Quy trình thực hiện chính sách công

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số (nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lào Cai). (Trang 47 - 51)

Thực hiện chính sách công có thể coi như một quy trình liên tục. Quy trình thực hiện chính sách công thường gồm 7 bước cơ bản sau:

Bước 1: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách

Lập kế hoạch là một chức năng cơ bản của quản lý. Căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, cơ quan thực hiện chính sách công sẽ xây dựng chương trình hành động để đưa chính sách vào thực tiễn. Chương trình hành động bao gồm phương hướng và biện pháp thực hiện cụ thể. Chương trình hành động cần được xây dựng cụ thể và kịp thời. Khi có hiệu lực pháp lý, chính sách công được đưa vào triển khai, thực hiện ngay lập tức, góp phần đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, thời gian đã được phê duyệt, thông qua.

Trong kế hoạch thực hiện, cơ quan thực hiện phải xác định rõ ràng các yêu cầu về thời gian, không gian tổ chức triển khai chính sách, kế hoạch phân bổ các nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất,…), cơ chế kiểm tra, đánh giá chính sách, kế hoạch thu nhận các thông tin phản hồi, tổng kết và kiến nghị điều chỉnh chính sách. Bên cạnh đó, chương trình hành động cần nhận định khái quát về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai chính sách, xác định mức độ, phạm vi, tác động xã hội, từ đó, dự báo những biến động, tình huống có thể phát sinh và đề xuất các phương án dự phòng để chủ động giải quyết.

Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động đóng vai trò quan trọng, giúp các cơ quan thực hiện chính sách phân bổ nguồn lực, kiểm soát tiến độ thực hiện. Kế hoạch thực hiện chính sách còn là cơ sở, công cụ quan trọng để đưa chính sách vào thực tiễn. Kế hoạch càng được chuẩn bị chu đáo thì hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách càng cao.

Bước 2: Phổ biến, tuyên truyền chính sách

Đây là công đoạn tiếp theo sau khi chính sách đã được thông qua. Thông qua công tác tuyên truyền để mọi người có hiểu biết đầy đủ, chính xác

về nội dung chính sách, hiểu nghĩa vụ và lợi ích của mình trong việc thực hiện chính sách, từ đó vận động được sự đồng tình ủng hộ của dân chúng đặc biệt là của những người sẽ chịu tác động của chính sách.

Việc tuyên truyền cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hướng tới mọi đối tượng. Để tăng hiệu quả chính sách, khi tuyên truyền, phải sử dụng nhiều hình thức như tiếp xúc trực tiếp, trao đổi, hướng dẫn, v.v.

Bước 3: Phân công phối hợp thực hiện chính sách

Một chính sách thường được thực hiện trên một địa bàn rộng lớn và có sự tham gia của nhiều tổ chức, do đó phải có sự phối hợp, phân công hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặt khác, các hoạt động thực hiện mục tiêu cũng hết sức đa dạng, phức tạp, có sự đan xen, thúc đẩy, thậm chí kìm hãm nhau. Bởi vậy, cần có sự phân công, phối hợp giữa các cấp, các ngành để triển khai chính sách được thống nhất. Nếu hoạt động này được triển khai chủ động, khoa học, sáng tạo thì quá trình thực hiện sẽ mang lại hiệu quả cao và duy trì chính sách ổn định.

Thông thường, để phát huy hiệu quả thực hiện chính sách, sẽ có một cơ quan được nhà nước uỷ quyền thống nhất điều phối các hoạt động. Cơ quan này có vai trò, trách nhiệm chính trong việc quản lý chung và chủ trì toàn bộ quá trình thực hiện chính sách. Cơ quan chủ chốt được lựa chọn là cơ quan có năng lực thực hiện chính sách hiệu quả hơn so với các cơ quan khác, cung cấp nhiều thông tin và nhân lực cho việc thực hiện chính sách.

Cùng với cơ quan chủ chốt, nhà nước cũng sẽ xác định các cơ quan phối hợp thực hiện chính sách. Đây là các cơ quan có chức năng liên đới, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách công đạt hiệu lực và hiệu quả cao hơn. Việc lựa chọn các cơ quan phối hợp thực hiện cũng cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực, kỹ thuật chuyên môn để các cơ quan hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau khi xác định được cơ quan thực hiện chính sách công, cần xác định rõ ràng mối quan hệ phân công về chức năng, nhiệm vụ, quyền lực và lợi ích (nếu có) giữa cơ quan chủ chốt và cơ quan phối hợp. Việc phân công cụ thể sẽ tránh tình trạng trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, hoạt động; việc phối hợp sẽ đảm bảo tính tập trung, tạo sự liên kết, đồng bộ, phát huy các nguồn lực của các đơn vị trong hoạt động của cả hệ thống để đạt mục tiêu chung. Xác định những thông số, tiêu chuẩn, định mức sẽ giúp quá trình phân công và phối hợp đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời giúp tiến trình thực hiện chính sách công diễn ra một cách chủ động, sáng tạo.

Bước 4: Duy trình chính sách

Đây là bước làm cho chính sách tồn tại được và phát huy tác dụng trong môi trường thực tế. Thực tế, nhiều chính sách được ban hành đúng nhưng trong quá trình thực hiện chính sách không có các giải pháp, biện pháp duy trì và phát triển dẫn đến hiệu quả thấp, gây lãng phí, không đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, quá trình thực hiện chính sách đòi hỏi các chủ thể phải chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp phù hợp, linh hoạt trong từng hoàn cảnh để đảm bảo chính sách được thực hiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra.

Để duy trì được chính sách đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực của nhiều yếu tố như nhà nước, chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và người dân, đối tượng thụ hưởng. Nếu các chủ thể và hoạt động này được tiến hành đồng bộ thì việc duy trì chính sách là việc làm không khó.

Bước 5: Điều chỉnh chính sách

Các hiện tượng KT-XH luôn luôn biến đổi không ngừng, nhiều yếu tố mới xuất hiện trong quá trình thực hiện chính sách. Vì vậy, điều chỉnh chính sách, đặc biệt là những chính sách dài hạn có một ý nghĩa quan trọng để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, từ hoạt động đánh giá thực hiện chính sách, có thể

phát hiện “sai lệch” trong bản thân chính sách hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện. Khi đó, cần phải tiến hành điều chỉnh chính sách một cách kịp thời. Điều chỉnh chính sách là các giải pháp tác động bổ sung trong quá trình thực hiện một chính sách nhằm sửa chữa các sai lệch. Đây là một bước cần thiết, diễn ra thường xuyên trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách công. Điều chỉnh chính sách được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quá trình điều chỉnh chính sách phải đảm bảo luôn bám sát với các mục tiêu ban đầu, chỉ điều chỉnh các biện pháp, cơ chế thực hiện mục tiêu. Điều này đòi hỏi hoạt động điều chỉnh phải được triển khai hết sức cẩn thận và chính xác, không làm biến dạng chính sách ban đầu.

Bước 6: Kiểm tra thực hiện chính sách

Bất cứ chính sách nào trong quá trình thực hiện cũng phải được kiểm tra để đảm bảo chúng được thực hiện đúng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Các cơ quan nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong kiểm tra thực hiện chính sách. Công tác kiểm tra chính sách được thực hiện thường xuyên sẽ giúp nhà quản lý nắm vững được tình hình thực hiện chính sách từ đó có những đánh giá chính xác về chính sách.

Bước 7: Tổng kết thực hiện chính sách

Việc tổng kết thực hiện chính sách là bước cuối cùng trong quy trình thực hiện chính sách nhằm đánh giá lại toàn bộ ý đồ và tiến trình triển khai chính sách. Việc tổng kết phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đánh giá thành tựu của quá trình thực hiện chính sách đã đạt được trên tất cả các phương diện: vật chất, ý đồ chính trị, thói quen, tập quán xã hội, các đối tượng được hưởng lợi, v.v.;

- Đánh giá hạn chế của quá trình thực hiện chính sách: kết quả, tác động tiêu cực, những mâu thuẫn xã hội mà chính sách không thể né tránh khi thực hiện chính sách. Đặc biệt, phải phân tích kỹ lưỡng các nội dung như: Tiến độ

là đúng hay không? Có những tiêu cực nào xảy ra, mức độ và cách né tránh nếu biết trước.

- Đánh giá các tiềm năng chưa được huy động: đây cũng là một yêu cầu của việc tổng kết thực hiện chính sách, đó là thiếu sót về khâu tổ chức đã bỏ quên một số tiềm năng như sức người, sức của, các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà lẽ ra khi thực hiện chính sách có thể đưa vào sử dụng.

Cuối cùng, khi tổng kết thực hiện chính sách cần đưa ra các kết luận sau: Chính sách đã phải kết thúc chưa? Nếu chưa, phải tiếp tục như thế nào? Nếu phải kết thúc thì cách kết thúc ra sao? Phải đưa ra chính sách nào kế tiếp hay tạm dừng một thời gian, v.v.?

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số (nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lào Cai). (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w