2.2.1. Hiệu quả kinh tế - xã hội
Hiệu quả kinh tế – xã hội là lợi ích về kinh tế xã hội được xét theo góc độ vĩ mô của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và toàn bộ xã hội. Hiệu quả kinh tế-xã hội của một dự án đầu tư thường đã được trừ đi các chi phí kinh tế xã hội đã tạo nên nó và do đó nó đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế – xã hội (tính theo số tuyệt đối). Mặt khác hiệu quả này còn được tính theo số tương đối bằng cách chia nó cho chi phí kinh tế – xã hội đã sinh ra nó.
Hiện nay, theo cách tính toán hiệu quả kinh tế – xã hội cần phân biệt lợi ích kinh tế – xã hội có bao gồm và không bao gồm lợi ích của doanh nghiệp trong một số trường hợp. Ví dụ chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo chỉ tiêu giá trị sản phẩm hàng hoá gia tăng, trong đó bao gồm cả lợi nhuận để lại cho doanh nghiệp và tiền nộp thuế cho Nhà nước được trích từ lợi nhuận trước thuế, là chỉ tiêu lợi ích kinh tế –
xã hội có bao gồm lợi ích của doanh nghiệp với tư cách là một thành viên của xã hội; lẽ dĩ nhiên trong khoản thuế trên không được tính các thứ thuế mà Nhà nước phải dùng để bồi hoàn chi phí của Nhà nước đã phải bỏ ra trước đó (ví dụ thuế cơ sở hạ tầng do Nhà nước xây dựng). Trái lại chỉ tiêu giá trị sản phẩm gia tăng, nếu không bao hàm khoản lợi nhuận để lại cho doanh nghiệp, sẽ là chỉ tiêu lợi ích kinh tế – xã hội không bao gồm lợi ích của doanh nghiệp.
Có những hiệu quả kinh tế – xã hội có thể định lượng được như giá trị sản phẩm gia tăng, mức đóng góp cho Nhà nước, mức giảm độc hại cho môi trường,… nhưng cũng có lợi ích kinh tế – xã hội khó tính toán thành số lượng được, ví dụ lợi ích của đầu tư cho văn hoá, giáo dục và sức khoẻ.
Hiệu quả kinh tế – xã hội phức tạp hơn hiệu quả tài chính không những về chủng loại lợi ích mà còn về tính thay đổi của lợi ích theo thời gian và theo từng quốc gia. Ví dụ ở một giai đoạn nào đó lợi ích kinh tế – xã hội của một quốc gia nào đó đòi hỏi phải coi việc giải quyết nạn thất nghiệp là chính, nhưng ở một giai đoạn khác lại đòi hỏi phải giải quyết nạn khan hiếm lao động là chính. Một quốc gia này đòi hỏi các dự án đầu tư phải tiết kiệm tài nguyên là chính, một quốc gia khác lại đòi hỏi phải tiết kiệm lao động là chính, v.v…
Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bao gồm:
+) Chỉ số lao động có việc làm. Chỉ tiêu này được xác định bằng cách so sánh tổng số chỗ làm việc tăng thêm trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp với tổng mức vốn đầu tư phát huy tác dụng trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết 1 đơn vị vốn đầu tư phát huy tác dụng trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp đã tạo ra số chỗ làm việc tăng thêm là bao nhiêu. Các chỉ tiêu hiệu quả trên còn có thể xác định cho bình quân năm trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp. Trị số của các chỉ tiêu hiệu quả xem xét càng cao chứng tỏ hoạt
động đầu tư của doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao. +) Mức đóng góp cho ngân sách tăng thêm của doanh nghiệp so với vốn đầu tư phát huy tác dụng trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này được xác định bằng cách so sánh tổng mức đóng góp cho ngân sách tăng thêm trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp so với tổng mức tổng vốn đầu tư phát huy tác dụng trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết 1 đơn vị vốn đầu tư phát huy tác dụng tron g kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách với mức tăng thêm là bao nhiêu.
+) Mức thu nhập (hay tiền lương của người lao động) tăng thêm so với vốn đầu tư phát huy tác dụng trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này được xác định bằng cách so sánh tổng thu nhập (hay tiền lương của người lao động) tăng thêm trong kỳ nghiên cứu với tổng mức vốn đầu tư trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết 1 đơn vị vốn đầu tư phát huy tác dụng trong kỳ nghiên cứu của doanh nghiệp đã đem lại mức thu nhập (hay tiền lương của người lao động) tăng thêm là bao nhiêu.
Phương pháp định tính được Luận án sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội khi đánh giá hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp ở Việt Nam thông qua các chỉ tiêu sau: (1) Quy mô nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp; (2) Số việc làm mới tăng thêm trong kỳ; (3) Sự thay đổi thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp; (4) Hiệu quả lao động trong doanh nghiệp.