Biện pháp và lộ trình thực hiện của ASCC

Một phần của tài liệu Tài liệu Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN - thời cơ và thách thức (Trang 55 - 57)

ASEAN đưa ra các biện pháp chủ yếu sau đây:

Một là, giáo dục bản sắc ASEAN, bao gồm: i) giáo dục về truyền thống di sản văn hóa chung của Đông Nam Á; ii) tuyên truyền mở rộng về văn hóa Đông Nam Á thông qua các hình thức đa dạng như truyền thanh, truyền hình, báo chí; iii) lập thêm các trung tâm nghiên cứu cơ bản về Đông Nam Á, tăng cường hiệu quả của công tác nghiên cứu. Ngoài ra, cần phải tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật về những vấn đề quan tâm của các nước. Nói riêng ở các cấp giáo dục, sách giáo khoa về lịch sử cần phải có một lượng nhất định về lịch sử văn hóa các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN. Cấp học càng cao, thời lượng và nội dung kiến thức về lĩnh vực này cần được tăng lên tương ứng;

Hai là, xây dựng chuẩn mực về giáo dục và đào tạo và vấn đề liên thông giáo dục đào tạo. Việc xây dựng chuẩn mực chung là cần thiết khi mà trong điều kiện thị trường, số lĩnh vực nhất định của quốc gia này cần và có thể được đáp ứng bằng tiềm năng từ quốc gia khác và ngược lại. Liên thông các trường đại học Đông Nam Á là đích quan trọng cần phải đạt đến. Cuối cùng là một hệ thống điều hành chung có quyền lực được thể chế hóa rõ ràng;

Ba là, huy động sự tham gia của nhân dân. Việc nhân dân tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải trở thành một điều kiện chủ yếu trong việc xây dựng cộng đồng. Cộng đồng ASEAN thực sự vẫn còn khá mơ hồ đối với đa số người dân, thậm chí cả những người sống ở thành phố, các trung tâm kinh tế chính trị đông đúc. Do vậy, cần phải tập trung giáo dục về ý thức Cộng đồng ASEAN với các nội dung cả về kinh tế, an ninh, chính trị, văn hóa… Hơn nữa, việc giáo dục phải được tiến hành thường xuyên thông qua các phương tiện truyền thông, các chuyến đi thực tế, giao lưu;

Bốn là, xây dựng Quỹ văn hóa – xã hội ASEAN. Việc xây dựng Quỹ là hết sức cần thiết để tài trợ cho các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, y tế, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, đào tạo, xuất bản, các hoạt động giao lưu;

Năm là, xây dựng hệ thống luật pháp và tạo lập các cơ quan thực thi thể chế: i) xây dựng hệ thống pháp luật với các quy định mang tính bắt buộc; ii) thành lập bộ máy điều hành đa cấp theo chiều ngang và chiều dọc, từ cấp cộng đồng, quốc gia xuống địa phương, từ lĩnh vực giáo dục, y tế sang môi trường, phòng chống HIV;

Sáu là, xây dựng các kế hoạch ngắn hạn và thực hiện các dự án trọng điểm. Các kế hoạch này không chỉ hiện thực hóa chiến lược chung mà còn đề ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong từng thời kỳ. Lựa chọn các dự án trọng điểm sẽ tạo ra sự đột phá cần thiết đảm bảo sức sống và sự bền vững của cộng đồng;

Bảy là, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế. ASEAN cần phải thiết lập một cơ chế liên thông các tổ chức văn hóa, giáo dục, lao động, việc làm… giữa các quốc gia trong khối và thế giới. Điều này giúp tạo nguồn lực cần thiết để thực thi các kế hoạch xây dựng cộng đồng và kết nối có hiệu quả giữa các quốc gia trong khu vực và bên ngoài.

Mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động, song ASCC đã xây dựng được lộ trình, xác định các giai đoạn ưu tiên và đề ra các giải pháp cụ thể. Tại Hội nghị ASCC ASEAN lần thứ tư (ASCC-4) tháng 8/2000 tại Đà Nẵng đã đề ra các nội dung trọng yếu cần giải quyết: y tế, giáo dục, môi trường, bệnh dịch, quyền con người, phát triển nguồn nhân lực. Rõ ràng, xây dựng mạng lưới an sinh bền vững là vấn đề cấp bách và cũng là một phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch mô hình phát triển của ASEAN và của cả khu vực Đông Á.

Một phần của tài liệu Tài liệu Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN - thời cơ và thách thức (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)