Thuật ngữ đánh giá (evaluation) là đưa ra nhận định tổng hợp về các dữ kiện đo lường được qua các thời kỳ và so sánh, đối chiếu với những tiêu chuẩn đã được xác định trước đó trong các mục tiêu. Do đó, đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp là việc xem xét, so sánh các chỉ tiêu đo lường hoạt động đầu tư theo thời gian của một doanh nghiệp, so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành, cùng quy mô hoặc so sánh giữa các doanh nghiệp có sự khác biệt về loại hình sở hữu để đưa ra những nhận định về hiệu quả đầu tư của từng khối doanh nghiệp.
Theo Từ Quang Phương (2003), đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
1) Xuất phát từ mục tiêu đầu tư 2) Phải có tiêu chuẩn đánh giá 3) Đầu tư có độ trễ
4) Phải có hệ thống chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp hoạt động đơn thuần vì mục tiêu lợi nhuận, khi đánh giá hiệu quả đầu tư, các chỉ tiêu hiệu quả tài chính sẽ được tập trung xem xét. Ngược lại, với những doanh nghiệp hoạt động công ích hoặc hoạt động vì những mục tiêu phi lợi nhuận thì khi đánh giá hiệu quả đầu tư, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội sẽ là trọng tâm để đánh giá.
Đối với các hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư dài hạn, việc phát huy hiệu quả thường có độ trễ so với kỳ đầu tư. Khi xem xét, đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp cần chú ý xem xét và tính đến độ trễ của đầu tư. Việc đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp cũng có sự khác biệt theo mục tiêu đánh giá. Ở góc độ vĩ mô, mục tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp là để điều chỉnh chính sách. Trong khi đó, ở góc độ vi mô, mục tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư của
doanh nghiệp nhằm xem xét có nên quyết định đầu tư vào doanh nghiệp hay không (với các nhà đầu tư), hoặc có nên quyết định đầu tư hay không (với chủ doanh nghiệp).
Do Luận án thuộc chuyên ngành Kinh tế phát triển, việc đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp sẽ được thực hiện dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước. Với vai trò là người ban hành chính sách, tạo môi trường đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ quan tâm đến hiệu quả đầu tư của cả tổng thể khu vực doanh nghiệp trong từng thời kỳ để có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Vì vậy, mục tiêu của Luận án không phải là đánh giá hiệu quả của một dự án đầu tư cụ thể mà là đánh giá hiệu quả đầu tư của cả khối doanh nghiệp để xem
xét sự thay đổi của hiệu quả đầu tư theo thời gian cũng như so sánh hiệu quả đầu tư giữa các khu vực doanh nghiệp.