Điều 335. Cầm cố tài sản
1. Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) chuyển giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người khác.
2. Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng chính.
3. Trường hợp tài sản cầm cố là quyền đòi nợ, vận đơn, thẻ tiết kiệm thì việc chuyển giao được xác định khi giấy tờ chứng minh quyền đòi nợ, vận đơn, thẻ tiết kiệm được chuyển giao cho bên nhận cầm cố.
Điều 336. Xác lập quyền cầm cố
1. Quyền cầm cố được xác lập và có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm cố chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Việc cầm cố bất động sản, cầm cố quyền đòi nợ và các quyền tài sản khác có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
3. Việc cầm cố chứng khoán, thẻ tiết kiệm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm tổ chức phát hành loại giấy tờ đó nhận được thông báo về việc cầm cố.
4. Trường hợp bên nhận cầm cố tài sản bị mất quyền chiếm hữu tài sản thì quyền cầm cố chỉ được khôi phục khi bên nhận cầm cố chiếm hữu lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 343 của Bộ luật này.
Điều 337. Cầm cố quyền đòi nợ
1. Khi cầm cố quyền đòi nợ, các bên phải xác định thông tin về bên có nghĩa vụ trả nợ, địa điểm thanh toán, số tiền thanh toán hoặc phương thức định giá và thời hạn thanh toán (nếu có).
2. Việc cầm cố quyền đòi nợ có thể được xác lập trên một phần quyền đòi nợ, trừ trường hợp quyền đòi nợ đó không thể phân chia.
3. Bên nhận cầm cố phải thông báo bằng văn bản về việc cầm cố quyền đòi nợ cho người có nghĩa vụ trả nợ.
Điều 338. Cầm cố chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm
1. Việc xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và ngân hàng.
2. Bên nhận cầm cố vận đơn có quyền xuất trình vận đơn theo thủ tục được pháp luật quy định để thực hiện quyền chiếm hữu đối với hàng hoá ghi trên vận đơn đó.
Trường hợp người giữ hàng hóa không chuyển giao hàng hoá theo vận đơn cho bên nhận cầm cố mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho bên nhận cầm cố, trừ trường hợp bên nhận cầm cố không phải là bên nhận hàng hóa đã được ghi rõ tên trên vận đơn.
3. Trường hợp bên nhận bảo đảm đồng thời là người có nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm được bù trừ nghĩa vụ đó.
Điều 339. Nghĩa vụ của bên cầm cố
1. Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thoả thuận.
2. Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có.
3. Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Thông báo bằng văn bản cho bên mua, bên trao đổi, bên nhận tặng cho, bên thuê, bên mượn tài sản biết tài sản đang được cầm cố.
Điều 340. Quyền của bên cầm cố
1. Yêu cầu bên nhận cầm cố đình chỉ việc sử dụng tài sản cầm cố nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
2. Yêu cầu bên nhận cầm cố giữ tài sản cầm cố trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.
3. Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.
Điều 341. Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố
1. Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố. 3. Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm cố đồng ý.
4. Trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Điều 342. Quyền của bên nhận cầm cố
1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản cầm cố trả lại tài sản đó để xử lý.
2. Được quyền cầm cố lại, nếu được bên cầm cố đồng ý.
3. Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ.
4. Được khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thoả thuận.
5. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Điều 343. Bên nhận cầm cố tạm thời không chiếm giữ tài sản
Trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày bên nhận cầm cố không chiếm giữ tài sản cầm cố thì bên nhận cầm cố phải thực hiện việc đăng ký để được giữ thứ tự ưu tiên thanh toán kể từ thời điểm xác lập hiệu lực đối kháng do chiếm giữ tài sản.