế thế giới được dự báo vẫn duy trì tăng trưởng khá nhưng tốc độ chậm lại và không đồng đều giữa các khu vực. Dự báo của một số tổ chức quốc tế cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm nhẹ trong trung hạn. Trong đó, các nền kinh tế phát triển, đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều được dự báo tăng trưởng chậm lại. Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt hơn. Khu vực ASEAN được dự báo vẫn là khu vực kinh tế tăng trưởng cao và năng động nhất thế giới. Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục là nơi tiếp nhận đầu tư FDI lớn. Các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào việc phát
triển của các quốc gia Châu Á, đồng thời dự báo các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Singapore là những quốc gia có triển vọng tốt nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trung tâm đổi mới, sáng tạo có sự chuyển dịch ngày càng rõ nét sang khu vực Châu Á.
Những nhân tố hậu thuẫn cho tăng trưởng của kinh tế thế giới trong thời gian này gồm có:(1) Tăng trưởng của các nền kinh tế, các khu vực chủ chốt dù với tốc độ chậm lại nhưng vẫn ở mức khá cao. (2) Một số động lực tăng trưởng mới xuất hiện trong giai đoạn này, đặc biệt là sự phát triển nhanh của kinh tế chia sẻ và CMCN 4.0 có thể tạo ra những đột phá mới hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu1. (3) Xu hướng thay đổi hợp tác thương mại qua các cơ chế song phương sẽ khắc phục dần sự kém hiệu quả của cơ chế đa phương giúp thương mại thế giới hồi phục. Thương mại toàn cầu trong trung hạn sẽ có những động lực tăng trưởng mới.
Ngược lại, sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới có liên quan đến các yếu tố địa chính trị, sự giảm sút về thương mại, sự dịch chuyển các luồng đầu tư trên thế giới, và tác động của đại dịch Covid 19.
Bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, trong đó nổi lên các vấn đề:
(1) Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Quan hệ giữa các nước lớn thay đổi, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt, nhất là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời vai trò của châu Á -
1Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF (2018), sau một thập kỷ trì trệ năng suất, cuộc CMCN 4.0 dự kiến sẽ tạo ra tới 3,7 nghìn tỷ đô la giá trị vào năm 2025 nhờ các công nghệ IoT, robot và in 3D giúp năng suất tăng. Sự phát triển của kinh tế chia sẻ và xu hướng tăng cường ký kết FTA tại các nền kinh tế đang phát triển cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy lưu thông vốn và hàng hóa, tăng cường vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ.
Thái Bình Dương và khối ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc ngày càng lớn. Hoà bình và hợp tác phát triển là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố tiếp tục gia tăng.
(2) Xu hướng đan xen giữa tự do hóa thương mại với bảo hộ mậu dịch tiếp
tục kéo dài; vai trò của các thể chế kinh tế quốc tế bị suy yếu. Các hiệp định thương
mại sẽ giúp thúc đẩy tự do hóa thương mại đi liền với việc gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan. Hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ gặp nhiều khó khăn, vai trò của các định chế thương mại đa phương (như Tổ chức thương mại thế giới) ngày càng mờ nhạt. Xu hướng ký kết các FTA song phương đang và sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới. Phạm vi điều chỉnh của các FTA cũng rộng hơn, không chỉ là cắt giảm thuế quan và thuận lợi hoá thương mại mà còn các lĩnh vực liên quan đến cách thức sản xuất hàng hoá (dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm công), mức độ tự do hoá cao và hình thành trên cơ sở liên kết giữa các đối tác thuộc các khu vực địa lý khác nhau, đặc biệt là giữa các nước phát triển và đang phát triển. Các thể chế đa phương sẽ phải chịu sức ép cải tổ trong thời gian tới.
(3) Cạnh tranh công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh chiến
lược, là nhân tố quyết định trong kinh tế toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ 4 (CMCN 4.0) với sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học tạo ra những khả năng mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại và đầu tư toàn cầu, khiến cho các khâu sản xuất có thể chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển, làm hạn chế dòng dịch chuyển vốn toàn cầu. Công nghệ số và nền kinh tế chia sẻ có thể dẫn đến dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, dòng chảy thương mại và những ngành dựa vào xuất khẩu. Nó có thể làm chậm, thậm chí làm đảo ngược xu hướng hội tụ phát triển, trong đó các nước kém phát triển có xu hướng ngày càng gặp nhiều bất lợi. Tiêu chí để trở
thành điểm sản xuất có thể thay đổi, yếu tố chi phí lao động thấp ít quan trọng hơn so với sự sẵn có của lao động kỹ năng, hay cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, những tác động bất lợi của việc thay đổi công nghệ sản xuất đối với việc làm (tự động hóa làm tăng thất nghiệp lao động có trình độ kỹ năng thấp) có thể được bù đắp bằng tăng năng suất và tăng sản xuất toàn cầu (do tăng nhu cầu về đầu vào và hàng hóa cuối cùng).
(4) Tác động của đại dịch Covid 19 đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Để đối phó với tác động tiêu cực của COVID19, các quốc gia đều đã và đang đưa ra những giải pháp tài khóa và tiền tệ rất lớn, chưa từng có tiền lệ hỗ trợ kinh tế. Quan trọng hơn, thay đổi trong nhận thức về thương mại, đầu tư, tiêu dùng đã tạo ra những xu hướng trung và dài hạn ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới tác động sâu sắc đến Việt Nam. Nhiều quốc gia đã có thay đổi nhận thức về toàn cầu hóa và đề cao vai trò của bảo hộ sản xuất trong nước, tự chủ kinh tế, an ninh năng lượng, y tế, giảm phụ thuộc thương mại hoặc giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng. Mặc dù đã có khá nhiều cố gắng của các tổ chức đa phương nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa, Covid-19 làm xu hướng chống toàn cầu hóa trở lên rõ rệt hơn.