VII- BẢO LÃNH Điều 367 Bảo lãnh
TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự quy định tại Điều 377 của Bộ luật này.
Mục 4
TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
Điều 376. Trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ
Bên nào không thực hiện đúng nghĩa vụ (sau đây gọi chung là bên vi phạm) thì phải chịu trách nhiệm đối với bên bị vi phạm.
Không thực hiện đúng nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ trì hoãn thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn; không có khả năng thực hiện nghĩa vụ; thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Điều 377. Quyền yêu cầu thực hiện trách nhiệm do không thực hiện đúng nghĩa vụ
1. Khi người có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ, đòi bồi thường thiệt hại hoặc huỷ bỏ hợp đồng theo Bộ luật này và luật có liên quan.
2. Khi người có nghĩa vụ cố ý không thực hiện nghĩa vụ thì người có quyền có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ, trừ trường hợp do tính chất của nghĩa vụ mà việc cưỡng chế không thể thực hiện được.
3. Khi người có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại thay cho việc thực hiện nghĩa vụ hoặc có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ sao cho hai yêu cầu này không mâu thuẫn với nhau.
Điều 378. Lỗi trong trách nhiệm dân sự
Người không thực hiện đúng nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có căn cứ được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 388 của Bộ luật này.
Điều 379. Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ
1. Người có nghĩa vụ bị coi là trì hoãn thực hiện nghĩa vụ khi không thực hiện nghĩa vụ vào các thời điểm sau:
a) Khi có thời hạn xác định cho việc thực hiện nghĩa vụ mà thời hạn đó đã đến;
b) Khi thời hạn cho việc thực hiện nghĩa vụ không được xác định nhưng người có nghĩa vụ biết và phải biết thời hạn đó đã đến;
c) Khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ không được xác định nhưng người có nghĩa vụ nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 308 của Bộ luật này.
2. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan làm cho việc thông báo không thể thực hiện được.
3. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.
4. Trường hợp không đồng ý hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại hoặc nếu thấy việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết thì từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 380. Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật
1. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định thì người có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.
2. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ giao vật cùng loại thì phải thanh toán giá trị của vật.
3. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại cho bên có quyền thì ngoài việc thanh toán giá trị của vật còn phải bồi thường thiệt hại cho bên có
quyền.
Điều 381. Trách nhiệm do không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá lãi suất mà luật quy định phải tuân thủ, nếu có. Trường hợp thỏa thuận về lãi suất chậm trả có trước thời điểm luật quy định về lãi suất phải tuân thủ thì áp dụng lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vi phạm quy định về cấm cho vay nặng lãi.
2. Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 489 của Bộ luật này và luật có liên quan.
Điều 382. Trách nhiệm do không được thực hiện một công việc
Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
Điều 383. Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
1. Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
2. Khi bên có quyền chậm tiếp nhận vật, tiền, giấy tờ có giá là đối tượng của nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn hoặc có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản và phải thông báo ngay cho bên có quyền.
3. Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.
Điều 384. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không thực hiện đúng nghĩa vụ
Trường hợp có thiệt hại do không thực hiện đúng nghĩa vụ thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 385. Thiệt hại do không thực hiện đúng nghĩa vụ
1. Thiệt hại do không thực hiện đúng nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là những tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là những tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc tài sản của người đó.
Điều 386. Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế thiệt hại cho mình.
Điều 387. Giảm mức bồi thường thiệt hại
1. Trường hợp việc không thực hiện đúng nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người bị thiệt hại.
2. Trường hợp người bị thiệt hại chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại cho mình thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tương ứng với mức thiệt hại mà lẽ ra người bị thiệt hại có thể hạn chế được.
Điều 388. Miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ
1. Trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự.
2. Bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm.
3. Bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự khi thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nếu có thỏa thuận hoặc luật quy định khác.
Mục 5